Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam khẳng định Cục không có lỗi sau 4 vụ tai nạn tàu hỏa liên tiếp là vội vàng...
Quá vội vàng phủ nhận trách nhiệm
Mới đây chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục đường sắt Vũ Quang Khôi khẳng định Cục đã làm hết trách nhiệm sau các sự cố tàu hỏa, vai trò của Cục chỉ là quản lý nhà nước, tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật. Đặc biệt Cục không có lỗi trong việc này.
Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 30/5, ông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội đánh giá, đây là phát ngôn quá vội vàng của Cục trưởng Cục đường sắt.
Trách nhiệm của các bên đối với sự việc xảy ra phải đợi kết luận của cơ quan điều tra xem xét mới có thể quy kết, còn tự bản thân các nhà quản lý không nên tự đánh giá vai trò, trách nhiệm trong việc này.
Đặc biệt phát biểu của lãnh đạo Cục đường sắt tại thời điểm nhạy cảm này là không phù hợp với tình hình chung.
Thêm nữa, loại hình vận tải đường sắt đang ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, đầu tư vào không hiệu quả, tai nạn thì lại liên tiếp xảy ra, thì những câu hỏi liên quan đến chất lượng quản lý cũng cần được đặt ra.
Tai nạn đường sắt kinh hoàng tại Thanh Hóa. Ảnh TNO
"Bản thân lãnh đạo Cục đường sắt khi cơ quan đang điều tra thì hãy khoan nói về mặt trách nhiệm, ai cũng chối đẩy trách nhiệm, kêu mình hoàn thành nhiệm vụ thì đất nước không bao giờ phát triển được", ông Liên khẳng định.
Quản lý đường sắt vốn dĩ là cả một quy trình từ vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, nên sinh ra cơ quan quản lý là để quản lý, chứ còn chỉ ngồi soạn thảo văn bản thì không cần thiết.
"Hãy giảm bớt các Cục, Vụ tập trung đưa cán bộ xuống địa phương, các ga cơ sở kiểm tra, kiểm soát, thực thi công vụ cho đầy đủ thì sẽ tránh được tai nạn tàu hỏa.
Cùng với đó, ngành đường sắt cần tiến tới trang bị khoa học công nghệ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hướng tới. Từ đó, sẽ kiểm soát được một cách tổng thể, kịp thời phát hiện ra những bộ phận mắc lỗi để điều chỉnh.
Ngoài ra, cần đầu tư để đảm bảo sự tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu đảm bảo sự liên thông, nhịp nhàng. Khi đó mới có thể giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn giao thông do lỗi từ con người.
Xảy ra tai nạn liên tục, không thể quy cho văn bản quy định mà chắc chắn là do con người từ vận hành cho đến quản lý, chỉ đạo. Không nên đổ lỗi cho người lao động mà phải nhận thấy trách nhiệm của mình, khi chưa có kết luận đừng vội phủ nhận bất cứ điều gì", ông Liên nhận định.
Quản lý quá lỏng lẻo, đừng đổ hết lỗi cho hạ tầng...
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB giao thông cho rằng, 4 vụ tai nạn liên tiếp vừa qua thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, vận hành, kỷ luật lao động của ngành đường sắt.
Cụ thể là Cục đường sắt là người định hướng, theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, để cho tai nạn xảy ra liên tục là cũng có trách nhiệm, thậm chí lớn.
Ở đây cụ thể là đưa chính sách như nào, chế tài như nào, mà cấp dưới lại buông lỏng quản lý dẫn tới các vụ tai nạn đáng tiếc, trong khi, nếu có chế tài nghiêm thì cấp dưới sẽ không dám quản lý lỏng lẻo.
"Để thấy, không thể đổ lỗi cho hạ tầng yếu kém, ý thức người dân thấp. Cần điều tra, xem xét, có thể hạ cấp bậc của người đứng đầu ngành đường sắt để làm gương cho cấp dưới.
Còn nếu cán bộ không làm thì phải theo dõi, có ý kiến, tại sao lại không có chính sách, thưởng phạt rõ ràng, quản lý chặt chẽ, nên vai trò Cục đường sắt rất quan trọng", ông Thủy nhận định.
Về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tai nạn giao thông, ông Thủy cho rằng, việc của họ chủ yếu phải chịu trách nhiệm về hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Song, việc này hiện rất khó khăn do hệ thống đường ngang dân sinh tự phát ngày càng nhiều, việc giải tỏa hành lang rất khó khăn, không có ngân sách để bồi thường.
"Ngày xưa tôi công tác tại Bộ GTVT là người trực tiếp soạn thảo văn bản quản lý vận tải hành khách của Bộ, phải xuống từng ga, từng bến xe từ Bắc vào Nam, để kiểm tra, giám sát làm việc với các bến xe, kể cả lái xe, sau đó mới viết được các văn bản, văn bản nào cũng được Bộ trưởng đánh giá tốt.
Làm quản lý nhà nước phải như thế, sâu sát thực địa thì nắm được dưới cần gì, sai ở đâu để chấn chỉnh ngay.
Sau các vụ tai nạn, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT nhận trách nhiệm là có thể chấp nhận được, nhưng Cục đường sắt và Tổng công ty đường sắt VN thì phải có trách nhiệm trực tiếp, Chính phủ cũng nên có chỉ đạo với Bộ GTVT xử lý nghiêm, thì mới có tính răn đe, không tạo ra tiền lệ xấu", ông Thủy nhấn mạnh.
Tai nạn tàu SE19 do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn và lái xe tải
Ngành đường sắt xác định tàu SE19 gặp nạn do nhân viên gác chắn chủ quan, lái xe tải không chấp hành quy định an ... |
Tai nạn đường sắt liên tiếp: \'Trong nhà có ông già bị ốm\'
Đại diện Cục Đường sắt thừa nhận hạ tầng đường sắt hiện cũ kỹ, lạc hậu nên kém hiệu quả, ẩn chứa nhiều nguy cơ ... |
Thêm số điện thoại nóng ngành đường sắt dịp Tết
Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) vừa công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về vận ... |
Châu An