Theo quyết định xử phạt của Chủ tịch xã, bà Tha đã có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp với diện tích khoảng 550m2, nhưng trên thực tế diện tích sai phạm lớn gấp 6 lần.
Như Dân Việt đã thông tin, bà Lê Thị Hồng Tha (xã Đăk Cấm, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) xây dựng một công trình đồ sộ trên đất nông nghiệp, rồi lấy lý do đang nợ ngân hàng nhiều nên chưa có điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Cụ thể, công trình gồm khoảng 15 căn nhà lớn, nhỏ đã xây dựng xong; trong đó có 1 nhà điều hành, 7 căn nhà hình chữ nhật và hình lục giác, 7 căn nhà chòi vuông, chưa kể các ao hồ và sân bê tông. Theo biên bản vi phạm hành chính được lập ngày 13.8 của UBND xã Đăk Cấm, diện tích sai phạm chỉ có 550m2, còn trên thực tế lại gấp đến 6 lần, tức khoảng 3.000m2.
Công trình nhà chòi, ao cá, sân vườn được xây dựng khá bề thế.
Trả lời PV về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Mân – Phó Chủ tịch UBND TP.Kon Tum cho biết, phải khẳng định rằng công trình này đang xây dựng trên đất nông nghiệp, chỉ có 200m2 là đất thổ cư, những hạng mục còn lại là đất nông nghiệp. Các hạng mục như là ao, hồ cũng là đất nông nghiệp. Qua xác định lại, tất cả các hạng mục vi phạm trong khuôn viên như lối dẫn đường đi, ao, nhà, tường rào… khoảng 3.000m2.
“Qua kiểm tra thực tế, công trình có diện tích sai phạm khoảng 3.000m2, việc xã lập biên bản xử lý 550m2 diện tích sai phạm là cũng có cơ sở, vì họ chỉ lập cái nhà không thôi. Còn các công trình phụ trợ cũng vi phạm, vì trên đất nông nghiệp không được làm những hạng mục đó. Ở đây, lãnh đạo và cán bộ của xã có thiếu sót trong nội dung này”, ông Mân cho biết thêm.
Ao hồ được xây dựng khá rộng rãi.
Như vậy có thể khẳng định rằng đây là một công trình khá nguy nga, đồ sộ trên diện tích khoảng 3.000m2 và chỉ nằm cách UBND xã Đăk Cấm gần 2km. Tuy nhiên, chỉ khi PV phát hiện và báo cho xã thì xã mới hay tin. Vậy thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong vụ việc này như thế nào?
“Trách nhiệm xảy ra việc vi phạm trên địa bàn nào thì chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nơi nào để xảy ra mà chính quyền cấp xã thiếu quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc thì chính quyền cấp xã, mà đặc biệt là Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm. Cụ thể ở trường hợp này, xã Đăk Cấm sẽ phải chịu trách nhiệm. Cấp xã nơi xảy ra sự việc mà Chủ tịch xã lại đổ hết trách nhiệm, không biết thì chứng tỏ năng lực quản lý rất kém, cần phải xem xét lại. Sắp tới, UBND thành phố sẽ tiến hành kiểm điểm và xử lý các tập thể và cá nhân liên quan trong vấn đề này, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó”, ông Mân cho hay.
Tường rào được xây dựng khá kiên cố
Câu hỏi được đặt ra ở đây là có hay không sự thờ ơ, buông lỏng trong quản lý xây dựng và sử dụng đất nông nghiệp của chính quyền cấp xã, khi mà một công trình đồ sộ xây dựng bất hợp pháp chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đến 2km. Cùng với đó là biên bản kiểm tra để ra quyết định xử phạt không đúng với thực tế diện tích sai phạm. Vấn đề này, chúng tôi sẽ phản ánh sau khi có kết quả xử lý từ chính quyền TP. Kon Tum.
Hé lộ nguyên nhân sập dàn đỡ công trình qua hầm Thủ Thiêm
Phần dàn che đỡ công trình làm đường nghìn tỷ trước cửa hầm Thủ Thiêm bị sập xuống, giao thông tại khu vực hầm Thủ ... |
Ảnh: Những công trình tiêu biểu tạo nên diện mạo hiện đại của Hà Nội
Cảm nhận một Hà Nội hoàn toàn khác khi ngắm những công trình tiêu biểu, góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô hiện ... |
Thanh tra lao động nhận định vụ thanh sắt rơi từ công trình ở Hà Nội
Theo lãnh đạo thanh tra lao động Hà Nội, trường hợp thiết bị giáo treo lắp đặt đúng quy chuẩn thì thanh xà không thể ... |