Tia mắt ấy, ánh mắt ấy sẽ làm cho kẻ giết hổ không có lấy một đêm ngủ yên giấc; không có được một giây phút thư thái trong tâm hồn; và không bao giờ cảm thấy bình an trong tâm tưởng. Ở đâu, vào bất cứ lúc nào, kẻ giết hổ cũng sẽ thấy như có ai đang dõi theo từng đường đi nước bước, từng lời nói, cử chỉ… Và không sớm thì muộn, kẻ đó cũng chết bất đắc kỳ tử. Không có một kẻ nào giết hổ mà lại thọ được đến tuổi ngoài bảy chục.
Con hổ Leng (Kỳ 6) |
Con hổ Leng (Kỳ 5) |
Con hổ Leng (Kỳ 4) |
Nỗi nhớ con ập đến và kèm thêm vào đó là một nỗi căm hờn xen lẫn uất ức trào lên khiến con Leng thấy tim mình thắt lại. Cái bọn người độc ác và ích kỷ kia, sao ngươi lại nhẫn tâm đến mức bắt cả hổ con? Sao ngươi lại căm thù loài hổ? Hay là ngươi ghen với giống hổ vì nó được suy tôn làm chúa tể rừng xanh, là “Chúa sơn lâm”; là có vóc dáng hùng dũng, oai phong, có tiếng gầm làm rung rừng chuyển núi, có sức khỏe mà so với hổ, thì con người không bao giờ dám mơ tới? Chắc các ngươi thấy mình hèn kém hơn rất nhiều so với loài hổ, nên ngươi tận diệt loài hổ để được sống một mình chứ gì?
Mỗi lúc Leng lại thêm thất vọng vì ngoài gã hổ già này thì chẳng còn có chàng hổ đực nào đến theo tiếng gọi tình yêu của nó. Thật là buồn chán khi phải chọn cho mình một tấm chồng mà mắt đã có lớp sương mù che phủ, bước đi không còn vẻ nhanh nhẹn, kiên quyết và hai chiếc răng nanh trên đã mòn cụt, ngả màu vàng ệch. Gã hổ lại cọ ria mép vào cạnh tai con Leng. Bỗng Leng nổi cáu, nó quắc mắt nhìn lão rồi vểnh râu, nhe hàm răng trắng bóng ra đe dọa. Thấy thế, lão hổ khôn ngoan vội lảng ra và nằm phủ phục trước mặt con Leng. Cái đuôi dài mềm mại đập những con ruồi đang tìm cách rúc vào lỗ tai.
Rồi mặt trời chuyển sang màu đỏ như than và tụt dần xuống dãy núi phía tây cao sừng sững. Bóng tối bắt đầu từ trong rừng già bò ra phủ dần vạn vật. Nhưng may mắn thay, đằng đông đã tỏa ra ánh sáng lạnh lẽo của mặt trăng thượng tuần. Ánh trăng đủ để cho con Leng thấy gã hổ già vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi. Và lạ thay, bóng tối đã xóa đi những nét già nua bất lực, còn ánh trăng lại tôn thêm vẻ đường bệ từng trải của gã. Giờ đây, trông gã cũng có phần hấp dẫn như những gã hổ trai trẻ. Ánh trăng suông làm con Leng thấy lòng mình thư thái hơn và càng làm cho nó khao khát tình yêu. Cứ mỗi phút qua đi, con Leng lại quên dần sự coi thường và hờ hững đối với gã hổ già. Nó thèm muốn được ve vuốt, được đùa giỡn... Thế là nó nằm lăn ra bãi cỏ gianh, giơ bốn chân lên trời, cái miệng há ra. Nó lăn qua, lăn lại, từ cổ họng phát ra âm thanh rền rĩ hối hả.
Hành động của con Leng khiến cho gã hổ biết cô nàng đã chấp thuận. Gã nhảy đến bên cạnh nàng, giơ chân đặt nhẹ lên bộ ngực nở nang trắng muốt rồi gã dụi đầu vào bụng nàng.
Leng bật dậy húc đầu vào gã khiến gã ngã lăn ra rồi cô nàng vùng chạy quanh thân cây đổ. Cuộc đuổi bắt hẳn sẽ đem phần thua cho gã nếu như con Leng sử dụng hết sức lực của mình. Nhưng không, nó chỉ chạy đủ cho gã không vật được nó xuống nhưng vẫn đủ để cho cái đầu gã dụi vào lưng. Mỗi lúc con Leng lại nồng nhiệt hơn, nó đã chủ động cọ ria mình vào bộ ria già cỗi của gã. Nó cũng đã không ngần ngại hít đến căng ngực cái mùi đực muôn thuở quyến rũ tỏa ra từ gã. Chúng đùa giỡn với nhau cho đến khi bầu trời ngả sang màu xanh đen huyền bí thì con Leng chủ động chạy vào sâu trong rừng. Ðêm hôm ấy, chúng ngủ cạnh nhau trong một hang đá nhỏ.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) |
Sáng hôm sau, khi sương đêm vừa tan hết thì bản tình ca hạnh phúc của hai con hổ lại bắt đầu. Chúng đùa giỡn với nhau đến quên cả ăn, chỉ có khi nào khát nước, chúng chạy ra suối và vừa uống vừa té nước vào nhau. Chúng say mê nhau đến ngây dại và nhiều lúc đuổi nhau, chúng chạy ra cả con đường mòn nối liền hai xã Mường Mun và Mường Tùng. Bàn chân to như miệng bát của chúng in rõ ràng trên nền đất ẩm. Chúng không biết rằng chúng sẽ phải trả giá đắt như thế nào về sự sơ suất đó.
Gã hổ già vẫn cố gắng đem hết sức để đáp ứng những trò đùa giỡn của con Leng. Gã phải để ả hổ cái vần như khúc gỗ hoặc thỉnh thoảng đón nhận những cái tát mà không phải lúc nào cũng mềm mại. Cái tai nhăn nhúm của gã cũng phải chịu những vết cắn rớm máu... Nhưng tình yêu và sự khát khao được làm chồng cô ả trẻ trung, xinh đẹp kia khiến gã phải chịu đựng và luôn luôn vui vẻ. Một buổi trưa, tình cờ gã tóm được một chú hoẵng què chân sau. Mặc dù đói đến cồn cào, lão vẫn cố chịu đựng và tỏ ra hào hiệp khi nhìn con Leng ăn ngấu nghiến bộ lòng ruột rồi cả hai cái đùi sau nần nẫn thịt.
Nhưng rồi ngày thứ ba thì gã không thể kiên nhẫn được nữa. Ả hổ cái đã chấp nhận lão làm chồng thì lão phải tỏ ra là một kẻ có sức mạnh và quyền uy. Gã gầm gừ nghiêm khắc, bộ ria vểnh lên và nhìn ả bằng cặp mắt vừa đe nẹt, vừa pha chút cầu khẩn. Con Leng hiểu cái nhìn đó và nó ngồi xuống, cúi đầu vẻ phục tùng của người vợ. Gã chồm lên lưng con Leng, hai chân trước bấu chặt lấy cổ, hàm răng còn nay nhay cái gáy chắc lẳn...
Con Leng rít lên đau đớn nhưng vẫn chịu đựng. Cuộc hôn phối bất đắc dĩ để tồn tại giống nòi chỉ kéo dài chưa đến nửa phút và khi con Leng bừng tỉnh thì gã hổ già vội vã co giò chạy biến. Gã biết khi ả đã thỏa mãn rồi thì việc đầu tiên là ả sẽ trả thù cho những vết cào, vết cắn mà gã để lại trên mình ả.
Giống hổ, cũng như loài báo là loại có cách truyền giống kỳ lạ nhất. Mỗi ngày, con hổ đực phải “phục vụ” khoảng hơn một trăm lần. Chúng ngủ với nhau từ khi mặt trời ló rạng và cho đến lúc tắt nắng. Cứ 5 đến 10 phút lại một lần… Cũng chỉ vì tần suất sinh hoạt của chúng quá mạnh mẽ, nên con Người đã tìm cách giết chúng để lấy không chỉ bộ da, bộ xương mà còn lấy cả “pín” của chúng. Cái gì của con hổ đối với con người cũng đều là quý giá. Bộ da hổ, thì khỏi phải bàn là được lũ người quyền thế nâng niu, coi trọng đến mức nào. Bởi bộ da đó, nếu treo lên tường thì là thể hiện cho quyền uy. Kẻ nghèo hèn, không bao giờ được phép treo da hổ. Nước đái hổ, nếu vương vãi trên lá cây, ngọn cỏ, thì chỉ tỏa ra mùi chua chua, khai gắt. Nhưng nếu còn nằm trong bọng đái, thì lại được coi là loại thuốc “đại bổ thận”. Những kẻ thợ săn có kinh nghiệm, khi bắn được hổ, đầu tiên là phải mổ ra, lấy hai buồng gan, bọng nước đái và khoét ngay lấy hai xương bánh chè… Gan hổ nhúng nước sôi, ăn tái khi máu còn tươi được coi là thứ thuốc bổ máu, bổ não độc nhất vô nhị. Nước đái hổ còn trong bọng đem pha với rượu và làm thuốc bổ thận, tráng dương. Còn xương bánh chè của hổ thì lại là linh dược chữa bệnh thấp khớp. Người bị thấp khớp, lê lết không được, nếu có xương bánh chè hổ mài ra, cho uống, chỉ sau một đêm là hết đau nhức. Xương bánh chè hổ quý vô cùng và được coi là tích tụ toàn bộ sức mạnh của con hổ, vì thế, khi nấu cao, không thể thiếu hai mảnh xương bánh chè của chân trước.
Còn nếu là hổ đực, thì “pín” hổ là thứ thần dược để ngâm rượu, uống cho tăng khả năng giống đực, làm vui lòng lũ người giống cái.
Từ trong tâm khảm của mình, giống người tôn thờ giống hổ một cách thực lòng. Họ tôn thờ là bởi vì con hổ nom có “thần khí” hơn tất cả các loài khác.
Thời xưa, các bậc vua chúa, những kẻ quyền thế thì thể hiện quyền uy của mình bằng cách lấy da hổ để làm thảm hoặc treo da hổ trên vách nhà… Rồi sau này thì lại là hổ nhồi bông…
Nhưng bất luận là với ai, thân phận thế nào, thì hổ luôn luôn là con vật được con người ngưỡng mộ nhất, sợ hãi nhất và cũng tôn thờ nhất.
Chả thế mà nơi tướng ngồi để bàn việc quân được gọi là “hổ trướng”; người có tư thế ngồi đường bệ, oai vệ thì được coi là “hổ phục”; người có bộ mặt uy nghiêm thì được gọi là “hổ uy”; vị tướng nào tài giỏi thì được phong “hổ tướng” và duy nhất chỉ có thời Tam Quốc bên Tàu mới có 5 người được phong là “ngũ hổ đại tướng quân”, đó là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long; Mã Siêu và Hoàng Trung. Rồi người ăn khỏe thì được ví là “ăn như hổ”; người có dáng đi mạnh mẽ, oai phong thì được gọi là “hổ bôn”… Con hổ và con rồng là “tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ”; hai phương vị tốt nhất để làm nhà cửa. 5 màu của giống hổ được ví cho 5 phương - Ngũ hổ: Hổ đỏ, chủ về phương Ðông, hổ đen chủ về phương Bắc; hổ vàng chủ về phương Nam; hổ tím chủ ở phương Tây; còn hổ trắng - Bạch hổ là cao quý nhất thì đứng giữa, là trung tâm, là sợi dây kết nối 4 phương.
Chỉ có giống hổ, vẻ uy dũng, huyền bí toát ra từ ánh sáng của bộ lông màu vàng cháy pha những vằn đen, mà không con hổ nào có vằn đen giống con nào. Vằn đen trên con hổ cũng tựa như vân ngón tay con người.
Cũng chỉ con hổ mới có dáng đi uyển chuyển, thong thả nhưng lại đường bệ, chắc chắn; thể hiện quyền uy tuyệt đối nơi rừng thẳm núi cao và trong muôn loài.
Cũng chỉ có con hổ, từ trong cặp mắt màu vàng nhạt có pha ánh đồng, luôn luôn tỏa ra những tia thần khí, khiến không loài vật nào - kể cả con người - có đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào ánh mắt đó. Thậm chí khi hổ đã chết, thì cũng không mấy kẻ dám vạch mi mắt nó ra mà xem. Kẻ nào bắn chết hổ mà lại dám xem mắt hổ thì sẽ bị tia sáng tâm linh, ám ảnh cho đến khi kẻ đó nhắm mắt vĩnh viễn. Tia sáng trong mắt con hổ đã chết là uất hận, hờn căm, lạnh lẽo và chứa đựng một năng lượng huyền bí vô biên… Tia mắt ấy, ánh mắt ấy sẽ làm cho kẻ giết hổ không có lấy một đêm ngủ yên giấc; không có được một giây phút thư thái trong tâm hồn; và không bao giờ cảm thấy bình an trong tâm tưởng. Ở đâu, vào bất cứ lúc nào, kẻ giết hổ cũng sẽ thấy như có ai đang dõi theo từng đường đi nước bước, từng lời nói, cử chỉ… Và không sớm thì muộn, kẻ đó cũng chết bất đắc kỳ tử. Không có một kẻ nào giết hổ mà lại thọ được đến tuổi ngoài bảy chục.
Cũng chỉ loài hổ mới phát ra loại âm thanh đặc biệt, đầy uy lực và được gọi là tiếng gầm.
Mà cũng chỉ có hổ mới có tiếng gầm.
To như con voi cũng chỉ cất lên được tiếng rống - một thứ âm thanh khá trong trẻo, nhưng được phát ra từ cổ họng và không có chút sức mạnh, không đe dọa được ai, kể cả tiếng rống của những con voi đực sống cô độc… Tiếng rống của voi là thứ âm thanh vô hại…
Lợn rừng, loài ngu nhất, bẩn nhất, xấu nhất và có vóc dáng bần tiện nhất, nhưng lại cực kỳ hung hãn, liều lĩnh thì lại chỉ biết hộc lên từng tiếng cụt lủn.
Loài gấu, thì dù có lúc đi được bằng hai chân khệnh khạng và lúc nổi giận cũng biết đong đưa cái thân mình nung núc thịt và lắc lư cái đầu thô kệch cũng chỉ biết gầm gừ trong cổ họng. Có cố lắm thì cũng là phát ra những âm thanh khàn khàn, tức tối.
Loài chó sói, con vật khôn ngoan bậc nhất trong rừng, kẻ láu tôm, láu cá, kẻ thủ đoạn và lưu manh không loài nào sánh nổi thì cũng chỉ có tiếng sủa vu vơ, hằn học hoặc tiếng tru thảm thiết. Chó sói là kẻ hay than thân, trách phận nên hay ngửa mặt lên trời, nhìn trăng và tru lên từng hồi dài. Tiếng tru của chó sói não nùng, ai oán; không ra khóc, cũng chẳng ra cười, không vui mừng, mà cũng chẳng lạnh lùng… Hổ ghét nhất là tiếng cho sói tru vào những đêm trăng, nhất là lúc hổ đang tĩnh tâm để ngắm trăng trong vũng nước. Hổ ghét cay ghét đắng loài chó sói bởi bọn này tính cách hèn hạ, luôn luôn cậy số đông để giết các loài thú khác. Mà bọn chó sói, chúng chỉ đoàn kết, đồng lòng khi cùng nhau săn mồi. Còn khi con mồi đã gục xuống, thì chúng lại sẵn sàng cắn xé nhau để cướp từng miếng thịt… Ðúng là loài bần tiện nhất trong những loài bần tiện; tham lam nhất trong những loài tham lam và ti tiện nhất trong những loài ti tiện.
Báo cũng là loài anh em với hổ, cũng nổi tiếng về sự lanh lợi, nham hiểm và mưu mẹo, nhưng tiếng của nó mới chán làm sao. Hình như nó cũng rất muốn gầm lên, nhưng lại không đủ nội lực, thành ra tiếng của nó cứ the thé, lạnh lùng.
Chỉ có giống hổ mới có tiếng gầm.
Tiếng gầm của hổ là tiếng của sức mạnh nội tâm cất lên từ lồng ngực, trầm, ấm, vang xa hàng cây số.
Tiếng gầm của hổ là tiếng của tiếng của sức mạnh núi rừng tích tụ lại, truyền cho nó.
Tiếng gầm của hổ còn là thể hiện cho tiếng của đấng trượng phu, của kẻ quân tử pha chút lãng tử.
Là tiếng của bề trên không khuất phục sức mạnh từ đâu đó áp đặt và là tiếng của bậc thần uy, không chấp kẻ dưới.
Hổ không bao giờ phí hơi để gầm lên mà không có mục đích.
Lúc thì cất tiếng gầm để cho muôn loài biết: “Ta, là hổ, đang có mặt tại đây”.
Khi cất tiếng gầm để gọi bạn tình, lúc cất tiếng gầm trước khi lao vào con mồi.
Giống hổ là thế, khi lao vào con mồi, là lúc bốn bàn chân như bay trên không trung thì cũng là lúc tiếng gầm phát ra. Ðó là tiếng sét nổ giữa lúc trời quang mây tạnh, làm con mồi choáng váng và không phân biệt nổi hướng tấn công của hổ để mà chạy trốn. Mà dù có định chạy thì cũng không dễ thoát.
Tiếng hổ gầm làm cho núi rừng càng trở nên huyền bí và linh thiêng. Và chắc chắn không một loài vật nào có thể ngủ yên khi nghe tiếng gầm của hổ.
Còn đối với con người, họ rất sợ hổ, nhưng lại rất muốn có hổ. Với hổ, chúng coi con người chỉ là một loài vật yếu đuối, bạc nhược, hèn nhát, không bao giờ dám đối mặt với nó. Cái giống người chạy thì chậm, không biết nhảy, biết vồ, biết tát; tai thì nghe không thính, mũi thì chỉ ngửi thấy mùi thức ăn tỏa ra từ bếp… Nói tóm lại, giống người thua kém giống hổ tất cả. Nhưng giống người lại hơn giống hổ ở trí thông minh… Trí thông minh không có giới hạn của con người cộng với tính tham lam không có điểm dừng, tính ích kỷ không biết liêm sỉ, nhưng lại giỏi giả nhân giả nghĩa, đã biến con người trở thành loài động vật tàn ác nhất trong muôn loài. Con người không chỉ độc ác với các loài thú khác, mà còn độc ác với cả chính đồng loại. Con hổ, không bao giờ đánh nhau vì miếng ăn, không bao giờ ăn thịt đồng loại… Nhưng con người thì khác. Chúng dám làm tất cả những gì mà các loài thú không dám làm.
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 3) |
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 1) |
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 2) |
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong