Con hổ Leng (Kỳ 63)

Những tình cảm đó đã khiến cho con Leng thay đổi. Cái cảm giác thèm muốn những cánh rừng hoang, thèm muốn được đuổi theo những con mồi gần như không còn nữa, mà thay bằng những cảm giác của một con thú nuôi trong nhà.

con ho leng ky 63 Con hổ Leng (Kỳ 62)
con ho leng ky 63 Con hổ Leng (Kỳ 61)
con ho leng ky 63 Con hổ Leng (Kỳ 60)

Dường như thấy tư liệu đã quá đủ, Minh xin phép ông Tài trở về tòa soạn. Ông Tài cười:

- Sao anh bảo anh ở đây để đưa con Leng đi chơi.

Huy nói:

- Cháu cũng muốn lắm, nhưng phải về viết bài nộp cho tòa soạn. Cháu hứa với bác, một tháng nữa cháu sẽ vào đây ở với bác lâu hơn.

Sáng hôm sau, ông Tài dậy sớm nấu cơm nếp và nướng thịt lợn rừng cho Huy ăn sáng rồi gói cơm để Huy mang đi ăn đường. Từ bản Mun đi ra huyện cũng mất gần một ngày đường, cho nên phải mang cơm theo. Trước lúc lên đường, Huy đến bên con Leng, anh gãi gãi quanh vết thương cho nó và nói: “Leng à, tao phải chia tay mày rồi. Tao nhớ mày lắm đấy. Mày ở lại, cố ăn nhiều cho khỏe nhé. Ít hôm nữa tao về, mày và con Lếch đưa tao đi rừng nhé”. Đáp lại lời của Huy, con Leng gừ gừ trong cổ họng và nó quay lại liếm bàn tay anh.

Ông Tài tiễn Huy ra đến đầu suối, trước khi Huy lội sang bên kia. Ông Tài bảo:

- Anh viết thế nào thì viết, nhưng tôi muốn mọi người phải hiểu rằng, tôi nuôi nấng, chăm sóc con hổ này không phải là để cho tôi mà là để cho rừng. Rừng mà không có hổ thì buồn lắm. Rừng sẽ không còn là rừng nữa, mà sẽ chỉ còn là rừng chết.

Huy gật đầu rồi anh ôm chặt lấy ông Tài. Anh nói:

- Con cám ơn ông. Những bài báo con viết, con sẽ gửi sang cho anh Minh ở bên Liên Xô.

***

Năm ngày sau đó, phóng sự dài 5 kỳ “Ông già Tài và con hổ Leng” của Huy được đăng trên báo tỉnh. Đài Tiếng nói Việt Nam phát lại, rồi chương trình Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc của Công an tỉnh cũng đưa phóng sự về con hổ Leng và ông Tài

Loạt phóng sự của Vũ Huy đã gây được tiếng vang lớn.

Duy nhất có một người hậm hực ra mặt đó là Chi Cục trưởng Hoàng Văn Đạt. Khi đọc đến đoạn ông Tài tuyên bố: “Nếu cấp trên ra lệnh tịch thu con Leng, thì sẽ thu được xác nó và có thể cả xác tôi”.

Đạt cười khẩy, rồi nói với Vũ Thành:

- Đây ông xem, người dân bây giờ biết thách thức chính quyền rồi đấy. Vậy thì cứ tàng trữ, cứ nuôi thú quý hiếm đi rồi dọa chính quyền. Loạn, thế này thì loạn. Mà không hiểu cái thằng nhà báo này lại đi cổ vũ cho một thứ tư tưởng vô chính phủ như vậy. Và cũng không hiểu tại sao ban biên tập lại duyệt cho đăng bài thế này. Mà trong việc con Leng, chúng ta cũng đã hỗ trợ ông Tài rất nhiều, nhưng chẳng được nói đến. Tôi sẽ cho làm công văn gửi Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Không thể để thứ nhà báo thế này.

Thành vội vàng can:

- Anh bình tĩnh đi. Đừng có dại mà dây với báo chí. Tổng thống Mỹ còn sợ nhà báo nữa là… Bài này tôi đọc kỹ rồi, hắn viết hay, rất có tình, rất nhân văn. Anh có thể chưa hiểu kỹ tay này, chứ tôi thì rất biết. Hắn là phóng viên viết điều tra số một ở tỉnh này, đã được Giải báo chí Toàn quốc về vụ điều tra Phòng Cảnh sát giao thông mua bán xe bằng giấy giun.

Đạt khó chịu:

- Nó viết thế này, chả lẽ mình thua à?

Thành giảng giải:

- Nó cũng chẳng cổ vũ cho ông Tài, chẳng qua là cũng chỉ muốn nói, ông ấy rất yêu con hổ và sẵn sàng chết để bảo vệ nó. Báo chí có viết ngoa ngoắt một tí cũng đã chết ai.

Đạt hỏi:

- Vậy theo ông, nên xử lý thế nào?

- À, có ba cách - Thành nói với vẻ hiểu biết - Cách thứ nhất là im lặng, mặc kệ ai nghĩ gì thì nghĩ. Đây là trung sách. Cách thứ hai là viết thư, cảm ơn tòa soạn, cảm ơn tác giả và mong muốn báo chí tiếp tục phản ảnh nêu gương những tập thể cá nhân đã bảo vệ rừng, bảo vệ thú quý hiếm. Cách này là thượng sách. Còn cách thứ ba, như anh đã muốn, là phản ứng lại. Cách này là hạ sách.Tùy anh chọn lựa.

Đạt ngẫm nghĩ một lát rồi bật cười:

- Ông láu cá thật. Thôi, tôi nghe ông, chọn cách thứ hai.

Ngày hôm sau, đích thân bà Oanh, Phó cục trưởng dẫn đầu một đoàn cán bộ tới Tòa soạn báo Yên Sơn để cảm ơn và tặng quà cho nhà báo Huy.

con ho leng ky 63
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Sức khỏe con Leng phục hồi khá nhanh. Bây giờ nó đã có thể thủng thẳng đi lại trong khu vực nhà ông Tài và đôi khi hứng chí, nó cũng đùa với mẹ nuôi là con Lếch và cả con gấu May. Riêng đối với con Tiểu Hầu thì nó lại tình cảm mới rất lạ. Ngày xưa, nó không thích con Tiểu Hầu vì con khỉ này hay nghịch ngợm và đùa dai. Nhưng bây giờ, nó lại nằm im cho con Tiểu Hầu gãi xung quanh vết thương, hoặc vạch lông ra tìm lũ rận, lũ ve. Con Tiểu Hầu cũng không đùa nhả với con Leng mà cũng biết tỏ thái độ ân cần, thương cảm, vì vậy, đã có lúc nó rúc đầu vào ngực con Leng mà ngủ say sưa.

Tuy nhiên, từ khi con Leng tỉnh táo trở lại, bỗng dưng nó một cảm giác có một điều gì đó mới mẻ ở bên trong cơ thể, một sự thay đổi mạnh mẽ khiến nó cũng cảm thấy bất ngờ. Nếu như ngày trước, cả ngày nó chỉ nằm trong nhà mơ đến những cánh rừng xa, mơ đến những con nai, con hoẵng, con lợn rừng thì bây giờ nó lại thấy gắn bó với căn nhà của ông Tài, gắn bó với người thương yêu nó hết mực và nó cũng tôn thờ ông. Nó cảm thấy giữa nó với ông Tài, với con Lếch, con May, Tiểu Hầu có sợi dây tâm linh nào đó kết nối lại. Và nó còn cảm thấy từng đồ vật trong căn nhà này, kể cả bếp lửa góc nhà lúc nào cũng liu riu le lói và tỏa mùi khói thơm thơm khen khét… cũng có tình cảm với nó.

Mỗi khi ông Tài ra khỏi nhà, vắng tiếng ông là nó cảm thấy sợ hãi. Mỗi khi thấy ông chuẩn bị đi, nó lại ngước ánh mắt cầu khẩn như thể mong ông đừng đi đâu. Ánh mắt của nó như nói với ông rằng: “Ông ơi, ông đừng bỏ con nữa nhé. Ông có đi đâu thì sớm về với con” . Và khi ông khép lại cảnh cửa nhà, tiếng khóa ngoài lạch xạch thì cũng kể từ lúc đó, toàn bộ tâm trí của nó chỉ còn dồn vào sự chờ đợi. Nó mong ông về từng giây, từng phút và trên cơ thể nó, từng sợi lông, từng tế bào đều biến thành những chiếc ăng ten để thu nhận tín hiệu từ ông. Vì tập trung cao độ đến như vậy, nên dù ông Tài có còn cách xa nhà cả cây số, nó cũng nhận ra. Nó cảm nhận được bước chân ông đi, cảm thận được hơi thở của ông và ngửi thấy mùi từ cơ thể ông tỏa ra. Ông Tài cũng cảm nhận được sự mong đợi của con Leng, nên mỗi khi có việc phải đi đâu, làm gì ông đều cố gắng về thật nhanh. Và khi ông về, thì bao giờ ông cũng đến bên nó và nói thầm thì: “Ông về đây rồi. Mày yên tâm nhé”. Đáp lại tình cảm của ông, con Leng khẽ đập đuôi nhè nhẹ và dụi đầu vào tay ông.

Với con Lếch cũng vậy, nó vẫn tôn thờ con Lếch với tình cảm của một đứa con nuôi hết mực trung thành và kính trọng bà mẹ nuôi có một không hai này. Con Lếch dường như cũng cảm nhận được điều đó nên suốt ngày chỉ loanh quanh bên con Leng. Nó tự thấy mình bây giờ phải có trách nhiệm bảo vệ con Leng và vì thế nó cảnh giác với bất cứ một bóng ai đi qua cổng. Thậm chí, có ai cho miếng thịt lợn, thịt bò, con Lếch cũng ngửi trước, liếm láp kỹ rồi mới để cho con Leng ăn. Tất cả những việc nó làm chẳng có ai dạy bảo, mà tự dưng nó thấy phải làm vậy, như một bản năng thiên phú và như có thần linh nào đó mách bảo.

Những tình cảm đó đã khiến cho con Leng thay đổi. Cái cảm giác thèm muốn những cánh rừng hoang, thèm muốn được đuổi theo những con mồi gần như không còn nữa, mà thay bằng những cảm giác của một con thú nuôi trong nhà. Chính con Leng cũng đôi khi cảm thấy bất ngờ trước sự thay đổi chậm chạp những rõ ràng và mạnh mẽ trong bản thân mình. Nó luôn luôn thèm khát được sự chăm sóc của ông Tài, của mẹ nuôi, được bàn tay nhỏ bé của con Tiểu Hầu vuốt ve, được bộ móng vuốt cứng như thép của con gấu May cào nhè nhẹ lên lưng. Những cánh rừng đại ngàn thâm nghiêm, huyền bí, những con suối lũ cuồn cuộn hung hăng, những biển mây trắng xốp , những màn sương mờ ảo khiến núi non thêm hùng vĩ, linh thiêng và bí ẩn… vốn quen thuộc và quyến rũ bấy lâu nay, bỗng biến đi đâu mất. Thay vào đó là bầu không gian nhỏ hẹp nhưng ấm cúng, là sự che chở, là sự thương yêu, đùm bọc thấm đẫm trong từng lời nói, ánh mắt… Nó nhanh chóng quên rừng, quên cuộc sống hoang dã. Ông Tài cũng nhận ra điều ấy từ trong ánh mắt của nó. Không còn cái nhìn xa xăm, không còn những tiếng thở dài buồn bã vì nhớ rừng, không còn những sự bồn chồn, bứt rứt thể hiện qua dáng đi, qua vết cào trên thân cây… Từ trong sâu thẳm của trí óc, con Leng thấy rõ rằng, từ nay nó sẽ là một thành viên vĩnh viễn trong ngôi nhà này.

Vì vậy, con Leng chợt trở nên hiền lành một cách lạ thường.

Lúc bọn trẻ con trong bản đến chơi, con Leng tỏ ý thân thiện bằng cách đập cái đuôi nhè nhẹ và sẵn sàng để cho bọn trẻ đến gần, sờ đầu, rồi thậm chí có những đứa bạo gan còn vạch cả miệng con Leng ra để… đếm răng. Con Leng vẫn nằm im, thái độ hết sức thân thiện với tiếng gừ gừ vui vẻ. Nó cũng sẵn sàng há miệng để bọn trẻ xem răng và cũng rất thích để chúng sờ những đầu vú đã có sữa non. Nó bắt đầu ý thức được rằng, mỗi hành động của nó là mang lại niềm vui cho bọn trẻ. Sự thân thiện của nó với bọn trẻ cũng khiến ông Tài hết sức ngạc nhiên. Lúc đầu Seo Pợ cháu ngoại của bà Seo Mẩy rất thích sang nhà ông Tài để được chơi với con khỉ Tiểu Hầu và con May. Nó ít đùa với con Lếch bởi con Lếch lúc nào nom cũng nghiêm nghị từ ánh mắt đến dáng đi, tiếng sủa…

Khi con Leng về nhà ông Tài, Seo Pợ là đứa trẻ đầu tiên dám mon men đến gần và trước ánh mắt cảnh giác của con Leng, Seo Pợ đã nhìn nó không chớp mắt. Ánh mắt ngây thơ, trong sáng của đứa bé gái đã làm con Leng thấy chẳng có gì phải lo lắng và thế là chỉ sau ít phút thăm dò, con Leng đã để Seo Pợ ngồi bên cạnh, bàn tay nhỏ nhắn xoa xoa quanh vết thương. Thế rồi chỉ hai ngày sau, Seo Pợ đã bỏ cả học mẫu giáo để hằng ngày được đến bên con Leng. Ông Tài phải dỗ dành mãi nó mới chịu đi học tiếp, nhưng về tới nhà là chạy sang với con Leng. Lúc ăn cơm, nó cũng rất thích bưng bát cơm đến bên cạnh con Leng và vừa ăn vừa thủ thỉ nói chuyện, có lúc lại xúc thìa cơm cho con Leng. Con Leng thì tất nhiên chẳng thích gì ăn cơm, nhưng nể tình cảm của Seo Pợ nên nó cũng cố ăn với vẻ miễn cưỡng. Lúc đầu, ông Tài rất sợ khi Seo Pợ mon men đến gần con Leng. Nhưng khi nhìn ánh mắt Seo Pợ nhìn con Leng và ánh mắt con Leng nhìn Seo Pợ thì ông thấy rằng chúng sẽ là chị em, là bạn bè với nhau.

Thân được với con Leng, Seo Pợ kể với lũ bạn trong lớp và rủ chúng sang chơi. Và thế là bỗng dưng, con Leng thấy mình phải có bổn phận mang lại niềm vui cho bọn trẻ. Cũng có thằng bé liều, nắm đuôi con Leng kéo như thế kéo co, mặc dù không thích nhưng con Leng cũng không muốn để bọn trẻ sợ hãi, nên nó đứng dậy và đi giật lùi… Nhưng việc kéo đuôi hổ cũng chỉ được có vài ba lần, bởi sau đó con Lếch phát hiện ra ánh mắt không vui, miễn cưỡng của con Leng, thế là nó đến đẩy thằng bé ra. Lúc đầu, thằng bé không hiểu thái độ con Lếch nên vẫn cố nắm đuôi con Leng, con Lếch đành phải quắc mắt, nhe răng, gừ lên dọa nạt, khiến thằng bé sợ…

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới