Chuyên gia hiến kế giải quyết nhanh nút thắt về nợ xấu

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8​ tháo gỡ, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và thanh lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, cho đến nay mọi chuyện vẫn diễn ra rất chậm.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến hết quý 3, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng khoảng 2,9%, tăng cao hơn so với cuối năm 2016 (khoảng 2,6%).

Để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã có những chia sẻ với phóng viên Vietnam Plus xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, nợ xấu từ đầu năm đến nay đã tăng nhẹ so với cuối năm 2016, vậy theo ông nguyên nhân tăng từ đâu?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là nợ xấu có tăng nhưng nhẹ thôi. Theo tôi, nợ xấu tăng một phần là do tăng trưởng tín dụng thời gian qua tăng nhanh và cao. Cụ thể, sau chín tháng tín dụng đã tăng 12,1%, cao hơn các năm trước và từ nay đến cuối năm dự kiến có thể tăng lên đến 18% hoặc cao hơn.

Mặt khác, nợ xấu cũng có thể do hậu quả của tín dụng trước đó. Nhiều doanh nghiệp thời gian qua làm ăn được, nền kinh tế hồi phục nên trả được nợ, nhưng cũng có những doanh nghiệp thất bại, mất khả năng thanh toán với ngân hàng nên khoản vay trở thành nợ xấu.

Tôi nghĩ trong năm nay, nợ xấu có hai cấu phần: Một là của dư nợ từ trước và cấu phần hai là dư nợ mới.

- Vậy ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về kết quả xử lý nợ xấu trong năm 2017 này?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Rất khó có thể dự đoán được trong năm nay vấn đề xử lý nợ xấu diễn ra như thế nào vì Nghị quyết 42 do Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/8, đến giờ đã được hơn 2 tháng. Văn bản đó là cơ sở để các ngân hàng xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm một cách hiệu quả hơn. Trước đây, luật cũng đã cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm nhưng trong hơn 10 năm, vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm rấ khó khăn, người đi vay chống đối, chây ỳ, rồi đưa nhau ra toà, khi tòa có án lệnh rồi thì vấn đề thi hành án cũng gặp nhiều trở ngại.

Ngoài ra, việc đem tài sản bảo đảm là bất động sản ra đấu giá là một vấn đề rất lớn, không loại trừ có hiện tượng tham nhũng trong vấn đề thi hành án nên rất chậm, có những món nợ ra tòa kéo dài 5-7 năm.

Nghị quyết 42 còn cho phép các tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm ngay cả trong trường hợp người đi vay chống đối, đó là bước ngoặt trong việc thu giữ tài sản bảo đảm, trong đó cũng quy định nếu cả hai bên không đồng ý có thể lại đưa ra tòa nhưng tòa sẽ áp dụng bằng thủ tục rút gọn để giải quyết vấn đề nợ xấu cho nhanh. Có thể nói Nghị quyết 42 là một bước tiến quan trọng trong vấn đề xử lý nợ xấu và thanh lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, cho đến nay mọi chuyện vẫn diễn ra rất chậm.

Tối lấy ví dụ, trường hợp mà cả thị trường đang nhìn vào là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Đây là dự án bất động sản thương mại rất lớn nằm ở "khu đất vàng" trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều ngân hàng cho vay vào dự án này nhưng dự án lại nằm im nhiều năm nay, chủ đầu tư không có tiền để xây còn ngân hàng không cho vay thêm dẫn đến tranh chấp kiện cáo nhiều. Đến khi Nghị quyết 42 ra đời thì Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) quyết định thu giữ tài sản đảm bảo đó và những chủ đầu tư cũng sẵn sàng trao tài sản này cho VAMC.

Vấn đề ở chỗ trong thời gian vừa qua, chủ đầu tư đã bán một số căn hộ cho người dân, tức là người dân đã làm chủ một số căn hộ ở đây. Bây giờ Sài Gòn One Tower lại trao cho VAMC thu giữ tài sản, VAMC bán tài sản đó đi thì chắc chắn sẽ phải bán những căn hộ mà người dân đang làm chủ.

[VAMC thu 7.000 tỷ đồng nợ xấu của Sài Gòn One Tower]

Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng chưa biết sẽ xử lý như thế nào trong thời gian tới nhưng Sài Gòn One Tower không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam mà tôi nghĩ có nhiều trường hợp như vậy sẽ dần dần “chồi” lên mặt đất để giải quyết theo quy định trong Nghị quyết 42.

Đây là một lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, luật pháp cho phép các ông chủ đầu tư vay tiền của ngân hàng lại vừa lấy tiền của người dân, tức là chủ đầu tư đang thế chấp một món bất động sản cho ngân hàng đồng thời cũng lại bán bất động sản đó cho người dân. Theo tôi, một chủ đầu tư không được phép bán bất động sản cho một người khác nếu món bất động sản đó đang bị thế chấp.

Chính vì vậy, tôi thấy, mặc dù Nghị quyết 42 đã mở một cánh cửa mới cho vấn đề xử lý doanh nghiệp nhưng chúng ta vẫn phải chờ vì phía trước vẫn đang còn rất nhiều thử thách.

- Vấn đề bán nợ xấu theo giá thị trường đã được VAMC đưa ra, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường vẫn chưa triển khai được. Hiện nay, vấn đề mua bán theo giá thị trường trên nguyên tắc thì dễ, nhưng khi thực hiện lại rất khó. Giả sử doanh nghiệp có tài sản thế chấp tại ngân hàng được định giá trước đây là 100 triệu đồng, ngân hàng cho vay khoảng 70%, bây giờ giá tài sản này giảm xuống chỉ còn một nửa. Ngân hàng muốn thu giữ tài sản đó thì phải thanh lý, ít nhất lấy lại được một nửa bù vào khoản vay 70% nhưng khách hàng không chấp nhận bán với giá đó.

Chưa kể, việc bán nợ dưới giá trị sổ sách cũng gặp trở ngại vì các ngân hàng không muốn hình sự hóa.

Nếu như ở Mỹ thì vấn đề bán dưới giá thị trường là rất dễ vì họ đã theo cơ chế thị trường. Còn ở Việt Nam luật pháp lại bảo vệ người dân rất chặt chẽ nên khi người dân chống đối, không chịu nhả bất động sản đó ra thì rất khó để ngân hàng thanh lý tài sản bảo đảm đó.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng kiến nghị nên bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Thống đốc là không thể hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bây giờ, có một người đi vay ngân hàng vì kinh tế suy thoái, hay không làm ăn được dẫn đến thua lỗ mất khả năng trả nợ cho ngân hàng, họ chỉ còn tài sản đảm bảo đó thôi đưa cho ngân hàng, ngân hàng bán được bao nhiêu thì cấn trừ vào nợ, số còn lại tính vào thiệt hại.

Còn giờ cứ 5 năm mà ngân hàng không thu hồi được nợ quốc gia thì sẽ bị liệt vào làm mất tài sản quốc gia và quy trách nhiệm hình sự thì không ai dám làm. Phải phân biệt trách nhiệm về hình sự và trách nhiệm về thương mại.

Tôi nghĩ, nhiều công ty làm ăn thua lỗ không phải vì họ muốn quỵt tiền của ngân hàng mà có thể vì cơ chế, vì nền kinh tế nên phải xem trách nhiệm thương mại của họ, nên không thể bắt tù những doanh nghiệp đó, không quy trách nhiệm hình sự những cán bộ ngân hàng.

Tôi rất đồng lòng với Thống đốc về vấn đề này và mong đến lúc nào đó Quốc hội sẽ phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm thương mại.

- Để thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu cũng như triển khai thành công đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, theo ông cần giải pháp đột phá gì trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Để xử lý nợ xấu được nhanh, theo tôi, các cơ quan chức năng phải vào cuộc cùng với ngân hàng, nếu chỗ nào thu giữ tài sản mà người dân chây ỳ, các cơ quan công an và chính quyền địa phương phải vào cuộc can thiệp để cán bộ ngân hàng có thể thu giữ tài sản bảo đảm một cách thuận lợi, tạo ra tiền lệ tốt trong xử lý nợ xấu cho những lần sau. Còn nếu vấn đề này vẫn bị vướng mắc về tâm lý, về vấn đề nợ xấu, các cơ quan không bảo vệ ngân hàng mà chỉ bảo vệ người dân thì sẽ không đi đến đâu cả.

Bên cạnh đó, hiện ngành ngân hàng có nhiều nhóm lợi ích, đây là hiện tượng chân rết rất vững chắc trong hệ thống tài chính. Việc tất cả các cổ đông phải thoái vốn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước vẫn diễn ra chậm chạm. Theo quy định, là một cổ đông cá nhân thì không thể sở hữu quá 5% của một ngân hàng, còn tổ chức kinh tế thì không thể sở hữu quá 15% cổ phần. Tất cả những người như vợ chồng, con cái không thể sở hữu quá 25% cổ phần của một ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước phải có một cuộc điều tra để tất cả các cổ đông của các ngân hàng phải tuân thủ điều luật đó, khi đó hệ thống ngân hàng mới trở nên trong sạch hơn, không bị nhóm lợi ích cấu kết nhau lợi dụng ngân hàng. Từ đó, vấn đề nợ xấu mới được giải quyết nhanh gọn hơn, ổn thỏa hơn vì nợ xấu do nhóm lợi ích lợi dụng ngân hàng để thế chấp vay vốn. Những tài sản thế chấp chủ yếu là của nhóm lợi ích đó nên họ sẽ tìm cách làm chậm tiến trình xử lý nợ xấu.

Theo tôi, trong năm nay hoặc năm 2018, tất cả các ngân hàng cần phải thoái vốn khỏi các ngân hàng khác nếu có số cổ phần cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-hien-ke-giai-quyet-nhanh-nut-that-ve-no-xau/472932.vnp

/ Theo vietnamplus