Chứng khoán tuần: Trụ nào sẽ 'lái' VN-Index?

Một tuần giao dịch khá thất vọng đã chốt lại với việc VN-Index chỉ tăng thêm có 1,31 điểm. Dù sao đây cũng là tuần tăng thứ 5 liên tục và có vẻ thị trường đang giảm tốc để lấy đà?

Trong 5 tuần tăng giá liên tục của thị trường đang diễn ra, không thể phủ nhận được vai trò quá lớn của các cổ phiếu blue-chips hàng đầu. Các “đầu tàu” đã kéo chuyến tàu VN-Index leo dốc một cách ngoạn mục, nhưng cũng không thể kéo mãi mãi. Tuần qua bắt đầu chứng kiến nhiều “đầu máy” trục trặc, trong khi những “đầu máy” khác chưa thật sự khởi động để thay thế.

Thị trường giảm đà tăng nhìn thấy được trong tuần qua trước hết là do hiện tượng thay thế cổ phiếu trụ chưa diễn ra một cách thông suốt. Vốn hóa biến động là yếu tố quyết định chi phối diễn biến tăng hay giảm của các chỉ số thị trường.

Điểm mặt các cổ phiếu gây tổn hại lớn nhất cho VN-Index tuần qua. Đứng đầu là MSN sụt giảm tới 7,31%, SAB giảm 2,13%, NVL giảm 3,6%, PLX giảm 5,4%. Đây cũng chính là các mã đã có mức độ tăng giá rất lớn trong các tuần trước đó. Cụ thể, VN-Index từ 21/9 đến 18/9 tăng 6,12% thì MSN trong thời gian tương tự đã tăng 25,11%, SAB tăng 12,31%. Hai cổ phiếu này là động lực chủ đạo của chỉ số.

Riêng với NVL và PLX, diễn biến có phần khác. NVL có tuần trước tăng đột biến 6,5%, tuần mạnh nhất trong vòng 29 tuần. Vì vậy cổ phiếu này bị chốt lời ngắn hạn là điều không có gì bất ngờ. PLX tuần qua giảm mạnh do tuần ngay trước đó đã đạt đến sát đỉnh cao trong lịch sử niêm yết.

Ở phía tăng, dẫn đầu là ROS tăng 10% trong tuần, trong đó riêng ngày cuối tuần là 7%. Những cổ phiếu khác tăng yếu hơn: CTG tăng 4,55%, MWG tăng 2,72%, FPT tăng 2,59%, HPG tăng 1,89%, VIC tăng 0,41%...

Có thể thấy ngay rằng, trong khi các cổ phiếu động lực quan trọng nhất giảm giá với mức độ lớn thì các cổ phiếu khác tăng lại nhẹ hơn cũng như quy mô vốn hóa nhỏ hơn. Do đó các mã tăng giá tuần qua đã không thể thay thế hoàn toàn được các mã giảm giá nhiều. Đây là nguyên nhân khiến VN-Index phải giảm đà tăng, vì khi các “đầu tàu” không còn sức kéo tổng hợp cộng hưởng đủ mạnh nữa.

Liệu đà tăng trong ngắn hạn của VN-Index sẽ diễn biến như thế nào? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình đổi vai giữa các trụ có kết quả hay không.

Đầu tiên, MSN và SAB sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng nhất. Nếu hai cổ phiếu này tiếp tục suy giảm, sẽ rất khó để VN-Index tăng với tốc độ cũ. MSN cuối tuần qua đã có được phiên phục hồi khoảng 1,6%. Đó là dấu hiệu đầu tiên về hiện tượng chậm nhịp giảm giá. Diễn biến này có liên quan đến thông tin MSN sẽ mua lại 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ. Đây là đợt mua khổng lồ vì 10% này tương đương với hơn 115,7 triệu cổ phiếu MSN. Kể cả khi trừ đi 9,23 triệu cổ phiếu quỹ hiện có thì khối lượng vẫn là 106,5 triệu cổ phiếu.

MSN thanh khoản trung bình 20 ngày gần nhất chưa tới 800.000 cổ phiếu/phiên. Như vậy để mua được khối lượng cổ phiếu nói trên là rất khó. Hiệu ứng dễ thấy nhất là MSN sẽ cực kỳ khó giảm giá nếu như công ty thật sự muốn mua được số lượng cổ phiếu quỹ đó. Sức cầu thường trực sẽ cực lớn và cổ đông không có lý do gì để bán thấp hơn giá mua cổ phiếu quỹ.

Trong kịch bản bình thường nhất, MSN sẽ không giảm thêm nữa, sức ảnh hưởng xấu lên VN-Index của cổ phiếu này sẽ biến mất. Như thế rủi ro còn lại phụ thuộc vào SAB. Từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 9 SAB tăng giá trên 50% chỉ với thông tin bán vốn nhà nước. Tuy nhiên thông tin này có lẽ đang gây ảnh hưởng xấu hơn là tốt, vì mức tăng giá bị phản ánh quá mức. Asahi Group Holdings – một nhà đầu tư tiềm năng trong đợt bán vốn này – đã trả lời Bloomberg rằng giá SAB đang quá cao và tỷ lệ P/E 12 tháng tới 35 lần trong khi các thương vụ khác chỉ ở 14 lần.

Giá SAB đang điều chỉnh mạnh và nếu các tổ chức khác cũng nghĩ rằng giá hiện tại bị thổi lên quá nhiều thì thị trường sẽ lo ngại đợt bán vốn không thành công giống như VNM. Giá thị trường được sử dụng làm tham chiếu, nhưng giá thị trường lại bị định quá lố.

Các cổ phiếu trụ khác có tiềm năng thay thế SAB là VNM và GAS, hay nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa rõ ràng. Nếu SAB tiếp tục điều chỉnh giảm mà không có cổ phiếu đủ lớn khác bù đắp thì rủi ro giảm của VN-Index là rất cao.

Hiện tại GAS có thể là ẩn số khó đoán vì biến động của giá dầu hiện đang ở đỉnh 4 tháng. Giá GAS cũng đang tương đương đỉnh cao nhất từ 2015. Nếu giá dầu điều chỉnh giảm mạnh thì GAS có thể giảm đáng kể.

VNM tuần qua giảm nhẹ 0,2% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp. VNM hiện đang ở đáy 4 tháng và hiện tại chỉ thuần túy là điều chỉnh kỹ thuật vì không có thông tin nào tiêu cực. VNM là một cổ phiếu có tiềm năng tăng giá đón kết quả kinh doanh quý 3 và ảnh hưởng tốt đến thị trường chung.

Đối với VIC, cổ phiếu này không có thêm thông tin nào mới hơn việc dự kiến chào bán ra công chúng của Vincom Retail và sự kiện nhảy vào lĩnh vực sản xuất ô tô. Những thông tin này đã giúp VIC tăng hơn 18% chỉ trong 15 phiên cuối tháng 8 và đầu tháng 9. VIC đã khựng lại và điều chỉnh giảm gần 3% trong 10 phiên vừa qua. Tuy vậy VIC cũng không rơi nhanh như MSN và có thể chỉ trong giai đoạn tích lũy.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là ẩn số vào lúc này, vì triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 là tích cực sau khi tiến hành hoạt động thu nợ xấu dựa trên quy định mới. Giá đa số cổ phiếu ngân hàng lại chưa tăng nhiều trong tháng 9, thậm chí là vẫn đang trong xu thế điều chỉnh kéo dài 3 tháng qua. Nếu cổ phiếu ngân hàng trỗi dậy, ảnh hưởng của SAB có thể được loại trừ.

Thị trường tuần qua cũng xuất hiện một làn gió mới, đó là diễn biến tăng giá của nhiều cổ phiếu đầu cơ, cũng như nhiều mã cơ bản bình thường khác. Thị trường đã không còn chỉ tăng điểm nhờ các cổ phiếu lớn nữa. Tuy nhiên nếu đánh giá triển vọng thị trường dưới góc nhìn VN-Index thì các mã còn lại hầu như không có vai trò quyết định. Bằng chứng rõ ràng nhất là chỉ số VNMidcap tuần qua tăng 1,1%, chỉ số VNSmallcap tăng 1,3%, nhưng VN-Index vẫn nằm bệt.

Mua báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 chuẩn bị tới gần. Thông thường từ 20/10 trở đi mạch thông tin này sẽ xuất hiện dồn dập. Thông lệ thị trường thường tăng trước do kỳ vọng của nhà đầu tư. Các blue-chips hay công bố thông tin sớm và thực tế khó có đột biến bất lợi về kết quả kinh doanh ở nhóm này. Do đó, tuy thị trường đang chậm đà tăng lại cho nhịp nghỉ của nhóm blue-chips, nhưng nhóm này vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính.

 

 

/ Theo Thời báo Ngân hàng