Sự kiện Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường (Ninh Bình) thắng đấu giá mua mảnh thiên thạch từ Mỹ để tạc tượng Phật đặt tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) khiến dư luận rất quan tâm. Vậy ông chủ của doanh nghiệp này là ai?
Ông Nguyễn Văn Trường (bên phải) được biết đến là người mộ đạo Phật. ẢNH TƯ LIỆU |
Đầu tư mạnh tay xây chùa "khủng"
Từ hơn chục năm trở lại đây, ở Ninh Bình nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường (Ninh Bình) nổi lên là một trong những thế lực trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và du lịch tâm linh. Chủ của doanh nghiệp này - ông Nguyễn Văn Trường (55 tuổi) nổi tiếng từ khi xây dựng quần thể chùa Bái Đính và quần thể du lịch Tràng An ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Tuy vậy, những thông tin về gia đình và cá nhân ông Trường thì rất hiếm được tiết lộ. Người ta chỉ biết ông là một người mộ đạo Phật.
Các du khách khi đến thăm quần thể chùa Bái Đính đều có chung cảm giác choáng ngợp trước sự hoành tráng của công trình được đánh giá là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á này, với các cấu trúc bê tông, gỗ, đá hùng vĩ. Nhưng có một điều, cho đến nay, không ai biết, hoặc có rất rất ít người biết, ngôi chùa đã được đầu tư với số tiền là bao nhiêu, và nguồn tiền này từ đâu. Còn ông Nguyễn Văn Trường thì vô cùng kín tiếng.
Song song với việc đầu tư xây dựng khu tâm linh Tam Chúc, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường tiếp tục đầu tư xây dựng một khu du lịch tâm linh quy mô lớn tại hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) với số vốn dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng. Tại đây, doanh nghiệp này dự kiến sẽ xây một tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150 m, nền móng tháp rộng 10.000 m2, có thể chứa được từ 5.000 - 10.000 người.
Thuê chuyên cơ cung nghinh xá lị Phật
Không những chỉ gây xôn xao dư luận về việc đấu giá mua thiên thạch về tạc tượng Phật, cách đây gần 10 năm, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã thuê hẳn chiếc chuyên cơ bay từ Việt Nam sang Ấn Độ để cung nghinh xá lị Phật.
Cụ thể, vào cuối tháng 9.2009, trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi đó, Chủ tịch Hội Phật giáo thế giới tại Ấn Độ trao tặng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan 3 viên xá lị Phật - là phần kim thân còn lại của Đức Phật Thích Ca sau lễ trà tỳ (hỏa táng).
Sau đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã cung tiến 3 viên xá lị Phật lên chùa Bái Đính. Sáng 3.3.2010, ông Nguyễn Văn Trường đã thuê một chiếc chuyên cơ, phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam chở các tăng ni, phật tử từ Việt Nam sang Ấn Độ để chiêm bái và cung nghinh xá lị Phật.
Ngay sau khi chuyên cơ đáp xuống sân bay Nội Bài, 3 viên xá lị Phật lại được chuyên chở bằng những chiếc xe sang trọng rước về an vị, thờ tại chùa Bái Đính. Đây là sự kiện chưa từng có trong đời sống Phật giáo của Việt Nam từ trước đến nay nên đã thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử khắp nơi trong cả nước đổ về chùa Bái Đính để chiêm bái ngọc xá lị Phật.
Dự án tai tiếng đội vốn 36 lần
Có thể nói, với việc đầu tư xây dựng các khu du lịch tâm linh và sinh thái, từ nhiều năm qua, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã đóng góp nhiều cho sự thay đổi diện mạo của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cũng có không ít dự án doanh nghiệp này gây ra tai tiếng, điển hình như việc thực hiện dự án nạo vét, kè đá 2 bên bờ sông Sào Khê. Đây là dự án đội vốn đến 36 lần đầy tai tiếng.
Thực tế đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục còn dở dang, nhếch nhác. Hiện dự án mới nạo vét được 12,8/14,25 km; xây tường kè hơn 8,86/14,250 km; đắp 5 đường phòng hộ trong tổng số 12 đường; mới xây dựng được 12 trong tổng số 36 cống tiêu; mới xây dựng được 3 trong tổng số 7 cầu qua sông.
Để di sản Tràng An bị xâm phạm
Như Thanh Niên đã đưa tin, mặc dù được UBND tỉnh Ninh Bình giao quản lý rừng đặc dụng tại vùng lõi Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), nhưng Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã không quản lý tốt, dẫn tới để di sản này bị một doanh nghiệp khác xâm hại.
Cụ thể, tháng 8.2017, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An, tự ý đưa người, máy móc vào khu vực núi Cái Hạ (thuộc vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An) để khoan, đục núi, xây dựng cầu bằng bê tông, cốt thép có chiều dài 510 m, rộng trung bình 1,4 m và nhiều hạng mục khác.
Hiện công trình vi phạm này đã được phá dỡ, hàng loạt cán bộ, đơn vị liên quan bị phê bình, nhưng Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường vẫn vô can.
Như Thanh Niên đã thông tin, rạng sáng 19.10 (theo giờ Việt Nam), trong phiên giao dịch tại Trung tâm đấu giá RR Auction, thành phố Boston (Mỹ), Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đã thắng trong cuộc đấu giá mua mảnh thiên thạch có tên gọi “Mảnh ghép Mặt Trăng” - (ảnh) với giá 612.500 USD (14,3 tỉ đồng). Xác nhận với Thanh Niên, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường cho biết: “Hiện mảnh thiên thạch đang được giữ tại thành phố Boston, sẽ được đưa về Việt Nam trong vài ngày tới”. Còn thượng tọa Thích Minh Quang (trợ lý của thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Tam Chúc) thì cho biết, thiên thạch “Mảnh ghép Mặt Trăng” sẽ được đưa về dùng để tạc tượng Phật, đặt tại chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). |
Vì sao chùa Tam Chúc quyết định mua thiên thạch Mặt Trăng hơn 600.000 USD?
Quyết định mua “Mảnh ghép Mặt Trăng” là từ phía nhà chùa, doanh nghiệp Xuân Trường là đơn vị hỗ trợ. |
Chùa Tam Chúc đặt thiên thạch 14 tỷ để hút du khách
Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết, thiên thạch “Mảnh ghép Mặt Trăng” sẽ được đưa về đặt tại chùa Tam Chúc. |