Chó săn Phú Quốc: Đi tìm một huyền thoại

“Với chó Phú Quốc, đi săn không chỉ đơn giản là đớp lấy con mồi, mà là cả một nghệ thuật. Không chỉ ngầm phân công nhau từng vị trí công việc cụ thể để lùa con mồi to hơn mình nhiều lần vào “bước đường cùng”, chúng còn dùng miệng cắn cây cỏ, tứ chi dọn dẹp xung quanh khu vực con mồi để khi chủ tới dễ bề ra tay” - ông Nguyễn Xuân Bính - thợ săn chó Phú Quốc “vang bóng một thời” - như đưa tôi vào thế giới của chó săn Phú Quốc với những pha mạo hiểm đến nghẹt thở và những điều rất khác với trước nay vẫn lưu truyền về cách tuyển lựa chó săn Phú Quốc.

cho san phu quoc di tim mot huyen thoai

Nhuốm màu kỳ bí

Là một trong “đệ tứ đặc sản” lâu đời của Phú Quốc, nhưng so với hồ tiêu, nước mắm và ngọc trai, chó Phú Quốc có vẻ ít được nghiên cứu nhất. Thiếu các tài liệu khoa học, trong khi loài chó này lại rất tinh khôn và có ngoại hình đẹp, lạ... Vì thế, người ta dễ dàng kể lại câu chuyện chó Phú Quốc theo cách riêng của mình. Đó cũng là lời giải thích vì sao xung quanh chó Phú Quốc có màu sắc kỳ bí.

Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, người dành nhiều thời gian nghiên cứu chó Phú Quốc - cho biết, đến nay chưa có tài liệu nào xác định việc sử dụng chó Phú Quốc đi săn, nói tắt là chó săn Phú Quốc có từ bao giờ và bắt đầu như thế nào, cũng như ai là ông tổ nghề? Nói cách khác, nó bí ẩn không kém sự bí ẩn về nguồn gốc của loài chó được đưa tên vào từ điển Larousse bởi đặc tính khôn ngoan vượt trội và ngoại hình cân đối, đẹp.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, căn cứ vào lời kể của nhiều vị cao niên trong các gia đình sống nhiều đời trên đảo, thì 4-5 đời trước đã nghe kể lại chuyện dân trên đảo sử dụng chó Phú Quốc đi săn, tập trung chủ yếu tại khu vực Bắc đảo, tức vùng thuộc xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và Bãi Thơm ngày nay. Tuy nhiên, việc đi săn lúc đó chủ yếu cải thiện bữa ăn gia đình.

Mãi đến thập niên 70 của thế kỷ XX, nghề săn chó Phú Quốc bước lên đỉnh cao với đội ngũ thợ săn chuyên nghiệp và sản phẩm mang tính hàng hóa. Tuy nhiên theo ông Hùng, có một điều rất khó lý giải và có lẽ nhiều năm sau này vẫn chưa thể dễ dàng lý giải đầy đủ: Đó là chó săn Phú Quốc không cần huấn luyện hay ra bất cứ lệnh nào trước – trong – và sau cuộc đi săn, nhưng chúng lại có khả năng đánh hơi phát hiện rồi tổ chức đội hình bao vây khống chế con mồi.

“Đây là điều mà ngay cả những giống chó săn nổi tiếng thế giới chưa bao giờ có được. Các loài chó nổi tiếng trên thế giới trở nên giỏi sau khi trải qua khóa huấn luyện nghiệp vụ” - ông Hùng không giấu tự hào - “Trong khi đó, chó Phú Quốc thì ngược lại, nó còn “điều khiển” người đi săn mới vào nghề nhờ vào giác quan đặc biệt nhạy bén thiên phú của mình”.

Theo ông Hùng, chính sự tinh khôn, gan dạ bẩm sinh được lưu truyền trong huyết quản qua nhiều thế hệ của chó săn Phú Quốc đã làm nên thế hệ thợ săn nổi tiếng. Đó là thợ săn Năm Lẽ ở Rạch Tràm, Tấm Đô ở Cầu Trắng (Bãi Thơm); Bảy Thảnh, Sáu Khương (Cửa Cạn), Chín Cua Đinh ở Khu Tượng (Cửa Dương)... Sau 30 năm nghề chính thức khép lại theo lệnh đóng “cửa rừng”, nhiều người thợ săn ngày ấy đã “theo ông bà”, nhưng tên tuổi và “chiến tích” của họ vẫn được lưu truyền trong dân gian với những câu chuyện ly kỳ như huyền thoại giữa đời thường...

Vén màn huyền thoại

Ông Nguyễn Xuân Bính (SN 1954) là thợ săn có tiếng ở Suối Cát (Cửa Dương) vì ngoài chiến tích riêng, ông còn là con của thợ săn “khét tiếng” Tám Đô. Sau hơn 20 năm bỏ nghề săn, ông làm chủ điểm tham quan du lịch Trầm Hương, nhưng vẫn nóng hổi với chuyện chó săn.

“Tôi yêu chó săn Phú Quốc không chỉ vì nó giúp tôi tạo ra cơ nghiệp ngày nay, mà còn bởi vì sự khôn ngoan vượt tưởng tượng” - ông Bính tiếp lời - “Với chó Phú Quốc, đi săn không chỉ đơn giản là đớp lấy con mồi, mà là cả một nghệ thuật. Không chỉ ngầm phân công nhau vào vị trí công việc để lùa con mồi to hơn mình nhiều lần vào “bước đường cùng”, chúng còn dùng miệng cắn cây cỏ và tứ chi dọn dẹp xung quanh khu vực con mồi để khi chủ tới dễ bề ra tay”.

Bằng những câu chuyện của “người trong cuộc”, ông Bính tua lại những thước phim cũ sống động đến từng khung hình. Theo ông Bính, công việc của người thợ săn chó Phú Quốc khá đơn giản, chỉ cần định ra hướng đi, sau đó là ngồi chờ kết quả, vì tất cả đã có đàn chó lo liệu.

“Một lần, sau khi bước ra núi sau nhà, con đầu đàn đã sủa rần lên rồi dẫn đàn chó chạy trước” – ông Bính ngưng lại như để kích thích người nghe - “Mình tà tà đi sau, khi nghe tiếng sủa dồn dập, đến nơi đã thấy con heo rừng bị đàn chó dí vào gốc cây”.

Với kinh nghiệm lưu truyền nhiều đời, ông Bính đúc kết: Thường con cái giữ vị trí đầu đàn, khi gặp heo rừng, 2 hoặc 3 con đực được phân công kè 2 bên yết hầu và phía trước con mồi vừa cắn, vừa sủa để dồn chúng vào gốc cây, hốc đá. Liền lúc đó, con cái chạy vòng ngoài như để khiển 2 con đực điều chỉnh khoảng cách hợp lý, vừa dùng răng cắn cây cỏ và tứ chi dọn chướng ngại vật xung quanh. Khi thợ săn tới, con mồi đã trong thế “cá nằm trong rọ”.

Tuy nhiên, săn “độc cẩu” mới thật sự là câu chuyện ly kỳ và tên tuổi người thợ săn trường phái này được người đời ngưỡng mộ. Đó là trường hợp ông Chín Cua Đinh ở Búng Gội (Cửa Dương). Ông tên thật là Huỳnh Văn Chín, nhưng lâu nay nhiều người Phú Quốc nhớ đến ông với tên Chín Cua Đinh như sự suy tôn người có tài trong việc dùng chó săn cua đinh.

Sắp bước vào tuổi 65, nhưng vừa nghe nhắc đến 4 từ “chó săn Phú Quốc”, ông Chín (SN 1953) đã bỏ ngang việc rồi vào chuyện ngay. Khoảng thập niên 80, ông Chín có con Phèn (chó lông màu vàng), tuy chỉ khoảng 12kg, nhưng ngoài tài lùa cua đinh cho ông đâm, còn nhiều lần giúp ông bắt được nai “chà” và heo “nanh”. Nai “chà” là nai có bộ gạc cao, chia thành nhiều nhánh như đám chà mà người ta dùng để dụ cá; còn heo “nanh” là heo rừng đã mọc răng nanh dài ra bên ngoài, to lớn và có kinh nghiệm chiến đấu.

“Một lần đang rình đâm con cua đinh khoảng 40-50kg dưới suối, bỗng nghe tiếng kêu ẳng ẳng bị đứt quãng của con Phèn, tôi biết nó đang cắn con mồi, kêu chủ lên tiếp sức. Khi lên tới bờ, tôi thấy con nai “chà” đứng chịu trận khi bị Phèn cắn ngay cuống họng. Do con nai tìm cách giẫy nên con Phèn bị treo tòn ten, nhưng cương quyết không buông tha. Bị khống chế ngay điểm chết, con nai không thể chống đỡ, công việc còn lại của tôi đơn giản như thò tay vào ổ gà lấy trứng”. Sau khi hạ con nai, ông Chín phải huy động 4 người khiêng.

cho san phu quoc di tim mot huyen thoai

Chó săn, không hẳn là xoáy lưng

Có một điều khá bất ngờ khi tiếp xúc với những thợ săn lừng lẫy một thời ở Phú Quốc là tiêu chuẩn chọn chó săn Phú Quốc đều không liên quan đến hình ảnh cái xoáy trên lưng như nhiều người vẫn truyền lâu nay. Thậm chí, ngay với trường phái săn “độc cẩu” vốn đòi hỏi việc tuyển chọn khắt khe cũng không chú ý đến yếu tố này.

“Không chỉ có tôi, mà nhiều bậc tiền bối... cũng không ai quan tâm đến xoáy lưng, mà thường chỉ chú ý đến các tiêu chí theo nguyên tắc: Nhất thủ (đầu), nhì vỹ (đuôi), tam cân (mình), tứ túc (chân)” - ông Chín chia sẻ. Đây không phải là phát biểu kinh nghiệm mà còn phù hợp với kết quả nghiên cứu khoa học.

“Nếu hiểu xoáy lưng là vùng lông trên phần lưng có chiều mọc ngược với phần lông còn lại thì không hẳn chó Phú Quốc nào cũng xoáy lưng” - ThS Nguyễn Văn Biện - chuyên gia chó Phú Quốc của ĐH Cần Thơ - cho biết: “Qua khảo sát 617 con chó Phú Quốc trong đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ phát hiện 236 con có xoáy lưng, chiếm tỷ lệ 40%. Điều này cho thấy tỉ lệ chó Phú Quốc có xoáy lưng khá cao, nhưng không hẳn chó Phú Quốc là phải có xoáy lưng”.

Về tiêu chuẩn đầu, theo ông Chín, quan trọng nhất là mắt, miệng, răng và râu mà dân trong nghề đã đúc kết thành câu: “Mắt sâu, râu bủa tới” với lý do mắt sâu để khi đi rừng ít bị cây va quẹt và râu bủa tới chứng tỏ cơ miệng mạnh, giữ con mồi tốt. Còn mũi, theo ông Chín rất quan trọng, vì nó quyết định khả năng đánh hơi con mồi từ xa. Mũi phải tròn, khít và thường xuyên có chất ươn ướt thì mới “sáng hơi”, tức đánh hơi tốt. Với yếu tố đuôi, nhất thiết phải là có hình vót cần câu, tức uốn cong về phía trước. “Thông thường, chót đuôi phải bỏ ngay vị trí sống lưng, nhưng với chó săn có khác chút, con đực thì bỏ lệch trái, con cái bỏ lệch phải” - ông Chín nhấn mạnh - “Riêng yếu tố thân, nhất thiết ức nở, xương be sườn phải khít, lông mịn và ôm sát da...”.

Tuy nhiên, với người săn chó đàn, điều quan trọng nhất chính là lựa con đầu đàn từ lúc chưa mở mắt để có cách giữ lại trước khi bị xin cho. “Kinh nghiệm gia truyền, có 2 cách chọn chó đầu đàn. Một, cho vào thau nước, nếu chó mẹ vớt con nào ra trước thì con đó sẽ là đầu đàn. Hai, cho lên bàn tròn, con nào đi vòng quanh mà không bị rơi xuống đất” - ông Bính chia sẻ.

Nghề săn chó Phú Quốc đã lùi vào quá khứ theo lệnh “đóng cửa rừng”. Đó là điều cần thiết. Nhưng tôi thấy nao nao khi nghĩ đến tương lai chó săn Phú Quốc trong cơn lốc thương mại khi từng ngày những chú chó tốt nhất lần lượt rời đảo theo chân du khách không hẹn ngày trở lại.

cho san phu quoc di tim mot huyen thoai Đầu xuân về Phú Quốc nghe chuyện giải cứu chó Xoáy từ quán “cầy tơ”

Gắn bó với việc nuôi dưỡng bảo tồn giống chó Xoáy Phú Quốc trên 20 năm, ông Nguyễn Chung được nhiều người ví như người ...

cho san phu quoc di tim mot huyen thoai Chủ trại chó Phú Quốc ở Sài Gòn kể chuyện kiếm tiền tỷ từ nuôi chó

Bỏ nghề đầu bếp với mức lương hấp dẫn để về nuôi chó Phú Quốc, anh Tưởng Văn Quý hiện sở hữu trang trại bạc ...

/ https://laodong.vn