Ngày 18.10.1962, Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA trình lên Tổng thống John F. Kennedy bản tin đánh giá nêu rõ 7 trong số 12 bệ phóng tên lửa của Liên Xô ở Cuba hiện đã được lắp đặt tên lửa, và ít nhất một số tên lửa trong số đó có thể sẵn sàng hoạt động. Đó chỉ là một trong nhiều thông tin chứa trong các tài liệu mật gồm 19.000 trang của CIA được giải mật vào 16.9.2015.
Các chuyên gia đánh giá đây là sự tiết lộ tài liệu mật lớn chưa từng có về những báo cáo tình báo tóm tắt hàng ngày trình lên Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thống Lyndon Baines Johnson. Tất cả 2.500 bản báo cáo tóm tắt - từ ngày 17.6.1961 đến ngày 20.1.1969 - hiện được công bố trên trang web của CIA cho phép mọi người tìm hiểu về hoạt động tình báo của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Lyndon B. Johnson
Giám đốc CIA John Brennan cho biết: "Đây chỉ là bước đầu - khoảng 2.000 tài liệu báo cáo tình báo tóm tắt từ thời chính quyền 2 tổng thống Nixon và Ford sẽ được giải mật tiếp theo vào năm 2016".
Trong số tài liệu khổng lồ được CIA giải mật có khoảng 20% bị xóa trắng bởi vì chúng được coi là quá nhạy cảm nếu phát tán ra công chúng. Bất chấp thời gian trôi qua đã lâu, giới chức tình báo Mỹ vẫn cho rằng biện pháp biên tập lại một cách cẩn thận vẫn là cần thiết để bảo vệ "an ninh quốc gia". Thậm chí một báo cáo tình báo tóm tắt trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trình lên Tổng thống Kennedy cũng biến mất.
Thông báo giải mật tài liệu CIA thời Chiến tranh lạnh là phần trọng tâm của buổi lễ diễn ra tại Thư viện Tổng thống Lyndon Johnson hôm 18.9 với sự tham dự của Giám đốc CIA John Brennan và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James R. Clapper.
Số tài liệu giải mật bao gồm giai đoạn trọng yếu diễn ra các vụ ám sát Tổng thống Kennedy, em trai Robert Kennedy và nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King; cùng những cuộc xung đột quốc tế với Liên Xô liên quan đến Cuba và những mâu thuẫn nội bộ chính quyền Tổng thống Johnson quanh cuộc chiến tranh Việt Nam.
Các tài liệu cũng phơi bày những sự kiện địa chính trị trên thế giới - từ cuộc xung đột bạo lực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cho đến các cuộc nội chiến ở Yemen và Congo, sự nắm quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và Gamal Abdel Nasser ở Ai Cập, việc xây dựng Bức tường Berlin và cuộc Chiến tranh 6 ngày giữa Israel và các quốc gia Arập.
Tổng thống John F. Kennedy
Những tiết lộ khác bao gồm: "Bản liệt kê tình báo cho Tổng thống", báo cáo tóm tắt dài 8 trang được soạn hàng ngày để trình lên Tổng thống Kennedy và được coi là tiền thân của "Báo cáo Hàng ngày cho Tổng thống" (PDB) sau này - bắt đầu từ thời Tổng thống Johnson năm 1964 cho đến Barack Obama hiện nay.
John Brennan phát biểu: "PDB nằm trong số những tài liệu tuyệt mật nhất trong mọi chính quyền của chúng ta. PDB là cuộc đối thoại hàng ngày của cộng đồng tình báo với tổng thống về những thách thức và cơ hội liên quan đến an ninh quốc gia của chúng ta". Vụ ám sát Tổng thống John Kennedy xuất hiện trong một bản báo cáo tóm tắt ngày 25.11.1963 - tức chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống bị bắn vào đầu ở Dallas.
Các báo cáo tóm tắt mô tả nỗi ám ảnh của giới chức tình báo Mỹ trong suốt thập niên 60 trước những nỗ lực phát triển chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô ra toàn cầu. Tình báo Mỹ thường xuyên theo dõi công việc nội bộ ở Điện Kremlin, cá tính của các lãnh đạo Xôviết và những hợp đồng cung cấp vũ khí của Moscow với một số quốc gia từ Indonesia đến Mỹ Latinh. Các báo cáo cũng cho biết CIA sử dụng nguồn tình báo con người cũng như bí mật lắp thiết bị nghe lén ở Liên Xô.
Trong thời đại chưa có Internet, và khi mà tivi vẫn còn là thiết bị gia đình tương đối mới, CIA có lẽ biết rõ gần như mọi sự di chuyển và diễn văn của nhà lãnh đạo Xôviết Nikita Khrushchev. Các báo cáo tình báo cũng cung cấp những phân tích chi tiết và súc tích về mối đe dọa tiềm tàng đối với các lợi ích của Mỹ ở mọi ngóc ngách trên thế giới.
Tháng 2.1962, Tổng thống Kennedy được thông tin rằng lãnh đạo Ai Cập Nasser có ý định "gây bất ổn ở Trung Đông" và mở những cuộc tấn công tuyên truyền liên tục chống Arập Xêút và Jordan trong vài tháng qua".
Nhà hoạt động cách mạng Ernesto "Che" Guevara, người thân tín của lãnh đạo Cuba Fidel Castro, là mục tiêu của âm mưu ám sát của CIA ở Bolivia năm 1967. Tên của "Che" Guevara xuất hiện trong hơn 43 bản báo cáo tình báo tóm tắt của CIA.
Cựu Chủ tịch Fidel Castro, ảnh chụp vào tháng 1.2015.
Tuy nhiên, vẫn còn 20% tài liệu đã bị bôi trắng. Theo giới chức tình báo, đó là tài liệu về những nguồn thông tin và kỹ thuật thu thập thông tin tình báo rất nhạy cảm dù nhiều thập niên đã trôi qua.
Và, sự tiết lộ số tài liệu này có thể gây nguy hiểm cho các cá nhân từng làm việc cho CIA ở hải ngoại, hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực thu thập thông tình báo hiện đang được cơ quan tiến hành.
Chính quyền Mỹ thường bị chỉ trích vì giữ bí mật các tài liệu tình báo trong thời gian quá lâu và Tổng thống Barack Obama cho biết, ông cố gắng tạo nên sự thay đổi trong thời gian ông ở Nhà Trắng. Năm 2009, sau khi bước vào Nhà Trắng, Obama đã ký sắc lệnh yêu cầu mọi tài liệu mật phải được giải mật và tiết lộ với công chúng sau 25 năm.
Phương Tây đánh lừa Gorbachev với lời hứa về NATO
Năm 1990, các chính trị gia phương Tây khẳng định như đinh đóng cột với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ ... |
Luật sư Mỹ tung ảnh nói từng du hành thời gian bằng chương trình bí ẩn trong Chiến tranh Lạnh
Luật sư người Mỹ Andrew Basiago khẳng định ông là một phần trong chương trình du hành thời gian được chính phủ Mỹ nghiên cứu ... |
Những hình ảnh choáng ngợp về tàn tích Chiến tranh Lạnh
Hàng nghìn máy bay bỏ không giữa hoang mạc lạnh lẽo vì hết nhu cầu sử dụng cho thấy quy mô khủng khiếp trong cuộc ... |
Khó tin: Hãng nước ngọt Mỹ từng có đội tàu chiến mạnh thứ 6 thế giới
Tập đoàn Pepsi Mỹ mở rộng thị trường sang Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và không ngờ trở thành thế lực hải ... |