Khoảng vài năm nay, ngành đường sắt đã có nhiều thay đổi khi đóng mới, trang bị toa xe ngày một khang trang, hiện đại hơn. Chuyện người bán hàng rong lên tàu mời mọc, làm phiền khách cũng đã được hạn chế tối đa nên an ninh được bảo đảm hơn. Những đổi mới của ngành đường sắt rất đáng ghi nhận.
Những toa tàu cũ kỹ và lạc hậu. Ảnh: MINH QUÂN |
Tuy nhiên, song hành trên vài chuyến tàu Bắc - Nam, PV Báo Lao Động ghi nhận, vẫn còn những điều bất cập khiến đa số hành khách không hài lòng. Trong đó, chất lượng bữa ăn và nhà vệ sinh trên tàu còn khiến hành khách ngán ngẩm.
Buổi tối mệt mỏi
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đến ga Sài Gòn mua vé tàu đi Nha Trang. Chúng tôi lấy số thứ tự ở máy in tự động, lúc này quầy vé đang bán tới số thứ tự 130, trong khi số thứ tự của chúng tôi là 229. Vừa ngồi xuống khu vực ghế chờ, một người đàn ông khoảng 50 tuổi vỗ vai hỏi: “Con lấy được số nhiêu vậy? Chú lấy số 150 mà ngồi từ 9h45 vẫn chưa tới lượt mua vé. Số con lớn vậy chắc chờ tới chiều”.
Đúng như lời người đàn ông kia nói, đến 11h30 mà quầy bán vé mới bán tới số 180, nhiều hành khách ngồi chờ hàng giờ mà vẫn chưa mua được vé. Lúc này khu vực bán vé chỉ có 4 người, trong đó hai người bán vé tàu, một người giải quyết đổi trả vé và một người bán vé tàu cho các đối tượng ưu tiên.
Chờ suốt 2 giờ đồng hồ, đến 12h30, tôi cũng được đến lượt mua vé. Khi tôi thắc mắc sao bán vé tàu chậm để khách phải chờ lâu thì được nhân viên bán vé nói, do hôm nay khách đông và nhân viên phải tập trung bán vé tàu Tết trên khu vực lầu một. Tuy chờ lâu nhưng khi mua vé thì nhân viên bán vé rất nhanh.
Chúng tôi mua một vé tàu SE2 ngồi mềm điều hòa đi Nha Trang tối 17.10 và được nhân viên báo giá 318.000 đồng. Nếu so sánh với giá xe giường nằm chất lượng cao cùng quãng đường giá khoảng 210.000 đồng thì giá vé tàu đắt hơn 108.000 đồng.
Hành khách ngủ vạ vật trên tàu SE2 (ảnh nhỏ). Ảnh: MINH QUÂN |
Đúng 19h30, tàu SE2 chuyển bánh rời ga Sài Gòn trong một buổi tối trời mưa lớn. Trừ việc trong toa có vài hành khách ngáy to khi ngủ thì ít nhất mua vé ngồi mềm tôi còn nghỉ ngơi được đôi chút. Nhưng nhiều hành khách không có được may mắn như thế. Trên chặng đường dài hơn 400km từ Sài Gòn đi Nha Trang, tôi trò chuyện với một vài hành khách mua vé tàu ghế cứng.
Anh Nguyễn Văn Bình (35 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, về quê đi đám cưới người thân và lúc đầu định đi máy bay nhưng sau đó chuyển sang đi tàu hỏa. “Lúc đầu tôi tính đi máy bay nhưng vé gần đây “sốt”, giá gần 2 triệu đồng nên tôi chuyển qua đi tàu cho rẻ. So với đi máy bay, đi tàu giá ngồi cứng là 514.000 đồng có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng, so với đi xe khách thì an toàn hơn” - anh Bình nói.
Đến gần 1h sáng 18.10, anh Bình chưa được chợp mắt lấy ít phút. “Tàu chạy ầm ầm và rung lắc nhiều. Mới ngồi mấy tiếng mà đau lưng ê ẩm, chưa biết ra tới Thanh Hóa thì sẽ như thế nào. Biết vậy đi máy bay cho khỏe” - anh Bình nói. Kế bên, chị Nga (quê Nam Định) cho biết: “Năm ngoái, tôi đi tàu SE4 thoải mái hơn. Năm nay, đi SE2 cũng tàu nhanh, nhưng thấy không thoải mái bằng. Tàu rất ồn và rung lắc”.
Ám ảnh nhà vệ sinh
Câu chuyện nhà vệ sinh trên tàu được hành khách phản ánh từ rất lâu và tưởng như đã được ngành đường sắt khắc phục triệt để. Tuy nhiên, chúng tôi cùng nhiều hành khách trên chuyến tàu SE2 phải thốt lên hai từ “kinh hãi” khi chứng kiến các phòng vệ sinh dơ bẩn, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.
Theo ghi nhận, dù chỉ sau khoảng 3 tiếng từ lúc tàu rời ga Sài Gòn, chúng tôi vào buồng vệ sinh của toa số 1 đã thấy nồng nặc mùi hôi. Dưới sàn buồng vệ sinh, nước đọng lại do không thoát được trông rất nhếch nhác.
“Tàu mới chạy được một đoạn mà nhà vệ sinh đã có mùi hôi rồi, không biết ra tới ngoài Bắc sẽ kinh khủng cỡ nào? - chị Trần Thị Hương (30 tuổi, quê Ninh Bình) lo lắng nói. Chị Hương cho biết, mỗi lần về quê thường đi tàu Bắc - Nam, nỗi ám ảnh nhất là khi đi vào nhà vệ sinh. Để hạn chế vào nhà vệ sinh, chị thường không dám ăn nhiều và hạn chế uống nước.
“Nhưng không phải ai cũng như tôi, đặc biệt, những người có con nhỏ đi trên tàu thì thật là bất tiện.” Chị Hương nói.
Từ bí quyết để hạn chế đi vệ sinh của chị Hương, câu chuyện trên tàu bỗng rôm rả hẳn khi nhiều người cùng bàn tán chuyện nhà vệ sinh trên tàu. Anh Lê Đăng Biên (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) kể lại kinh nghiệm đi tàu của mình như sau: “Lên tàu không được dùng nhà vệ sinh khi chưa ra khỏi thành phố, báo hại những ai có nhu cầu mà chưa kịp giải quyết thì chỉ còn nước… chui tạm vào đường ray mà “bậy” thôi, vì quay lại nhà vệ sinh của nhà ga thì quá xa và lỡ tàu như chơi. Và đến khi tàu đã ra khỏi thành phố thì “muốn đi vệ sinh hoặc làm gì thì cũng phải kiếm sợi dây cột vào người may ra mới an toàn vì tàu lắc, giật rất dữ”.
Không chỉ dơ bẩn, nặng mùi, nhiều hành khách còn cho rằng, các phòng vệ sinh quá nhỏ hẹp, chật chội, cửa lại kéo mở vào bên trong. “Mỗi khi bước vào nhà vệ sinh, khách chỉ còn cách trèo lên bệ xí mới có thể đóng, mở cửa. Với những hành khách thuộc dạng to con thì việc “giải quyết nỗi buồn” thật sự quá khó khăn. Đành rằng, có được phòng vệ sinh chật hẹp như vậy trên mỗi toa xe là cả một sự cố gắng nhưng một khi đã làm cũng nên thiết kế rộng hơn một chút nữa để tạo thuận lợi cho hành khách.” - Anh Nguyễn Văn Dũng (quê Nghệ An) nói.
Ngán ngẩm suất ăn 35.000 đồng
Ngày 18.10, chúng tôi lên tàu SE7 tại ga Nha Trang để vào lại TPHCM. Khoảng 11h tới bữa ăn, bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi, quê Khánh Hòa) lấy hộp cơm trong balô ra ngồi ăn ngon lành. “Đi lại nhiều lần nên tôi có kinh nghiệm trong chuyện ăn uống trên tàu. Mỗi chuyến tàu, tôi thường ăn cơm mang từ nhà đi. Dứt khoát không ăn cơm nhà tàu, vừa tốn tiền vừa dở.” - Bà Hà cho biết.
Trên chuyến tàu này, chúng tôi gọi 2 suất cơm sườn nướng và thịt kho, nhân viên tính tiền báo giá 70.000 đồng. Một suất cơm chỉ có một miếng sườn, còn suất cơm kia có 4 miếng thịt và một miếng đậu hũ, vài cọng rau muống xào và một ít canh rau má lõng bõng nước.
Khi tôi thắc mắc sao đồ ăn ít thì nhân viên bán đồ ăn trên tàu trả lời cộc lốc: “Bữa ăn có 4 món rồi còn muốn gì nữa, ăn vậy còn sang hơn ăn ở nhà chứ kêu ca gì”. Chúng tôi phải nhắm mắt để nuốt do cơm khô, thức ăn nấu nhạt. Nhiều người cùng toa với chúng tôi cũng lắc đầu ngao ngán: “Giá thì tính theo nhà hàng hạng sang mà chất lượng thì cơm bụi”.
Trong khi chúng tôi “thưởng thức” bữa cơm trên tàu thì anh Trịnh Văn Đạt và anh Trần Quốc Khánh (quê Bình Thuận) chỉ ngồi dán mắt vào điện thoại. Khi tôi thắc mắc thì anh Đạt cho biết, lúc sáng mua tô cháo gà trên tàu 35.000 đồng ăn lót dạ mà chỉ có vài miếng gà xé nhỏ, cháo thì nấu dở nên ăn mãi mới hết.
“Tàu 12h30 tới Bình Thuận rồi nên nhịn đói về nhà ăn luôn. Cơm trên tàu dở quá, ăn không hết, đổ đi thì lãng phí.” - Anh Đạt nói.
Đoàn tàu đưa chúng tôi về đến ga Sài Gòn khi trời vừa chập choạng tối. Thành phố thật lớn và nhộn nhịp, trái ngược hẳn với hình ảnh con tàu chậm chạp cùng những toa tàu cũ kĩ và nhà vệ sinh bẩn thỉu. Muốn thoát khỏi cảnh ì ạch, đường sắt Việt Nam phải thay đổi, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất để làm hành khách hài lòng.
Gắn bó 5 năm với nghề tiếp viên trên tàu, anh N.Đ.Đ (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) chia sẻ, những tháng ít khách đi tàu, anh chỉ được đi 3 chuyến nên lương khoảng 4,2 triệu đồng mỗi tháng. Tháng cao điểm dịp Tết, hè, anh đi khoảng 5 chuyến với thu nhập khoảng 7 triệu đồng. “Một chuyến đi tàu gồm chuyến đi và về, đi mất 35 giờ cả ngày lẫn đêm, nghĩa là 70 giờ lao động chưa kể 12 tiếng chờ ở Hà Nội để quay vào. “Nhiều nhân viên nghỉ việc vì nhiều lý do riêng như sức khỏe yếu, muốn về quê làm việc, song phần lớn là do thu nhập thấp trong khi công việc vất vả” - anh N.Đ.Đ nói. |
Công nhân đường sắt thi nhau bỏ việc
Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2017, số lượng công nhân đường sắt nghỉ việc bằng cả năm 2016. Lý do cơ bản là ... |
Chuyên gia lo thiếu đất cho đường sắt khi xây cao tốc Bắc Nam
Nếu không tính toán, đường bộ cao tốc sẽ chiếm hết vùng đất lợi thế, đường sắt tốc độ cao bị đẩy lên phía Trường Sơn, ... |
https://laodong.vn/xa-hoi/chat-luong-duong-sat-va-noi-buon-mat-thay-tai-nghe-574014.ldo