Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thường bị các nước phương Tây chỉ trích là cố tình khiêu khích và đẩy tình hình thế giới trở nên căng thẳng vì chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa có khả năng tấn công nước Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên ôm một nhà khoa học quân sự sau khi thử nghiệm thành công một tên lửa liên lục địa.
Jeffrey Lewis, chuyên gia về chính sách năng lượng hạt nhân tại viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói với Business Insider: "Những gì mà thế giới mô tả là khủng khiếp thực tế chỉ là cách ông ấy bảo vệ quê hương của mình”. Chuyên gia này đưa ra nhiều lý do.
Bước ngoặt khiến quan hệ Mỹ- Triều Tiên trở nên tăm tối bắt đầu từ thời chính quyền Bush vào giữa những năm 2000, khi các cuộc đàm phán sáu bên về vũ khí hạt nhân diễn ra.
Bất ngờ có những cáo buộc nói Triều Tiên đã lừa dối trong một thỏa thuận không theo đuổi sản xuất vật liệu hạt nhân và dẫn đến đàm phán sụp đổ. Nhưng một trong những lý do chính khiến tình hình tồi tệ hơn là việc chính quyền Tổng thống Bush luôn khiến Triều Tiên lo ngại họ sẽ giống như Iraq trước đây dưới thời Saddam Hussein.
"Làm thế nào để người Triều Tiên được đảm bảo rằng, sau khi ký vào thỏa thuận, họ sẽ không gặp phải kết cục như Saddam? Thực tế Saddam không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng nhân vật này cuối cùng vẫn bị giết và đất nước thì bị xâm lược", Lewis giải thích.
Từ đó, Mỹ nhận ra rằng cần phải truyền đạt rõ ràng với Bình Nhưỡng thông điệp: Nếu họ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, Mỹ sẽ không xâm lược. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Bush đã tìm đến cách thức hợp lý hơn đó là ký thỏa thuận giải giáp vũ khí trong một trường hợp tương tự khác là Libya dưới thời Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, lần này, Mỹ khiến mọi nỗ lực chứng minh “trong sạch” trôi sông trôi biển khi thất hứa.
"Đó là quyết định đúng đắn thời điểm đó", Lewis đánh giá quyết định của chính quyền Tổng thống Bush, nhưng thất vọng vì Mỹ đã quay lưng vào phút cuối. Những quyết định chính sách với Lybia xảy ra dưới thời ông Kim Jong-il, nhưng con trai của ông là Kim Jong-un sẽ không bao giờ quên cách người Mỹ từng làm.
“Ông Kim Jong-un không muốn trở thành nạn nhân tin vào lời hứa của Mỹ giống như Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi", Lewis nói. "Ông ấy lo rằng, Mỹ sẽ lại một lần nữa trở mặt và nhận ra chỉ có vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để tránh rơi vào cái bẫy nói trên”.
Có thể Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân đủ mạnh so với Mỹ nhưng chuyên gia Lewis nói điều này không thực sự quan trọng nếu nhìn một cách tổng thể. "Mỗi hệ thống quân sự đều có những vấn đề riêng biệt và có thể không hoạt động một cách hiệu quả", Lewis nói. "Tuy nhiên, họ có đủ kỹ năng và kiến thức chuyên môn vốn được chứng minh trong thời gian qua”.
Đòn bẩy về mặt ngoại giao?
Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ năm 1972.
Mao Trạch Đông, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp nhau tại Bắc Kinh vào năm 1972, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc. Một số lập luận nói rằng, Bình Nhưỡng muốn sử dụng vũ khí hạt nhân như một đòn bẩy để ép buộc Hàn Quốc thống nhất hai miền Triều Tiên. Nhưng, chuyên gia Lewis đánh giá quan điểm này không hợp lý.
Điều này bắt nguồn từ lý do khả năng Bình Nhưỡng kiểm soát Hàn Quốc bằng vũ lực là gần như bằng 0. Lewis cũng cho biết, Triều Tiên không xây dựng chương trình vũ khí chiến lược phù hợp với mục tiêu nói trên. Thay vào đó, Triều Tiên có thể coi sản xuất vũ khí hạt nhân như một cách hiệu quả để cải thiện quan hệ với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Dẫn lại câu chuyện của Trung Quốc trong quá khứ, chuyên gia Lewis nhận định, cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện tại cũng rất giống với Trung Quốc.
Trung Quốc cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson và 2 năm sau đó đủ khả năng lắp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Diễn biến khi đó đã từng gây sốc cho toàn nước Mỹ. Chính quyền Tổng thống Johnson phải lao tâm khổ tứ để tìm cách làm dịu quan hệ với Bắc Kinh.
Nhưng rồi, mọi viễn cảnh thảm họa mà Washington lo ngại không hề xảy ra.
Khi năng lực hạt nhân đủ ngăn cản mọi hành động quân sự của Mỹ, Trung Quốc có hai lựa chọn: Tiếp tục trở thành cường quốc hạt nhân hoặc phát triển ngoại giao quốc tế. Cuối cùng, Trung Quốc đã lựa chọn cách thứ hai. "Lý do là bởi Trung Quốc cũng muốn có một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ", Lewis giải thích.
Tương tự như vậy, quan điểm này cũng trở thành động lực của Triều Tiên, bất chấp những sức ép trừng phạt khắc nghiệt.
Từ những lập luận trên, chuyên gia người Mỹ cho rằng, công chúng nên có cái nhìn "trung lập hơn" về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, thay vì luôn luôn đưa ra những lời chỉ trích tồi tệ.
Dự đoán đáng sợ của Giám đốc CIA về hạt nhân Triều Tiên
Giám đốc CIA Mike Pompeo nhận định Triều Tiên chỉ còn “vài tháng“ nữa là đạt khả năng tấn công Mỹ. |
Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên \'bị xóa sổ\' nếu dùng vũ khí hạt nhân
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nói Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân nhằm vào nước này hoặc Mỹ là "tự sát" và sẽ ... |