Dẫn lại các trường hợp Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, ĐBQH đề nghị ngành tư pháp nói rõ giải pháp khắc phục tình trạng trốn ra nước ngoài khi sắp khởi tố.
Tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình sáng nay, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu 4 hạn chế lớn trong các vụ án kinh tế, tham nhũng: Thời hạn kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc; trả án bổ sung cao; kết quả sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao; tỉ lệ thu hồi tài sản thấp.
Đáng lưu ý, có trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài ngay khi chuẩn bị khởi tố như trường hợp Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh và mới nhất là Vũ Đình Duy.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Minh Đạt |
“Đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Công an cho biết trình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân gì, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới”? - bà Nga đặt câu hỏi.
Từ 2018 có chế tài hạn chế bỏ trốn
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc phải trả lại các bản án để xử đúng tội danh. Trường hợp bỏ trốn trước khi khởi tố, án không thi hành, kéo dài là do giai đoạn điều tra, truy tố.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng thừa nhận, có một phần trách nhiệm của ngành kiểm sát. Nhiều vụ liên quan đến kết quả giám định tư pháp (như vụ Phạm Công Danh phải giám định 5 lần) trong khi kiến thức chuyên ngành hạn chế.
Việc kéo dài còn phụ thuộc vào thời gian cung cấp tài liệu của các cơ quan, phụ thuộc vào thời gian kết luận của các cơ quan tố tụng. Trong vụ án kinh tế, tham nhũng có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh.
Về gia hạn điều tra, trước không đánh giá được quy mô vụ án nên giờ phải khoanh lại để xử.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Minh Đạt |
Làm rõ thêm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông tin, việc cơ quan chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn với những đối tượng nêu trên trước khi khởi tố là thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dù việc này gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vụ án.
“Sau khi có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung truy bắt các đối tượng phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Để khắc phục tình trạng bỏ trốn, trong quá trình xây dựng bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ đã đề nghị bổ sung điều 124 quy định tạm hoãn xuất cảnh.
Trong đó nêu rõ: Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi phạm tội và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ thì kiến nghị bổ sung quy định giám sát đặc biệt và các biện pháp tố tụng đặc biệt.
“Luật này đã được QH thông qua và có hiệu lực ngày 1/1/2018. Khi áp dụng sẽ khắc phục được những hạn chế”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Về việc tỉ lệ thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng thấp, Bộ trưởng cho biết, năm 2017, tài sản tiền thu hồi chiếm 29%, 50% đất đai, tài sản.
Nguyên nhân cơ bản do các đối tượng tham nhũng thực hiện tổ chức thời gian dài mới phát hiện và chủ yếu qua thanh tra, kiểm tra thời gian dài, đối tượng đã biết trước hành vi bị xử lý nên tìm cách mọi cách tẩu tán khiến công tác xác minh, thu hồi gặp khó.
“Một số tài sản bị chuyển trái phép ra nước ngoài. Với bất động sản ở nước ngoài, trong quá trình thu hồi cần có sự phối hợp, hợp tác quốc tế về tư pháp, nhưng do có chênh lệch pháp lý giữa các nước nên có khó khăn”, Bộ trưởng giải thích.
Nghịch lý ngăn chặn nhầm người không có tội
Giơ biển tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu nghịch lý, có nhiều trường hợp bị ngăn xuất cảnh thời gian dài nhưng cuối cùng lại không có tội.
ĐB nêu, ông trực tiếp biết có trường hợp là doanh nhân, chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ, Bí thư Đảng uỷ 1 DN lớn có quyết định không cho xuất cảnh, nhưng sau cả năm điều tra, hóa ra không có tội gì cả.
Một trường hợp khác là doanh nhân nước ngoài, không cho xuất cảnh 2 năm trời, không có giấy tờ gì, sinh nhật 60 tuổi, ngày bầu cử cũng không cho về nước. Hai năm sau không có tội.
“Đây là nghịch lý. Trong những trường hợp đó làm sao để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bởi vì có những doanh nhân không có quyết định, không có giấy tờ gì mà cấm người ta xuất cảnh, nếu sau này người ta thiệt hại rồi kiện mình rằng làm mất cơ hội vài chục, vài trăm triệu đô, liệu mình có trả nổi không?”, ĐB lo lắng.
Nhưng nếu hành xử không khéo thì người có tội lại lọt mất. Đây là 2 vấn đề. Ông đề nghị Bộ trưởng Công an xem lại luật pháp hiện hành thế nào để vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân, vừa phòng, chống tham nhũng một cách chặt chẽ, không lọt tội. Nếu như luật chưa hoàn chỉnh, cần sửa đổi thì xin Bộ trưởng cho biết.
Liên quan phần tranh luận của ĐB Nghĩa, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời bằng văn bản.
Bộ trưởng Tô Lâm: Điều tra án tham nhũng khó do tội phạm có quan hệ
Bộ trưởng Tô Lâm nói tội phạm tham nhũng là chủ thể đặc biệt, có thủ đoạn và quan hệ khiến công tác đấu tranh ... |
Đà sa sút của Zimbabwe từ nền kinh tế giàu nhất nhì châu Phi
Zimbabwe từng là một trong những nền kinh tế giàu nhất châu lục, nhưng đã bị nhấn chìm vì quản trị sai lầm, nội tệ ... |
Tham vọng quyền lực từ sau ngai vàng của \'hoàng hậu Zimbabwe\'
Bất chấp tai tiếng tham nhũng, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe không giấu tham vọng trở thành tổng thống Zimbabwe khi tình hình sức ... |
(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/bo-truong-cong-an-neu-giai-phap-chan-quan-tham-tron-ra-nuoc-ngoai-411707.html)