Bộ Giáo dục cho rằng, hai trường Tôn Đức Thắng, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã nhầm lẫn giữa thẩm định với kiểm định chất lượng giáo dục.
Chiều 2/12, TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã trả lời báo chí trước phản ứng của Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Kinh doanh và Công nghệ về kết luận "không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng".
- Bộ Giáo dục có ý kiến thế nào trước việc hai đại học cùng bác bỏ kết luận của Bộ cho rằng trường "không hợp tác"?
- Hai trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng theo Kế hoạch số 203 ngày 27/3 của Bộ Giáo dục là kiểm định chất lượng giáo dục. Hai công tác này không đồng nhất.
Việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường là thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy. Theo đó tất cả trường phải công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước khi thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về Đề án; gửi về Bộ để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra… Bộ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Nếu phát hiện kê khai không đúng, Bộ sẽ dừng tuyển sinh, trường bị xử lý…
|
|
TS Lê Mỹ Phong, Cục Quản lý chất lượng. |
Như vậy, việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đại học là nhằm “chụp ảnh”, phản ánh khách quan, trung thực điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản hiện có của trường; tạo điều kiện cho thí sinh và gia đình trong việc lựa chọn trường theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.
Trong khi đó kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Quy trình kiểm định gồm 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Muốn được đánh giá ngoài, trường phải làm tốt báo cáo tự đánh giá và gửi cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định về hình thức và nội dung.
- Theo kế hoạch 203, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục phải làm gì tại mỗi trường?
- Để bảo đảm tính độc lập, khách quan, Bộ giao cho 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cho tất cả trường đại học. Đây là năm đầu tiên công tác này được thực hiện trên quy mô cả nước, nội dung thẩm định gồm: giảng viên cơ hữu; quy mô đào tạo; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Quy trình thẩm định và xác nhận gọn gàng, không mất nhiều thời gian. Sau khi nghiên cứu trước hồ sơ, tổ thẩm định của Trung tâm đến trường làm việc với lãnh đạo trường và một số phòng/ban chức năng trong một ngày để thống nhất nội dung cần xác nhận dựa trên minh chứng thực tế do trường cung cấp.
Đến 30/6 (chỉ trong 3 tháng sau khi ban hành kế hoạch), có 208 đại học đã được thẩm định, có biên bản gửi về Bộ. Chỉ có hai trường không hợp tác với các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
- Đại học Tôn Đức Thắng phản ánh trong hơn một tuần cả Thanh tra Bộ và Trung tâm kiểm định vào trường làm việc, gây khó khăn cho hoạt động của trường. Bộ lý giải như thế nào về việc này?
- Công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng không đồng nhất với hoạt động thanh tra giáo dục. Và như trên đã nói, quy trình này gọn gàng, không mất nhiều thời gian. Trong khi đó hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng.
Sau khi nhận phản ánh từ các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục về việc có trường viện lý do đang kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác, kèm theo lý giải của trường, Bộ đã có công văn ngày 27/6/2017 yêu cầu trường hợp tác theo kế hoạch chung đã ban hành.
- Ông nói gì trước việc hai trường Tôn Đức Thắng, Kinh doanh và Công nghệ cho rằng việc yêu cầu họ phải kiểm định theo hệ thống của Bộ là tước quyền tự chủ của trường?
- Kiểm định chất lượng giáo dục là xu hướng tích cực được hầu hết quốc gia áp dụng. Những năm gần đây, Bộ chủ trương đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế; khuyến khích cơ sở giáo dục, các chương trình đào tạo kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế có uy tín. Chưa bao giờ Bộ yêu cầu các đại học chỉ phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của Bộ như Đại học Tôn Đức Thắng đề cập.
Bộ cũng không chỉ định Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng kiểm định Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trung tâm này chỉ được phân công thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cho 48 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
- Quan điểm của Bộ Giáo dục thế nào về nhận định "kiểm định trong nước không đáng tin cậy", "không nên tín nhiệm" của Đại học Tôn Đức Thắng?
- Đây là nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số đại học nước ta trong quá trình đổi mới. Nhận định này cũng phủ nhận sự nỗ lực của các Trung tâm Kiểm định chất lượng, sự cố gắng của cả hệ thống để đưa hoạt động kiểm định chất lượng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian qua.
Việc nói "kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm", thể hiện sự chưa hiểu đầy đủ, sâu sắc Bộ tiêu chuẩn đánh giá trường đại học và quy trình kiểm định chất lượng trường. Trước khi tiến hành đánh giá ngoài, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ thẩm định về hình thức và nội dung của các báo cáo tự đánh giá của trường. Thời gian qua hơn 14 trường có báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu nên các trung tâm sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/11, cả nước có 213 đại học hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trong nước. Nhiều trường có truyền thống lâu đời, uy tín và thương hiệu đã đăng ký đánh giá ngoài với 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Trong số 78 đại học được kiểm định, 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng với sự khác biệt khá rõ về số lượng tiêu chí đạt yêu cầu. Có 4 trường không đủ điều kiện để được công nhận.
Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo có 208 đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. 24 cơ sở giáo dục đại học khác do được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4 nên được miễn thẩm định. "Cá biệt có hai cơ sở giáo dục đại học là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Tôn Đức Thắng không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng", thông báo nêu. Ngày 1/12, đại diện Đại học Tôn Đức Thắng bác bỏ kết luận này và lý giải "đã lựa chọn đơn vị kiểm định nước ngoài". Một ngày sau, Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ Đinh Văn Tiến cũng khẳng định không có chuyện trường từ chối trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trường muốn lựa chọn Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, chứ không phải của Đại học Đà Nẵng vì "có chất lượng và uy tín hơn". |
Công bố BXH 49 ĐH top đầu Việt Nam: Vì sao ĐH Ngoại thương xếp dưới Tôn Đức Thắng?
Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam vừa được công bố đã gây ra một làn sóng tranh luận bởi những trường đại ... |