Bỏ gần 800 tỷ, thu phí BOT 23,8 năm: Hỏi khó

Chuyên gia mong muốn dự án phải được công khai, tính toán chính xác, khoa học, tiết kiệm đồng tiền của nhân dân.

Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam, phía Đông theo hình thức PPP.

Dự án có chiều dài 29 km, đi qua 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng theo quy mô 6 làn xe (giai đoạn hoàn chỉnh), trong đó phân kỳ giai đoạn I là 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Trên tuyến có bố trí 2 nút giao khác mức liên thông gồm nút giao Diên Khánh (Km5+783) và nút giao Suối Dầu (kết nối với Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 3).

Theo thông tin trên báo Đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là 4.059 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 3.219 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là 774,5 tỷ đồng. Với chi phí xây dựng khoảng 2.203 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân Dự án là khoảng 76 tỷ đồng/km.

Với mức giá dịch vụ là 1.500 đồng/km/PCU, nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong vòng 23,8 năm.

Dự án dự kiến khởi công vào năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia giao thông bày tỏ ngạc nhiên trước các con số đưa ra. Theo đó, vốn đầu tư BOT chưa đến 800 tỷ đồng nhưng thời gian thu phí BOT kéo dài tới 23,8 năm.

Nhìn vào các con số, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng (Đại học Xây dựng) cho rằng chúng không hợp lý.

bo gan 800 ty thu phi bot 238 nam hoi kho

Một đoạn cao tốc Bắc Nam qua Nam Định. Ảnh: Báo Đầu tư

"Tính ra nhà đầu tư chỉ góp vốn 25% mà thu phí kéo dài gần 24 năm, vậy nếu họ đầu tư 100% vốn chẳng lẽ tới 100 năm họ mới hoàn vốn? Dự án mà thời gian thu phí kéo dài 100 năm có lẽ trên thế giới không bao giờ có. Chưa kể, chỉ đầu tư 25% vốn mà cho đấu thầu thì rất nhiều nhà đầu tư có thể làm được", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhận xét.

Ông không cho rằng thời gian hoàn vốn nói trên là tính cả thời gian hoàn vốn cho số tiền mà ngân sách Nhà nước đã bỏ ra, bởi vốn ngân sách tức là vốn của nhân dân, đầu tư cho nhân dân, không có lý gì lại thu hồi.

"Trong trường hợp này, có lẽ người ta chỉ tính thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư BOT. Nếu như tính thời gian hoàn vốn cho toàn bộ tổng số tiền đầu tư dự án thì nhà đầu tư phải vay Nhà nước, mà như thế thì thà rằng Nhà nước có tiền cứ bỏ ra tự chọn nhà đầu tư, tự thầu, tự quản lý... để làm chủ được toàn bộ. Còn nếu giao cho nhà đầu tư thì họ làm gì, thậm chí phá sản, không lẽ Nhà nước phải chịu?", PGS.TS Nguyễn Đình Thám đặt vấn đề.

Vị chuyên gia cho rằng, đối với dự án cao tốc Bắc Nam qua Khánh Hòa nói trên cần phải làm rõ ngọn ngành, bởi nếu chỉ tính bài toán đơn giản như trên thì không chấp nhận được.

"Dự án phải rõ ràng, tính toán cụ thể. Nếu mở một dự án quá đắt, sau này thu phí ai đi? Nếu người dân không đi không lẽ lại "lùa" dân vào đường ấy để thu tiền như nhiều dự án BOT khác? Lúc đó sẽ xảy ra nhiều bất cập, hậu quả khó lường", ông nói.

Cho quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cũng cho rằng, nếu chỉ nhìn vào các con số thì sẽ thấy có sự nhập nhèm.

Ông đặt câu hỏi: Phải chăng mức thời gian 23,8 năm là tính thời gian thu hồi vốn cho hơn 4.000 tỷ đồng, nghĩa là nhà đầu tư tư nhân sẽ thu phí để hoàn vốn cho cả Nhà nước?

"Đối với dự án BOT nhiều khi không phải là vốn của Nhà nước bỏ vào là Nhà nước cho dân, phục vụ công cộng. Việc thu phí BOT có thể tính hoàn vốn cho cả vốn Nhà nước và tư nhân đã bỏ ra", ông nói.

Vị chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, lâu nay, việc tính toán trong nhiều dự án BOT giao thông vẫn tù mù, không biết chi phí bao nhiêu do nhà đầu tư không rõ ràng, minh bạch, công khai và tính không chính xác. Thậm chí, dư luận có quyền nghi ngờ có hiện tượng người Nhà nước, những người tham mưu không minh bạch và có tiêu cực, tồn tại những chi phí lót tay và lợi ích nhóm trong nhiều dự án.

Hệ quả là, mức phí thu ở nhiều dự án BOT không minh bạch, không chính xác, không khoản nào ra khoản ấy và người dân chỉ biết kêu trời.

"Không thể thu một tuyến có 29km mà tới hơn 20 năm, tổng đầu tư đến hơn 4.000 tỷ đồng. Tính ra mỗi cây số lên gần 140 tỷ đồng, gần như đường đi trong đô thị.

Chưa kể, theo thông tin ở trên, chi phí xây dựng khoảng 2.203 tỷ đồng, như vậy còn khoảng 1.800 tỷ đồng là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại sao số tiền bồi thường lại lớn như vậy, do đi qua khu dân cư hay đất vàng? Đô thị mới là đất vàng.

Việc tính toán suất đầu tư là của bộ phận kỹ thuật, nhưng liệu họ đã tính chính xác chưa, đã tiết kiệm đồng tiền của nhân dân chưa?", TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Từ đây, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy kiến nghị, việc thu phí phải có hội đồng của người dân tham gia, cùng với Nhà nước, chủ đầu tư bàn với nhau thu bao nhiêu, tổng chi phí chia ra các năm, mỗi ngày lưu lượng bao nhiêu xe, dự báo mỗi năm tăng lên bao nhiêu... Tất cả phải được tính toán một cách khoa học, cuối cùng có con số chính xác, tính được số năm thu phí.

"Chúng tôi mong muốn các dự án phải được công khai, tính toán chính xác, khoa học, tiết kiệm đồng tiền của nhân dân", ông nhấn mạnh.

bo gan 800 ty thu phi bot 238 nam hoi kho Tổng cục đường bộ đề xuất trả lại tên \'trạm thu phí\' BOT

Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT đổi tên gọi "trạm thu giá" thành "trạm thu phí" BOT.

bo gan 800 ty thu phi bot 238 nam hoi kho Vì sao HN đề nghị "xóa sổ" trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài?

TP. Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng ...

bo gan 800 ty thu phi bot 238 nam hoi kho ĐBQH Hoàng Quang Hàm: Một số dự án BOT, vì sao dân không đi vẫn phải trả tiền?

“Có 17 trạm BOT đặt sai vị trí, trong đó 3 dự án cao tốc người dân không đi cũng phải trả tiền… Như thế ...

/ Đất Việt