Bí mật về bức tranh được Hollywood lấy cảm hứng dựng thành phim kinh dị

Bức tranh nổi tiếng "Tiếng Thét" được nhiều du khách tới ngắm nhất tại Phòng Trưng bày Quốc gia Na Uy. 

Tác phẩm hội họa Tiếng Thét (Scream) của họa sĩ Na Uy, Edvard Munch (1863-1944), sáng tác từ năm 1893 đến năm 1910. Bức tranh miêu tả một người đàn ông đi qua cây cầu vào lúc hoàng hôn. Trên nền trời có màu sắc rực rỡ, người đàn ông lấy tay ôm đầu như muốn né tránh để không phải nghe tiếng thét vọng ra từ đâu đó. Phong cảnh trong bức tranh thuộc vịnh Oslofjord, Na Uy.

Với nhiều du khách tới Oslo, điểm dừng chân không thể bỏ qua chính là Phòng Trưng bày Quốc gia Na Uy cũng như địa danh trong tác phẩm trên. Trên Trip Advisor, rất nhiều người đã đặt câu hỏi và thể hiện sự quan tâm tới bức tranh này. Một số đã kể lại những ấn tượng của họ khi lần đầu được nhìn thấy kiệt tác của Munch.

bi mat ve buc tranh duoc hollywood lay cam hung dung thanh phim kinh di
Bức vẽ được sáng tác theo trường phái nghệ thuật Biểu hiện. Ảnh: Mirror.

Nó cũng được biết đến là tác phẩm gây ám ảnh và có bí mật lâu tồn tại lâu nhất. Cho tới gần đây, người hâm mộ tác phẩm này mới khám phá được những câu chuyện đen tối, u buồn của Tiếng Thét.

Theo nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Robert Rosenblum, Munch đã lấy cảm hứng từ một xác ướp để tạo nên nhân vật người đàn ông trong bức tranh. Thi thể này được cho là của một chiến binh Chachapoyas, phát hiện gần sông Utcubamba ở Peru và trưng bày tại một triển lãm ở Paris vào thời của Munch.

Gương mặt của người đàn ông được họa sĩ tạo nên vừa đáng sợ vừa ám ảnh. Và nó cũng chính là nguồn cảm hứng để đạo diễn, nhà biên kịch Wes Craven tạo nên chiếc mặt nạ của kẻ giết người trong loạt phim đình đám Scream của Mỹ.

Theo Mirror, bức tranh được vẽ khi Munch vừa thất tình. Người đàn ông trong tác phẩm thể hiện sự đau đớn vì một cuộc tình dang dở.

bi mat ve buc tranh duoc hollywood lay cam hung dung thanh phim kinh di
Nhà làm phim Wes Craven đã lấy cảm hứng từ tác phẩm "Tiếng Thét" để tạo nên loạt phim kinh dị nổi tiếng cùng tên. Ảnh: Mirror.

Một số nhà phê bình khác cho biết, bức tranh được lấy cảm hứng từ những đau thương, ám ảnh về bệnh tật trong gia đình họa sĩ. Anh em của Munch đều có sức khỏe yếu, người bị tâm thần phân liệt, người qua đời vì bệnh tật giày vò. Cây cầu bắc qua vịnh hẹp xuất hiện trong tranh được cho là câu cầy nổi tiếng ở Oslo. Nơi đây là địa điểm có nhiều người tự tử và nằm gần trại tâm thần - nơi chị gái của Munch điều trị.

Nhiều người cũng tin rằng, Munch đã mượn tranh để nói lên những đau đớn, bi kịch và mất mát trong cuộc đời của mình. Không chỉ riêng kiệt tác này, những tác phẩm khác của ông cũng mang một màu sắc u buồn như chính cuộc đời của ông vậy. Ngoài ra, Munch cũng được biết là một người lận đận trong chuyện tình duyên và ông không kết hôn.

bi mat ve buc tranh duoc hollywood lay cam hung dung thanh phim kinh di
Bảo tàng Munch ở Toyen, Oslo. Ảnh: Wiki.

Theo Mirror, đây là một trong những kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Tại thời điểm ra đời, độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng của nó được ví tương đương với Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Hình ảnh người đàn ông trong tranh gây ám ảnh này thậm chí còn được in trên áo phông, tất, khăn ăn và xuất hiện trong bộ phim The Simpsons nổi tiếng.

Không giống các bức họa nổi tiếng thế giới khác, Tiếng Thét có tới 4 phiên bản và đều do Munch sáng tác. Phòng Trưng bày Quốc gia Na Uy ở Oslo giữ một bức. Đây là bản nổi tiếng nhất, dùng chất liệu sơn dầu, thuốc màu và phấn màu, vẽ trên bìa giấy cứng vào năm 1893.

Vào ngày khai mạc Thế vận hội mùa đông năm 1994 tại Lillehammer, một kẻ trộm đã lấy bức tranh này. Trước khi đi, tên trộm còn để lại dòng nhắn gửi: "Cám ơn vì an ninh ở đây thật kém". 3 tháng sau đó, tác phẩm bị đánh cắp được tìm thấy và quay về chốn cũ.

Hai bản khác được vẽ bằng phấn màu trên bìa cứng và màu tempera (một chất liệu màu bền vững) được giữ tại viện bảo tàng Munch. Bản màu tempera được vẽ vào năm 1910 và bị đánh cắp vào năm 2004. Hai năm sau đó, nó được tìm thấy.

Bản cuối cùng được họa sĩ vẽ vào năm 1895, với chất liệu là phấn màu trên nền giấy cứng. Nó được bán với giá gần 120 triệu USD vào năm 2012 tại Sotheby\'s. Hiện tại, nó là tài sản riêng của Leon Black, nhà đầu tư và sưu tập nghệ thuật nổi tiếng người Mỹ.

Có hai địa điểm du khách có thể ghé thăm kiệt tác này. Thứ nhất là bảo tàng nghệ thuật Munch, nằm ở trung tâm Oslo. Đây là nơi trưng bày mọi thứ liên quan đến danh họa. Theo đánh giá của nhiều du khách, nơi này nhỏ hơn bạn hình dung.

Vé vào cửa đối với người lớn là 14 USD, sinh viên hoặc đoàn từ 10 người trở lên là 7 USD và miễn phí cho những ai chưa đủ 18 tuổi. Lịch mở cửa đón khách năm 2019: từ 10h đến 17h mỗi ngày từ 11/5 đến 8/9.

Bảo tàng nằm gần Vườn Bách thảo Oslo và Bảo tàng Động vật học Zoologisk, nơi có những hóa thạch lâu đời nhất, ở trung tâm thành phố. Do vậy, bạn có thể khám phá những mảng màu xanh mướt trong Vườn Bách thảo sau khi ghé thăm nơi này.

Nếu đi tàu điện ngầm, bạn có thể chọn các tuyến 1,2,3,4,5 đến ga Toyen. Đây là cách đến nhanh và dễ nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi xe bus số 20 và đến trạm Bảo tàng Munch.

Địa điểm thứ hai có trưng bày Tiếng Thét là Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo. Từ năm 2003, nơi đây là một phần của Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Thiết kế Quốc gia.

Thời gian mở cửa: từ thứ 3 đến thứ 6: 10h đến 21h; hai ngày cuối tuần: 11h đến 21h và nghỉ thứ hai. Riêng ngày 1/9, bảo tàng mở cửa từ 10h đến 17h. Kể từ sau ngày 13/1, bảo tàng đóng cửa tạm thời. Giá vé dành cho đoàn trên 10 người là 9,5 USD. Với sinh viên, người cao tuổi, giá vé là 7 USD, giá người lớn là 14 USD.

bi mat ve buc tranh duoc hollywood lay cam hung dung thanh phim kinh di 10 bộ phim kinh dị không thể bỏ lỡ trong năm 2019

Năm 2018, hàng loạt phim kinh dị như "Hereditary", "A Quiet Place" hay "IT" đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Năm 2019, dòng phim này ...

/ VnExpress