Kẻ gian không dùng vũ lực, chỉ bằng vài câu nói đã lừa bốn nhân viên ngân hàng để cướp 300 triệu yên.
Ngày 6.12.1968, giám đốc chi nhánh thành phố Kokubunji Ngân hàng Nippon Trust nhận được thư nặc danh cắt ghép từ chữ in trong tạp chí với nội dung đòi giao 300 triệu yên Nhật vào 5h chiều hôm sau tại địa điểm nhất định. Nếu không đáp ứng, nhà riêng của ông sẽ bị đánh bom.
50 cảnh sát được phái tới nơi giao tiền nhưng không thấy ai xuất hiện. Ngôi nhà của vị giám đốc vẫn nguyên vẹn. Tuy vậy, cảnh sát vẫn tăng cường chú ý ngân hàng và thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Sáng 10.12.1968, trời đổ mưa. Bốn nhân viên của Nippon Trust được giao nhiệm vụ hộ tống số tiền thưởng cuối năm cho 523 nhân viên nhà máy Fuchu Toshiba, lên tới 294 triệu yên. Thường chỉ có hai người hộ tống, do số tiền lớn nên giám đốc chi nhánh cử bốn người cùng đi trên chiếc Nissan Cedric.
9h20, ôtô đi ngang qua nhà tù Fuchu, chỉ còn 200m nữa là tới đến nhà máy. Bỗng một cảnh sát đi môtô đặc chủng vượt lên ra hiệu dừng lại. Người cảnh sát trẻ tuổi mặc cảnh phục thông báo nhà riêng của giám đốc chi nhánh đã bị đánh bom. Chiếc Cedric cũng có nguy cơ phát nổ.
Vụ án xảy ra khi ôtô đi ngang tường bao nhà tù.
Bốn nhân viên tin lời xuống xe, để cảnh sát này chui vào gầm khám xét. Chỉ sau vài giây, khói và lửa bùng lên dưới xe. Viên cảnh sát lăn ra ngoài, hét to giục mọi người mau chạy vì bom sắp nổ. Bốn người vội vàng chạy ra xa, nấp sau tường bao nhà tù.
Nhưng vụ nổ không xảy ra. Khi bốn người nhìn lại, chiếc xe đã không cánh mà bay cùng số tiền thưởng. Ban đầu, họ tưởng rằng người cảnh sát lái xe tới chỗ an toàn nhưng khi gọi về thì biết nhà giám đốc không bị đánh bom...
Cảnh sát huy động lực lượng truy lùng dấu vết chiếc Cedric, tổ chức nhiều chốt chặn trên đường. Khoảng 10h18 cùng ngày, nhà chức trách tìm thấy ôtô bị bỏ cách hiện trường 1,3 km về phía bắc. Tên cướp được xác định đã chuyển tiền sang phương tiện khác để bỏ chạy.
Hiện trường có gần 120 mẩu vật chứng, trong đó có xác que pháo sáng, có vẻ là vật tạo hiệu ứng khói lửa. Chiếc "Yamaha" thực chất là Honda Dream xanh được đè sơn trắng và gắn nhiều thiết bị để giả xe cảnh sát, là tang vật của vụ trộm từ tháng 11.1968. Số vật chứng còn lại đều là vật dụng hàng ngày, dường như bị cố tình bỏ lại để đánh lạc hướng điều tra.
Chiếc "Yamaha" thực chất là Honda Dream được sơn trắng.
Theo Japanese Nostalgiccar, cảnh sát xác định tên trộm hai lần đổi phương tiện. Lần đầu, hắn bỏ lại chiếc Cedric ở công viên và lên một chiếc Corolla. Nhiều người qua đường trông thấy vào hôm xảy ra vụ việc có chiếc Corolla phóng ẩu suýt gây tai nạn, nhưng không nhìn rõ người lái qua cửa kính ướt mưa. Thủ phạm ra tay vào ngày phát tiền thưởng, chứng tỏ cơn mưa ngoài dự kiến đã ảnh hưởng tới tay lái, nhưng cũng vô tình giúp che giấu danh tính.
Bốn tháng sau, nhà chức trách tìm thấy một chiếc Toyota bị bỏ lại ở bãi đỗ xe cùng nhiều hộp kim loại đựng tiền. Cả hai ôtô đều bị ăn trộm trước ngày xảy ra vụ việc nên không thể truy ra người lái.
Nghi phạm chính đầu tiên là con trai 19 tuổi của một cảnh sát. Người này có ngoại hình khá giống mô tả kẻ trộm, là thủ lĩnh băng trộm cắp thiếu niên, từng có tiền án cướp tài sản nhưng được hưởng án treo. Anh ta cũng thường xuyên trộm ôtô và xe máy, có kỹ thuật lái xe điêu luyện. Làm việc với cảnh sát, nghi phạm 19 tuổi không đưa ra được bằng chứng ngoại phạm.
Ngày 15.12.1968, cậu ta uống xianua tự tử và sau này được loại khỏi danh sách tình nghi vì nước bọt không trùng với mẫu tìm được trên lá tem đính kèm thư đe dọa...
Tháng 12.1969, cảnh sát bắt nghi phạm chính thứ hai dựa trên điều tra của Mainichi Shimbun, một tờ báo lớn của Nhật Bản. Nghi phạm 26 tuổi làm việc cho văn phòng chính phủ của Canada tại Tokyo, có khả năng lái xe tốt, ngoại hình giống với mô tả. Tuy nhiên, người này cũng được minh oan vì hôm xảy ra vụ án, anh ta tham gia kỳ thi bị giám sát nghiêm ngặt để tránh thi hộ. Người ta phát hiện cáo buộc vô căn cứ, viên cảnh sát thực thi lệnh bị tố lạm dụng quyền lực.
Ngày 15.11.1975, một người bạn của thanh niên 19 tuổi nêu trên trở thành kẻ tình nghi chính cuối cùng. Nhà chức trách phát hiện người này sở hữu lượng lớn tiền không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, người đàn ông không hợp tác với cảnh sát, cũng không hề tiết lộ số tiền trên từ đâu ra. Anh ta sau cùng được trả tự do vì cảnh sát không tìm được bằng chứng xác đáng.
Phác họa chân dung kẻ mạo danh cảnh sát.
Theo thống kê, lực lượng cảnh sát tham gia điều tra lên tới 170.000 người, số lượng nghi phạm 110.000 người, tiêu tốn 900 triệu yên. Đây là một trong những cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. Thậm chí, hai cảnh sát đã tử vong do khối lượng công việc quá nặng.
Theo Medium, qua tháng 12.1975, thời hiệu xử lý hình sự đã hết nhưng không có ai bị bắt. Tới 1988, thời hạn chịu trách nhiệm dân sự cũng kết thúc. Vào lúc này, kẻ cướp năm xưa có thể lộ diện mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý gì, nhưng cho tới nay, danh tính hắn vẫn còn là một bí ẩn.
Thiếu phụ bị đánh chết vì tỉnh giấc khi nghe tiếng động
Cảnh sát Trung Quốc không ngờ thủ phạm to khoẻ đâm chết người phụ nữ lại chỉ là đứa trẻ 12 tuổi cao 1m8. |
Thủ phạm khiến 1 triệu người Trung Quốc tử vong mỗi năm
Ước tính 1 triệu người Trung Quốc tử vong mỗi năm, tổn hại nền kinh tế 38 tỉ USD vì hai loại ô nhiễm. |
Màn kịch đánh tráo thủ phạm hiếp dâm của hai anh em
Sợ bị đi tù sau khi cưỡng bức và cướp tài sản của cô gái mới lớn, Thâm nhờ em nhận tội thay nhưng “màn ... |