Sẽ ra sao nếu như bạn biết rằng, bộ truyện tranh Naruto không hoàn toàn là hư cấu vô căn cứ, khi mà lịch sử Nhật Bản từng chứng kiến một nhẫn giả mang dòng máu "nửa người nửa quỷ" và có thể "điều khiển được ngọn lửa". Người đó chính là Kazama Kotaro, hay còn được gọi là Fuma Đệ Ngũ.
Lịch sử cũng như các tác phẩm viễn tưởng luôn có một sự hứng thú bất tận với các Ninja cũng như những sự tích bí ẩn xoay quanh họ. Trong số đó, những trận chiến giữa các ninja với cướp biển - mối đe dọa thường trực với một đảo quốc như Nhật Bản đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm phim ảnh cũng như sách truyện. Thế nhưng sẽ ra sao nếu bạn biết rằng, đã từng tồn tại một ninja huyền thoại hành nghề cướp biển được mệnh danh là "Phong quỷ" - "Con quỷ ẩn trong gió"?
Fuma Kotaro (Ảnh minh họa)
Truyền thuyết kể lại rằng, Fuma Kotaro là một "con quỷ" cao lớn. Những câu chuyện thêu dệt về ông ta như một sinh vật hơn là một con người, cao tới... 2m2, có một nửa là quỷ dữ và cũng là một trong những chiến binh mạnh mẽ nhất đương thời. Lẽ dĩ nhiên, người xưa có thêm thắt những điều thần bí, vì mãi cho tới những năm 1940, người Nhật trung bình chỉ cao có 1m50, thế nhưng với những sự tích về ninja nửa người nửa quỷ thì có vẻ như Kotaro là một người đặc biệt cao lớn vào thời điểm những năm 1600.
Theo các truyền thuyết kể lại, Kotaro là một bán yêu, mang trong mình dòng máu nửa người, nửa quỷ. (Ảnh minh họa)
Fuma Kotaro là thủ lĩnh của Bộ tộc Fuma - một nhóm nhỏ các nhẫn giả hoạt động độc lập ở vùng Kanagawa. Trong khi các bộ tộc ninja nổi tiếng khác như Iga hay Koga thường tránh giao chiến, tập trung vào các nhiệm vụ ẩn sát, do thám và theo dõi thì bộ tộc Fuma lại chọn con đường của chiến tranh du kích dũng mãnh, y hệt như những ninja trong bộ truyện tranh Naruto.
Cái tên của bộ tộc Fuma được đặt theo tên của người đứng đầu; Fuma đồng thời cũng không hẳn là một tên riêng mà giống như một danh hiệu hơn. Nhân vật chính được nhắc đến ở đây là Fuma đệ ngũ, ngài Kotaro. Kotaro tên đầy đủ là Kazama Kotaro, được tương truyền sinh ra từ một mối tình giữa người và quỷ Nhật Bản Oni - điều này khiến cho khi trưởng thành, ông cao tới 2m2, có mắt như mèo và miệng rộng tới tận mang tai. Giọng của Kotaro cũng rất lớn, tương truyền ông ta có thể hú to tới mức trong bán kính 5km người ta vẫn có thể nghe thấy. Từ đó mà ông có cái tên "Phong quỷ - ác quỷ ẩn trong gió".
Không như các bộ tộc ninja khác, người của Kotaro khá là hiếu chiến và thường xuyên lấy ít chống nhiều. (Ảnh minh họa)
Bộ tộc của Fuma thường xuyên tham chiến chống lại các đạo quân hùng hậu bằng lực lượng khá nhỏ và mỏng. Kỹ năng chiến đấu điêu luyện của họ được kết hợp nhuần nhuyễn với thuật ẩn thân, khiêu khích và mai phục khiến cho nhiều đội quân lớn hơn quy mô của Bộ tộc Fuma nhiều lần đã phải chịu thảm bại. Ngoài ra, khả năng sử dụng thuyền và kỹ năng thủy chiến của Bộ tộc Fuma cũng thuộc hàng thượng thừa, khiến cho họ có thêm nghề tay trái là... cướp biển.
Ninja của bộ tộc Fuma được cho là rất thông thạo thủy tính, thành thạo nghệ thuật do thám dưới nước và thủy chiến bằng tàu lớn. (Ảnh minh họa)
Dưới thời đại của Kotaro, quân đội của ông có cái tên khác là Rappa, nghĩa là "Những kẻ đặt dấu chấm hết cho mọi trận chiến". Các Rappa thiện chiến tới mức nhiều trận chiến của họ đã được ghi vào lịch sử; ví dụ như vào năm 1580, khi lãnh chúa Takeda Katsuyori - một đồng minh của tộc Fuma bị tấn công bởi đạo quân khổng lồ từ một lãnh chúa khác, các Rappa của Kotaro đã quyết định trợ chiến bằng... một loại tàu ngầm sơ khai tự chế - thứ mà không ai ngờ đã ra đời từ những năm 1580.
Họ lẳng lặng đột nhập vào giữa vòng vây quân địch bằng đường thủy, sau đó thủ lĩnh nửa người nửa quỷ của bộ tộc Fuma đã sử dụng nghệ thuật đánh lừa thị giác - Enron no jutsu - khi kết hợp khói và lửa, gây hoang mang cho kẻ thù và lừa cho chúng chém giết lẫn nhau. Sau đó, họ tan biến như những ảo ảnh, bỏ lại tàn quân của kẻ thù gần như đã bị quét sạch. Từ đó, Fuma Kotaro có thêm cái tên "Hỏa chủ" - "Master of the flame".
Với khả năng đánh lừa thị giác và sử dụng lửa trong chiến trận, Kotaro còn có cái tên "Hỏa chủ" (Ảnh minh họa)
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng khác chính là trận chiến giữa vị nhẫn giả nửa người nửa quỷ này với ninja vĩ đại và nổi tiếng nhất xứ sở hoa anh đào Hanzo Hattori. Họ liên tục trở thành địch thủ của nhau suốt nhiều năm liền, gần như có thể so sánh họ như Batman và Joker vậy, khi mà Hattori trung thành, chính trực là Batman và Kotaro xảo quyệt, biến hóa đa đoan là Joker.
Trận chiến cuối cùng của họ xảy ra vào khoảng năm 1590, khi quân đội của bộ tộc Tokugawa đã gần như quét sạch được bộ tộc Fuma bằng lực lượng áp đảo, thế nhưng Kotaro cùng đội quân tinh nhuệ nhất của Kotaro - các Rappa - vẫn trốn thoát được. Để đặt dấu chấm hết cho mối hiểm họa này, lãnh chúa Tokugawa đã gửi đi ninja tài giỏi nhất của mình - Hanzo Hattori.
Hattori đã truy tìm Kotaro nhiều năm trời để đặt dấu chấm hết cho bộ tộc Fuma. (Ảnh minh họa)
Trải qua nhiều trận đánh được người đời kể lại là "tràn đầy các nhẫn thuật, quỷ dị và nghệ thuật biến hình", cuộc truy đuổi kéo dài tới tận năm 1596 khi mà Hanzo lần theo tung tích của Kotaro tới một chiến thuyền. Đây là một cái bẫy đã được sắp đặt trước, khi mà trên tàu đã đổ đầy dầu; và khi Hanzo tới nơi, con tàu bị đốt cháy, tạo thành một chiến trường rực lửa cho trận chiến cuối cùng giữa Hanzo và Kotaro. Ninja vĩ đại nhất đất nước Nhật Bản Hanzo Hattori cuối cùng cũng gục ngã ở trận chiến trên biển này, trước đối thủ nửa người nửa quỷ quá hùng mạnh Fuma Kotaro.
Sau khi trận chiến này kết thúc, quân đội của Kotaro cũng không còn một ai. Ông tự nộp mình cho kẻ địch và không lâu sau đó bị chặt đầu thị chúng do những tội danh hoạt động gián điệp, cướp bóc và giết người. Thế nhưng, tên tuổi của Fuma Kotaro đã trở thành một huyền thoại với hai danh hiệu "Phong quỷ" và "Hỏa chủ" - biến ông trở thành nguồn cảm hứng vĩ đại cho rất nhiều văn hóa phẩm Nhật Bản về sau.
Mexico điều tra nguyên nhân bí ẩn khiến bò biển chết hàng loạt
Hơn cả câu chuyện của một loài sinh vật riêng lẻ, nhiều nhà khoa học nghi ngờ đây là dấu hiệu cảnh báo mối nguy ... |
Sự thật cái chết bí ẩn của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long
Đúng 45 năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, ngày 20.7.2018, Tiến sĩ Lisa Leon, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Y học môi ... |