1.“Tìm thông tin ngày 7.12.2017”. Trang web virtualwall.org lập tức thông báo thời gian người tìm thông tin về lính thủy đánh bộ Edward James Justice, chết ngày 8.1.1970 tại Quảng Nam. “Kẻ xuyên tường” đấy là tôi.
Tôi gặp anh họ ông Edward - người đàn ông đến từ Cincinnati (Ohio) sáng 2.10.2017 bên Bức tường Việt Nam trong Khu Tưởng niệm các cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial Wall) ở thủ đô Washington.
Cơn xúc động qua đi, người đàn ông ghi vào sổ tay của tôi tên anh họ mình, con số 1970, rồi nói “Chiến tranh Việt Nam là một sai lầm khủng khiếp. Edward chết ở tuổi 21, đã có con…”. Và rồi vợ ông cũng choàng tay ôm lấy tôi.
Bên Bức tường, tôi cũng trò chuyện với Ron McSorley. Ron là một trong hơn 100 cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đến từ bang Missouri thăm Khu tưởng niệm ngày 2.10 trên chuyến bay thứ 49 do Central Missouri Honor Flight tổ chức. “Năm 1969, tôi ở Chợ Lớn, Sài Gòn, dạy tiếng Anh kỹ thuật cho phi công người Việt. Tôi vừa muốn, vừa không muốn quay trở lại Việt Nam. Một vài người bạn tôi, cả Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa đã chết ở chiến trận. Chiến tranh Việt Nam là một sai lầm khủng khiếp. Gia đình cô có ai chết trong chiến trận?” Tôi gật đầu:“Có”. Ron im lặng, nhìn xa xa về những hàng cây, nhìn vào mắt tôi, rồi nói: “Lấy làm tiếc. Tôi hân hạnh nói chuyện với cô”.
Khi tôi nói với Ron và một vài cựu binh từ Missouri, rằng cuốn “Vietnam Veterans Memorials-Directoty of names, 1959-1975” có lẽ là một trong những cuốn tra cứu tên tuổi buồn nhất của nước Mỹ, họ im lặng một lúc, rồi gật đầu “Phải, thật buồn…”.
“Tôi chạm vào Bức tường hay Bức tường đã chạm vào tôi”. Ngày 20.11.2017, Facebook do một nhóm cựu binh Mỹ lập ra có tên “Nam” đăng bức ảnh Bức tường với hàng chữ như vậy.
Bức tường chiến tranh Việt Nam khởi công ngày 26.3.1982, hoàn công ngày 13.11.1982, mỗi năm hơn 5 triệu lượt khách tới thăm, khắc tên 58.318 lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam từ 1959-1975 (tính tới 5.2017).
2. Suốt chuyến xuyên Mỹ 23 ngày từ bờ Đông sang bờ Tây tháng 10 rồi, tôi “tha lôi” một con dao Mỹ do cựu Đại tá Nguyễn Văn Tiến - người làng Nội Xuyên, Lý Nhân, Hà Nam - một người anh, người quen của gia đình - tặng tôi từ 2 năm trước.
Lúc nghe tôi bảo sẽ rửa dao rồi mài cho sắc để dùng, anh Tiến bảo “hơn 40 năm nay anh vẫn giữ nguyên con dao y như vậy, một kỷ niệm trận chiến đấu 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Những ngày cuối cùng trong Thành, anh đi cứu thương binh, vấp phải con dao, và nhặt nó lên…”.
Người lính Mỹ nào đã dùng con dao nhỏ đấy?
Anh Tiến nhập ngũ tháng 12.1971, ở tuổi 18, vào tới Quảng Trị ngày 14.6.1972, Tiểu đoàn vận tải D 25, F320B chuyên chở vũ khí, lương thực tiếp tế cho các đơn vị chốt trong Thành. Sau 81 ngày đêm, đơn vị của anh Tiến còn hơn 100 người, gần 200 người đã hy sinh. Sau Hiệp định Paris 1973, anh Tiến ra Bắc học, năm 1980-1985 qua Mátxcơva (Nga) học ngành Hóa, rồi giảng dạy ở Hà Nội.
Tôi hỏi anh Tiến “Trong 81 ngày đêm, anh nhớ nhất ngày nào?” “Ngày chở chuyến hàng đầu tiên vào Thành trúng lúc máy bay Mỹ thả chất độc CS, lính mới tò te, lơ ngơ không biết bị nhiễm độc, có mặt nạ mà không dùng. Mãi sau thấy người dân dùng khăn ẩm ấp vào mặt, mới bắt chước làm theo…”.
Hầu như năm nào, tháng 4 hoặc tháng 7, anh Tiến cũng cùng đồng đội cũ về Thành Cổ thắp hương…
[Infographic] Tìm hiểu loại máy bay may mắn nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam
Là loại máy bay thực hiện các phi vụ ném bom nhiều chỉ đứng thứ 2 sau "pháo đài bay" B-52, tuy nhiên tiêm kích ... |
Tiếng harmonica trên cánh đồng của người cựu binh Mỹ
Giữa cánh đồng mênh mông ở Tiền Giang, nơi ông và đồng đội cùng chiến đấu gần nửa thế kỷ trước, Mike run rẩy cầm ... |