Gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tiếp tục bán cổ phiếu và rút khỏi ngân hàng bất chấp Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) dần hồi phục và đem về tiền tấn cho cổ đông.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín - VietBank (VBB), một thời gắn với cái tên Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) vừa công bố giao dịch cổ phiếu người liên quan của người nội bộ ngân hàng. Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, mẹ đẻ của bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên), thành viên HĐQT vừa đăng ký chuyển nhượng toàn bộ hơn 3,9 triệu cổ phiếu ở VietBank, dự kiến giao dịch từ ngày 19/12/2018 đến ngày 19/01/2019.
Ông Đặng Công Minh, bố đẻ bà Đặng Ngọc Lan cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 3,5 triệu cổ phiếu VBB trong khoảng thời gian trên.
Tổng cộng, bố mẹ vợ Bầu Kiên đăng ký bán hơn 7,4 triệu cổ phiếu, thoái sạch vốn khỏi VietBank. Đây là một diễn biến không bất ngờ bởi trước đó nhóm cổ đông liên quan tới bầu Kiên và bà Đặng Ngọc Lan liên tục có động thái muốn thoái sạch vốn khỏi VietBank.
Bố mẹ vợ Bầu Kiên đăng ký bán cổ phiếu VietBank. |
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên có dấu hiệu rút khỏi VietBank ngay từ đầu năm 2018. Những điều bí ẩn, phức tạp về tình trạng chủ sở hữu và hoạt động của ngân hàng này dần bớt đi và VietBank có kết quả hoạt động khá tốt, với lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 với tăng hơn 400% nhờ thu nhập lãi thuần và từ việc mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh.
Quá trình tái cấu trúc VietBank diễn ra khá ấn tượng với việc chính thức xóa hết lỗ lũy kế từ đầu năm nay. Ngân hàng một thời gắn liền với cái tên Bầu Kiên dự kiến sẽ phát hành tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên UPCOM trong vòng một năm kể từ ngày hoàn tất việc tăng vốn.
Những diễn biến tích cực của VietBank diễn ra trong bối cảnh Bầu Kiên có dấu hiệu rút khỏi ngân hàng, trong khi vợ ông Kiên - bà Đặng Ngọc Lan cũng im hơi lặng tiếng, vắng bóng trong một loạt các cuộc họp HĐQT của VietBank trong nhiều tháng qua.
Hồi tháng 7, bà Đặng Ngọc Lan cũng đã từng đăng ký bán toàn bộ gần 15 triệu cổ phiếu - tương đương với 4,61% vốn điều lệ ngân hàng - nhưng không thành công.
Trong tháng 10, ông Nguyễn Đức Kiên đăng ký thoái toán bộ hơn 6,6 triệu cổ phần (quy theo mệnh giá 10.000 đồng/cp), tương đương hơn 2% vốn điều lệ nhưng chưa thành công sau khi bán bất thành trong lần đăng ký vài tháng trước đó với nguyên nhân chưa thực hiện xong thủ tục lưu ký chứng khoán theo quy định.
Bà Đặng Ngọc Lan, thành viên HĐQT VietBank, vợ Bầu Kiên. |
Trước đó, Bầu Kiên và bố mẹ vợ cũng đã nhiều lần thoái vốn khỏi VietBank và bán thành công cả chục triệu cổ phiếu VietBank (quy mệnh giá 10.000 đồng/cp). Bà Nguyễn Thúy Lan, em ruột của Bầu Kiên cùng chồng và chị gái hồi cuối tháng 7 đã chuyển nhượng xong lần lượt hơn 6,6 triệu cổ phiếu, 6,2 triệu cổ phiếu và 6,5 triệu cổ phiếu VietBank.
Bà Đặng Ngọc Lan là thành viên HĐQT VietBank và đang nắm giữ gần 15 triệu cổ phiếu VietBank (quy theo mệnh giá 10.000 đồng/cp), tương đương hơn 4,6% vốn điều lệ.
Mặc dù là thành viên HĐQT VietBank nhưng trong các cuộc họp gần đây bà Đặng Ngọc Lan đều vắng mặt.
Trong khi đó, một nhân vật cũ tại Ngân hàng ACB của ông Nguyễn Đức Kiên là ông Phạm Trung Cang bắt đầu xuất hiện trở lại tại VietBank với tư cách là người có liên quan tới 1 cổ đông tại ngân hàng này. Ông Phạm Trung Cang đã mãn hạn tù trong vụ án Nguyễn Đức Kiên tại ACB.
VietBank là một ngân hàng nhỏ, nổi tiếng trong giới đầu tư cả nước sau vụ án Bầu Kiên hồi năm 2013.
Trong phiên tòa hồi giữa tháng 6/2017, HĐXX công bố quyết định khởi tố thêm 2 vụ án hình sự có liên quan với nhận định cho rằng có dấu hiệu phạm tội “kinh doanh trái phép” tại Ngân hàng ACB và VietBank.
Theo HĐXX, việc khởi tố là cần thiết sau khi xét thấy việc phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực của một số cá nhân tại ACB và VietBank.
HĐQT của VietBank hiện vẫn ghi danh ông Dương Ngọc Hòa là chủ tịch; các ông Bùi Xuân Khu (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương), bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên), ông Dương Nhất Nguyên, ông Đặng Đình Thắng, bà Ngô kim Liên và ông Trần Văn Tá là thành viên.
Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) |
Tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) không có trong thành phần chủ tọa đại hội cổ đông 2018 và trong cuộc họp HĐQT cuối 2017.
VietBank được biết đến là một ngân hàng thành lập từ đầu năm 2007 tại Sóc Trăng. Nhưng thông tin về cổ đông của VietBank ít không được công bố công khai. Ngân hàng này có mối quan hệ khá gần gũi với Ngân hàng ACB.
ACB được nói đến như là cổ đông sáng lập của VietBank nhưng trên thực tế gần như không có NĐT nào biết ACB đầu tư bao nhiêu tiền vào đây. Người ta chỉ biết rằng hiện bà Đặng Ngọc Lan vẫn là thành viên HĐQT của VietBank, và bà Lan là vợ của ông Nguyễn Đức Kiên - từng là một trong những nhân vật chủ của ACB.
Gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý do có sai phạm trước đó. Ông Phạm Công Danh vẫn đang hầu tòa trong vụ án VNCB, còn ông Trần Bắc Hà đã bị bắt và khởi tố vì những “sai phạm” tại BIDV,...
Nhóm cổ phiếu ngân gần đây chùng lại sau một thời gian nửa đầu năm tăng ấn tượng nhờ kết quả kinh doanh tốt nhất trong 10 năm qua. Hầu hết các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu và có lợi nhuận tăng cao.
Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán vẫn còn lớn, thanh khoản ở mức thấp. VN-Index hướng về 920 điểm.
Tuy nhiên, một điểm sáng là lực cầu bắt đáy đã xuất hiện. Nhiều cổ phiếu ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, Quân Đội, BIDV,... tăng điểm trở lại. Một số cổ phiếu lớn trong ngành bán lẻ và xây dựng cũng tăng điểm vào phút chót.
Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, thị trường có khả năng sẽ phục hồi trong những phiên tiếp theo khi mà các chỉ số kỹ thuật độ nhạy cao đang thể hiện việc quá bán. Tuy vậy, tại giai đoạn này, cần xem xét giảm tỷ trọng danh mục tổng của cổ phiếu về mức 20-30%.
Rồng Việt cũng nhận định, chỉ số giảm nhưng thanh khoản tăng dần mang lại tín hiệu hồi phục cho thị trường. Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với cổ phiếu có cơ bản tốt khi thị trường tăng vào phiên giao dịch tiếp theo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/12, Vn-Index giảm 6,4 điểm xuống 927,25 điểm; HNX-Index giảm 0,58 điểm xuống 104,42 điểm. Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 52,61 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Hé lộ chiêu Bầu Kiên chiếm đoạt 11 triệu cổ phiếu ngân hàng
Công ty cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) vừa có đơn tố cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) chiếm đoạt gần 158 ... |
ACB và sự trở lại của Bầu Kiên?
Một nội dung được cho là sẽ thu hút sự quan tâm của cổ đông, nhà đầu tư tại ĐHĐCĐ của ACB, đó là sự ... |