Giỏi quân sự và chính trị, mở rộng không ngừng Đế chế Pháp nhưng rốt cục Napoleon Bonaparte đã thất bại do quá tham vọng và cố chấp…
Napoleon Bonaparte là một trong các vị chỉ huy vĩ đại nhất của lịch sử quân sự thế giới. Dưới trướng của ông, các lực lượng Pháp tung hoành khắp châu Âu, san bằng nhiều đế chế và khuất phục những đối thủ mạnh nhất của họ.
Với tài năng và những chiến công như vậy, vì sao Napoleon cuối cùng lại bị đánh bại?
Tranh biếm họa về Hoàng đế Napoleon bị đánh bại và đưa đi đày. Ảnh: WHO.
Vào cuối kỷ nguyên Napoleon, nước Pháp đã chinh chiến với các nước láng giềng liên tục trong hơn 30 năm ròng. Thế hệ trưởng thành trong cái bóng của cách mạng cũng phải sống trong cái bóng của chiến tranh liên miên. Đầu tiên là chiến tranh đánh đuổi những kẻ xâm lược muốn khôi phục triều Bourbon, sau đó là cuộc chinh phục các vùng lãnh thổ vì vinh quang của Đại Pháp.
Hàng trăm ngàn nam thanh niên đã phải đi quân dịch và bỏ mạng trên các chiến trường châu Âu. Đất nước Pháp trở nên mệt mỏi, các nguồn lực cạn kiệt dần và người dân không thể cứ duy trì mãi các cuộc chiến thắng lợi.
1. Quá tham vọng
Napoleon có một tầm nhìn lớn cho bản thân và đất nước mình. Ông muốn làm một Alexander Đại đế hay một Julius Caesar mới.
Chính điều này đã dẫn Napoleon tới chỗ phát động một loạt cuộc chiến trên khắp lục địa châu Âu. Một mặt, ông thu được nhiều thứ; mặt khác, ông đã đi quá xa. Ông không còn thời gian để củng cố những gì mình đã đạt được. Chiến tranh được mở ra ở nhiều mặt trận, nổi tiếng nhất là cuộc xâm lược nước Nga trong khi binh sĩ của ông vẫn phải chiến đấu chống lại người Anh ở bán đảo Iberian. Vị hoàng đế này đã “cắn nhiều hơn so với khả năng nhai” của mình.
2. Đánh mất sự linh hoạt
Trong các chiến dịch quân sự đầu tiên, Napoleon tỏ rõ là một tư lệnh sắc sảo với khả năng trí tuệ và sự linh hoạt chiến thuật cao độ. Di chuyển nhanh chóng và mưu mẹo, ông đã vượt qua các đối thủ về mặt chiến lược, tránh được những trận chiến mà ông không muốn có. Về mặt chiến thuật, ông giành được thế áp đảo trên chiến trường.
Chiến thắng của Pháp trước quân đội Áo ở Lodi (Italy ngày nay). Ảnh: WHO.
Trong suốt chiến dịch ở Italy, ông đã đánh tan từng đội quân của Áo, sử dụng đòn vu hồi để đánh vào các vị trí phòng thủ của đối phương.
Khi tuổi cao hơn, Napoleon đánh mất dần sự minh mẫn của mình. Có những trận, ông giành chiến thắng bằng cách tung hàng ngàn lính tấn công chính diện kẻ thù. Hậu quả là quân đội của ông hứng chịu thương vong lớn và thu được ít thắng lợi trên chiến trường.
3. Những người thân cận không được như kỳ vọng
Anh trai Joseph của Napoleon, từng thể hiện được mình là một vị vua có năng lực của xứ Naples (Italy) đã không thể giành nổi chiến thắng xung quanh nước Tây Ban Nha đã được chinh phục.
Một người em trai của Napoleon, là Louis, khi làm Vua xứ Hà Lan đã không thể tăng cường được chính sách đối ngoại của Napoleon đối phó với cuộc bao vây của người Anh nhằm vào lục địa châu Âu. Thay vào đó, ông này chỉ chăm lo lợi ích của người Hà Lan.
Người em trai út của Napoleon, là Jerome, thì lại mắc phải các sai lầm với tư cách là tướng cầm quân, cả trong cách tiếp cận đối với cuộc xâm lược nước Nga và trong việc chỉ huy binh sĩ trong trận Waterloo.
4. Sức mạnh hải quân của Anh
Ngay từ đầu, hải quân Anh đã mạnh hơn nhiều so với hải quân Pháp. Anh là một siêu cường đại dương với các hạm đội thống trị các biển và họ dễ dàng đánh bại nước Pháp trên biển.
Trận hải chiến Trafalgar. Ảnh: WHO.
Trong các thất bại tiêu biểu của người Pháp, có trận Đô đốc Anh Nelson tiêu diệt đội tàu vận tải của Napoleon trong trận sông Nile và trận Nelson đập tan liên quân Pháp-Tây Ban Nha ở Trafalgar, nơi vị đô đốc Anh cũng thiệt mạng.
Việc người Anh kiểm soát tốt các biển đã giới hạn năng lực di chuyển toàn cầu của người Pháp và giúp họ bố trí quân bộ trên bán đảo Tây Ban Nha. Điều này mang lại cho người Anh lợi thế lớn trong chiến tranh kinh tế.
5. Thất bại trong trận chiến kinh tế
Napoleon nhận ra cách duy nhất để đánh bại nước Anh là bằng cách làm suy kiệt nền kinh tế của nước này. Khi ấy, ông có thể phá hủy khả năng phát động chiến tranh của Anh.
Là một quốc gia buôn bán, Anh dựa nhiều vào thương mại quốc tế. Do vậy Napoleon cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế bằng “Hệ thống Lục địa” - đây là một cuộc phong tỏa thương mại của Anh tại các hải cảng trên khắp châu Âu. Chính sách này của Napoleon chỉ dễ dàng thực thi ở một số nơi. Tại bất cứ nơi nào trực tiếp đặt dưới sự kiểm soát của nước Pháp, Napoleon đều có thể ra lệnh thực thi chính sách phong tỏa này. Ở những nơi khác, ông phải đạt được sự hợp tác thông qua hoạt động ngoại giao.
Chính sách “Hệ thống Lục địa” của Napoleon đầy các lỗ hổng. Các lãnh thổ bị chiếm đóng bất mãn với sự áp đặt của người Pháp và luôn tìm cách chống đối. Các cảng của Pháp ở bờ Đại Tây Dương thì bị hải quân Anh phong tỏa dữ dội, khiến thương mại và các ngành công nghiệp phụ trợ của Pháp bị thiệt hại nặng. Ở Hà Lan (chịu sự cai trị gián tiếp của Đế chế Pháp khi đó), em trai của Naopoleon (làm vua Hà Lan) đã không thể chặn đứng được nạn buôn lậu, còn Sa hoàng của nước Nga đã từ bỏ chính sách phong tỏa nói trên vì thấy không có lợi cho nước mình.
Chính sách phong tỏa chẳng những không làm suy yếu được nước Anh mà nó còn tàn phá chính nền kinh tế của Pháp.
Người Anh vẫn thoải mái cung cấp tài chính cho lực lượng của mình và trợ cấp cho các lực lượng đồng minh.
6. Liên minh thứ 6
Các cuộc xâm lược gần như bất tận của Pháp cuối cùng đã khiến cho các cường quốc ở châu Âu liên hiệp lại với nhau. Sau một chuỗi các liên minh thất bại, cuối cùng họ hình thành được Khối liên minh thứ 6.
Khối thứ 6 này gồm Nga, Áo, Phổ, và Anh quốc. Khối cuối cùng đã đẩy lui được quân đội của Napoleon trở lại lãnh thổ Pháp và đánh bại đội quân này tại đó. Đế chế của Naopoleon còn rất ít đồng minh.
7. Không thể thỏa hiệp
Cho đến phút chót, Napoleon từ chối mọi cơ hội bảo toàn các thành tựu của mình. Thay vì theo đuổi hòa bình, ông tiếp tục cuộc chiến chống lại Khối liên minh thứ 6, ngay cả khi họ đã vượt qua biên giới Pháp. Cấp dưới của Napoleon buộc phải hạ bệ ông để khỏi phải đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt.
Sau đó Napoleon quay trở lại chính trường trong Cuộc chiến Trăm ngày. Sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Bourbon và danh tiếng của Napoleon là những công cụ mặc cả hiệu quả. Châu Âu khi đó đã mệt mỏi vì chiến tranh. Nếu Napoleon chấp nhận đàm phán, ông có thể giữ vững sự trở lại của mình hoặc ít nhất có thể truyền lại ngôi báu cho con trai.
Nhưng Napoleon luôn cố chấp, muốn chiến thắng với những điều khoản của riêng mình. Cuối cùng, ông đã phải hứng chịu thất bại hoàn toàn.
Nhìn lại 3 chiến thắng vang dội của danh tướng Napoleon Napoleon Bonaparte đã chứng minh tài năng quân sự xuất sắc của mình qua những chiến thắng ở Austerlitz, Jena-Auerstedt và Friedland. |
Nước Pháp đã tìm thấy một Napoleon mới trong bóng đá “Chúng ta sẽ không để tuột mất cơ hội này. Không phải bây giờ. Chắc chắn không phải bây giờ!”, giọng của Deschamps vang lên ... |
Hoàng đế Napoleon chôn kho báu cực khủng ở Nga? Vào tháng 10/1812, khi Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte quyết định cho quân đội rút chạy khỏi Moscow, Nga cùng với 2 đoàn xe chất ... |