Tháng 8, Hà Nội vẫn ngập tràn trong ánh nắng chói chang, thi thoảng lại đỏng đảnh trong những cơn mưa rào bất chợt, những người yêu ẩm thực Hà Nội sẽ có thêm cảm giác khác thú vị khi khám phá những món ăn chuẩn phong vị Sài Gòn.
1. Lẩu bông miền Tây
Lẩu bông miền Tây |
Với khoảng 20 loại rau đặc trưng nhất của miền Tây Nam Bộ như so đũa, bông điên điển vàng, cọng bông súng tím ngắt, bông bí màu cam đẹp mắt, kèo nèo, rau đắng, thiên lý xanh non… được bày trí trong chiếc thuyền nan xinh xắn, khiến người ăn có cảm giác như mang cả cánh đồng sông nước miền Tây về giữa lòng Hà Nội.
Lẩu bông |
Khi ăn, thực khách chỉ việc thả đôi ba lát cá lăng vào nồi lẩu sôi sùng sục cho chín, nhúng một ít rau vừa đủ, gắp miếng bún và chan miếng nước lẩu nóng hổi là đã có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị món lẩu bông miền Tây, từ đó thực khách sẽ cảm nhận được đủ đa vị với vị ngọt thơm của hải sản, vị đăng đắng của bông điên điển, vị bùi bùi của so đũa, chua chua từ me, đến cái sần sật của rau nhút hay hít hà vị cay của ớt…
2. Gà nướng xôi chiên phồng
Món ăn này đã được một số nhà hàng của Hà Nội thực hiện nhưng để làm được đúng vị lại nhờ vào những đầu bếp đích thực của Sài Thành. Xôi được chiên “đúng điệu” phồng tròn như quả bóng, khi cắt còn nóng hôi hổi. Miếng xôi giòn tan, có mùi ngậy thơm của vừng và đỗ.
Gà xôi chiên phồng |
Đi kèm với đĩa xôi chiên phồng là đĩa thịt gà nướng được chặt thành những miếng vừa ăn, rồi sắp xếp lại gọn ghẽ, trang trí thêm vài miếng dưa chuột, vài cọng rau răm, điểm thêm vài lát ớt.
Ăn thịt gà nướng, xôi chiên phông chớ quên đi nước sốt, đó là sự pha trộn tuyệt vời của nước tương, hành tây và tóp mỡ làm tăng thêm hương vị cho món ăn.
3. Mực một nắng chiên giòn nguyên con
Đây là món ăn đúng phong cách của người miền Nam hiện đang được nhiều người Hà Nội yêu thích. Mực một nắng chiên giòn nguyên con là loại mực ống đã được phơi qua đúng một lượt nắng giòn.
Mực một nắng chiên giòn |
Qua một ngày nắng, mực sẽ hơi ráo, dẻo và có màu trắng đục, bên trong thịt mực vẫn tươi rói. Mực có nhiều loại: mực lá, mực sim, mực mai… nhưng với những người sành ăn thì có thể nhận ra ngay, chỉ có mực ống mới có thể làm được món mực một nắng chiên giòn là ngon nhất.
Mực một nắng được đầu bếp chiên giòn nguyên con, khi ăn mới cắt thành từng miếng nhỏ vừa miệng. Miếng mực có độ giòn bên ngoài nhưng vẫn đủ độ mềm, dẻo và ngọt thơm bên trong.
4. Ốc Sài Gòn
Không biết tự bao giờ, ốc tưởng chừng chỉ là một món dân dã, ăn vặt khi lỡ bữa đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực riêng của người miền Nam. Khác với cách chế biến ốc của Hà Nội và một số ốc biển ở các tỉnh miền Bắc thường được hấp, luộc cùng sả, lá chanh thì ốc Sài Gòn lại có cách chế biến với những hương vị đặc trưng, có đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt... mang đến sự đậm đà riêng.
Ốc Sài Gòn |
Tại Hà Nội, có rất nhiều quán ăn chuyên chế biến món ốc theo phong cách Sài Thành với đầy đủ các chủng loại ốc được mang từ miền Nam về. Ốc Sài Gòn thường được chế biến theo các cách như: xào me, hấp húng tỏi, xào bơ tỏi… Mỗi món có một hương vị riêng, món thì nhiều cốt dừa béo ngật, món lại cay cay, món lại thơm nức mùi sả…
5. Gỏi ngũ sắc
Món ăn là sự kết hợp của 5 trong nhiều loại gỏi, để tạo nên một món gỏi ngũ sắc đủ hương vị khiến thực khách thích mê, thường bao gồm: gỏi gà lá cóc, gỏi mực dưa leo, gỏi xoài hải sản, gỏi bò bóp thấu, gỏi gà thân chuối, gỏi bồn bồn tôm thịt,... Để làm nên món này cần nhiều công vì người đầu bếp sẽ phải chế biến từng món riêng lẻ. Từng món gỏi riêng trong gỏi ngũ sắc sẽ được thay đổi theo từng mùa, để đảm bảo luôn tươi ngon, chất lượng.
Gỏi ngũ sắc |
Gỏi ngũ sắc không chỉ ngon miệng mà còn khiến thực khách bất ngờ bởi cách bày biện đẹp mắt trong những bẹ hoa chuối. Mỗi loại gỏi được đặt trong một chiếc bẹ hoa chuối, ghép lại tựa một bông hoa ẩm thực 5 cánh đang tỏa sắc hương mời gọi, kích thích mọi giác quan của người thưởng thức.
Gỏi ngũ sắc tuy là sự kết hợp của những món ăn dân dã, chủ yếu là các thành phần từ miệt vườn sông nước, nhưng lại được nhiều người Hà Nội lựa chọn khi gọi món khai vị cho bữa tiệc.