Không phải “ông đồ” nào mặc áo the, đầu đội khăn xếp, ngồi cạnh bút nghiên, xung quanh xúm đen xúm đỏ đều có học vấn uyên thâm, am tường về lịch sử thư pháp Việt Nam hoặc gợi nhớ dấu ấn của một thời lều chõng.
Trải qua bao biến động, đổi thay theo guồng quay của bánh xe lịch sử, truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ của người Việt xưa vẫn tiếp tục được bảo tồn và tiếp nối.
Cho chữ đầu năm là một nét đẹp văn hoá cần được gìn giữ và bảo tồn. Ảnh minh hoạ: Báo Dân sinh. |
Nỗi tiếc thương “Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu” dường như đang lùi dần vào dĩ vãng. Bởi cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người yêu chữ, trọng chữ lại lặn lội đi “thỉnh” chữ, cũng là để tỏ rõ cốt cách, chí hướng và hoài bão của mình. Những câu đối, bức thư pháp sau đó đều được treo ở nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình.
Tuy vậy, nên nhớ rằng không phải “ông đồ” nào mặc áo the, đầu đội khăn xếp, ngồi cạnh bút nghiên, xung quanh xúm đen xúm đỏ đều có học vấn uyên thâm, am tường về lịch sử thư pháp Việt Nam hoặc gợi nhớ dấu ấn của một thời lều chõng.
Chẳng thế mà, kể từ khi “phố ông đồ” - nơi diễn ra các hoạt động viết chữ được chuyển từ bên ngoài Văn Miếu vào Hồ Văn (khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) năm nào cũng có hàng chục “ông đồ” rơi rụng vì không vượt qua được kỳ thi sát hạch gắt gao. Còn nhớ việc thi tuyển lần đầu tiên diễn ra vào năm 2015 đã gây xôn xao với con số 70% ông đồ thi rớt vì chữ viết xấu, viết không đúng chữ. Gần đây nhất, phần thi sát hạch phục vụ Hội chữ Xuân Mậu Tuất đã loại 42 ông đồ không đủ tiêu chuẩn, trình độ.
Thú thực, kết quả thẩm định ông đồ hàng năm khiến tôi vừa mừng vừa lo. Mừng rằng người đến Hội chữ sẽ không bị đẩy vào cảnh “xin chữ may mắn thành chữ xúi quẩy”.
Lo rằng những ông đồ rởm cố tìm nơi bày bút nghiên, thảo những nét chữ bay bướm, uốn lượn như “phượng múa rồng bay” nhưng rất tiếc lại… sai chính tả.
Ông Đồ trong hội chữ xuân Văn Miếu được thi sát hạch
Những ông đồ tham gia hội chữ Xuân phải qua thi tuyển để tránh viết sai, viết nhầm như trước đây. |