160 tấn vàng bốc hơi khỏi ngân hàng sau 5 năm

Đây là con số được tờ VnEconomy đưa ra dựa trên số liệu ở kênh giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Cụ thể, thực tế tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn, nhưng đến nay chỉ còn lại 2,86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.

Trao đổi với VnEconomy, một thành viên của Chính phủ cũng bất ngờ trước sự “bốc hơi” đó, bởi ông suy tính ít nhất vẫn còn khoảng vài chục tấn. Và 2,86 tấn được rà soát lại một lần nữa và khẳng định, trên cơ sở cập nhật báo cáo của các tổ chức tín dụng.

160 tan vang boc hoi khoi ngan hang sau 5 nam
160 tấn vàng đã bốc hơi khỏi hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa

Câu hỏi lớn đặt ra: lượng vàng lớn đó “bốc hơi” khỏi hệ thống ngân hàng (theo nghĩa không nằm ở dạng gửi), đã đi đâu và giá trị nguồn lực có bị bỏ phí?

Thoạt tiên, vị thành viên của Chính phủ nói trên cho rằng một phần do người dân đưa về nhà cất tủ. “Suy diễn” nữa, thời gian qua vấn đề kê khai tài sản sau những ồn ào biệt phủ, rồi một số trường hợp liên quan đến lãnh đạo cao cấp…, nên có phải một bộ phận tài sản bằng vàng đã “trốn” khỏi ngân hàng?

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, một nguyên do chính là người dân đã rút vàng ra giao dịch, chuyển hóa thành VND để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…

Vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Thống đốc NHNN có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Trước đó tại buổi làm việc với NHNN, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nhắc Thống đốc Lê Minh Hưng vấn đề này và nhấn mạnh: "Thủ tướng đã 3 lần nhắc nghiên cứu giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân".

Hiện chưa có số liệu thống kê về nguồn lực ngoại tệ, vàng nằm trong dân có giá trị bao nhiêu nhưng ước tính là rất lớn.

Ý tưởng huy động vàng trong dân từng gây nhiều tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế hồi giữa năm 2016 khi Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) trình kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN việc huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân; mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ vàng trang; giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%; lập Sở giao dịch vàng.

Một số chuyên gia cho rằng, NHNN có thể phát hành trái phiếu huy động bằng vàng thay vì bằng tiền đồng hay ngoại tệ. Hoặc thay vì lập sàn vàng, NHNN có thể nghiên cứu phát hành chứng chỉ vàng.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra.

Về dài hạn, theo VEPR, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.

Nhóm này cho rằng NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng cho rằng, việc đưa ra giải pháp huy động được nguồn lực vàng, ngoại tệ thời điểm này là rất khó.

Theo ông, trong bối cảnh hiện này, chỉ có thể huy động nguồn lực trong dân thông qua việc khuyến khích đổ tiền vào các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán. Nếu phát triển được thị trường chứng khoán bền vững, người dân sẵn sàng bán vàng, USD để đầu tư.