Cả nước hiện có 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, là những quả “bom nước” có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt theo dự báo từ nay đến cuối năm 2017 sẽ có những đợt mưa lớn, bão xảy ra, nhiều ý kiến quan ngại hồ chứa nước tại các địa phương có nguy cơ bị vỡ, đe dọa cuộc sống của người dân.
Một cảnh báo từ tổng cục Thủy lợi (bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước có 1.200 hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, đặc biệt nghiêm trọng, có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Hàng nghìn hồ thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh minh họa).
Đại diện tổng cục Thủy lợi, bộ NN&PTNT nhận định, các hồ chứa đa phần là nhỏ, được xây dựng cách đây 30-40 năm trong điều kiện kinh tế khó khăn, công nghệ, kỹ thuật lạc hậu. Đa số hồ tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, do cấp huyện, xã quản lý với trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu. Bởi thế, trong điều kiện mưa, lũ cực đoan như hiện nay, nước tràn qua đỉnh đập sẽ gây vỡ. Đây là điều rất nguy cấp.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng tổng cục Thủy lợi (bộ NN&PTNT) cho hay, hồ chứa thủy lợi hiện được phân làm 2 loại, là hồ có van điều tiết và hồ không có van điều tiết, để tràn tự do. Loại hồ có van, trước đợt mưa lũ vừa rồi, đã được hạ thấp mực nước để đón lũ, tránh xả lũ cấp tập, tham gia cắt đỉnh lũ, giảm lụt cho hạ du, như hồ Tả Trạch (lưu vực sông Hương, Thừa Thiên-Huế), hồ Nước Trong (lưu vực sông Trà Khúc, Quảng Ngãi)… Tuy nhiên, hồ chứa tràn tự do, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Thời gian qua, tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo địa phương trực 24/24, sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó sự cố đối với các hồ tràn tự do. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là chống tràn qua đập đất, hạ thấp mực nước trong hồ.
Được biết, đợt mưa lũ do bão 12 vừa qua, có nơi dòng chảy đến hồ vượt quá thiết kế khiến xảy ra 5 sự cố về hồ chứa ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 18 sự cố về hồ.
Lý giải về thực trạng nhiều hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố bất kỳ lúc nào, đại diện bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho hay, quá trình sửa chữa hồ đập thực hiện theo luật Đầu tư công, nên cần phải có thời gian, không thể làm được ngay. Tuy nhiên, việc trước mắt rất quan trọng là nâng cao năng lực quản lý hồ đập. Chính phủ đã chỉ đạo một chương trình tổng rà soát, kiểm tra các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để đánh giá tổng thể. Cùng đó, thời gian tới, ngoài việc áp dụng các giải pháp cấp bách, cần tập trung kinh phí sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn.
Đại diện tổng cục Thủy lợi thông tin, trong nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới cho vay, có danh mục 450 hồ chứa của 34 địa phương cần sửa chữa, nâng cấp. Chương trình này đã được ký kết từ tháng 8/2016 với tổng vốn là 430 triệu USD, tuy nhiên năm 2017 mới bố trí được khoảng 20 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD) cho 7 tỉnh (Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận), trong khi yêu cầu là 500 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân quá chậm dẫn đến việc các hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp. |
"Bom nước" chực chờ gây họa miền Trung
Bão số 12 vừa quét qua để lại hậu quả chưa khắc phục xong thì từ biển Đông, bão số 13 đang tiến vào. Mưa ... |
Xả lũ để… đón lũ
Trong khi vùng hạ du chưa thoát khỏi ngập lụt, chính quyền tỉnh Quảng Nam lại phải yêu cầu 4 thủy điện lớn phải xả ... |
http://www.nguoiduatin.vn/1-200-ho-thuy-loi-dang-bien-thanh-bom-nuoc-cho-vo-a347659.html