- Người dân phải cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19: Lãnh đạo phường nói gì?
- Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 đang chậm lại, nguy cơ nhiều vaccine hết hạn phải hủy bỏ
- Có bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4?
Những ngày vừa qua, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bình Phước yêu cầu người dân nếu không tiêm vaccine phòng COVID-19 phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để bệnh lây lan, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm ngay sau đợt cao điểm kết thúc, điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Việc yêu cầu người dân ký cam kết chịu trách nhiệm như vậy có đúng với quy định hay không?
Theo chị Bùi Thị Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội), việc yêu cầu ký cam kết nếu để bệnh lây lan do không tiêm vaccine phòng COVID-19 là vô lý. Bởi có rất nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19, nếu ký cam kết không tiêm mà để lây lan dịch bệnh thì cũng phải yêu cầu cam kết ngược lại “đã tiêm thì không mắc COVID-19”.
Đồng quan điểm với chị Hạnh, nhiều người cho rằng, yêu cầu này không khả thi và không nhận được sự đồng thuận. Bởi nhiều người cho rằng, tiêm rồi thì ai ký giấy cam kết đảm bảo người đó không bị nhiễm COVID-19, không lây lan cho người khác. “Việc tiêm vaccine mũi 3, 4 chỉ nên vận động chứ không nên “ép buộc”, bắt ký cam kết như trên”, anh Phạm Văn Đức, Hà Nội nêu quan điểm.
Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, số bệnh nhân nặng và tử vong đều giảm mạnh, cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường, nhiều người đã mắc COVID-19, đã tiêm vaccine mũi 2, 3 từ chối tiêm mũi tăng cường, mũi 4. Ở nhiều tỉnh, thành phố còn tồn đọng nhiều vaccine, nguy cơ phải hủy bỏ vaccine do sắp hết hạn.
Việc yêu cầu người dân không tiêm vaccine phải ký giấy cam kết như trên liệu có phù hợp với tình hình thực tiễn chống dịch hiện nay và có đúng với quy định hay không? PGS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Việc ký cam kết giúp nâng cao trách nhiệm hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Chúng ta thấy rằng ký kết thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu phòng, chống dịch. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết. Việc ký cam kết này để chính quyền, người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả của vaccine cũng như ứng phó biến thể mới”, ông Lân nói.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo kết luận của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó có nội dung thống nhất quan điểm truyền thông về tiêm vaccine là tiêm vaccine phòng, chống dịch; địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm. Người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết.
Với việc xuất hiện biến thể phụ BA.5 ở Việt Nam, nhiều người lo ngại nếu chủ quan, lơ là sẽ xuất hiện đợt dịch mới. Vậy biến thể phụ BA.5 có nguy hiểm không? Theo GS Phan Trọng Lân, tính lây lan của biến chủng này được đánh giá lây lan nhanh hơn so với các biến chủng cũ. Còn về độc lực, biểu hiện nặng hiện vẫn chưa có nghiên cứu bài bản được công bố chính thức. Trước diễn biến mới của dịch, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có các biện pháp giám sát, điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, qua theo dõi, biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh, nhưng không gây bệnh nặng và tử vong nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch… để phòng bệnh trước các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Nói về hiệu quả của vaccine, Ths.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng COVID-19 là trên 50%. Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp y khoa hàng đầu thế gới NEJM cho thấy hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 có giá trị trong vòng 3 tháng.
Sau tháng thứ 3, hiệu quả giảm rất rõ rệt. Đặc biệt là với biến chủng Omicron ở tháng thứ 3 hiệu quả đạt đỉnh điểm, chỉ 51%, sau đó giảm dần, thậm chí có nghiên cứu cho thấy hiệu quả chỉ còn 10-20%. “Như vậy, đến thời điểm hiện nay việc tiêm nhắc lại mũi 4 rất cần thiết”, ông Dương cho biết.
https://cand.com.vn/y-te/y-kien-trai-chieu-ve-yeu-cau-viet-cam-ket-neu-khong-tiem-vaccine-i658540/