Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi

Để y học thể thao có bước phát triển đột phá, Việt Nam cần có hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao và trao cho đội ngũ y, bác sĩ danh xưng xứng đáng.

Y học thể thao là một trong những bộ phận quan trọng nhất, không thể tách rời trong "hệ sinh thái" thể thao ở mọi quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, y học thể thao được hình thành và phát triển được gần 30 năm và có những thành tựu, đóng góp cụ thể cho nền thể thao nước nhà. Tuy nhiên, y học thể thao vẫn gặp không ít thách thức để phát huy hết tiềm năng và tiếp cận với trình độ thế giới.

Trả lời phỏng vấn VTC News, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng y học thể thao Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho rằng có hai yếu tố đang cản trở y học thể thao, đó là thiếu hụt nhân sự và đội ngũ y tế chưa có chức vụ, chính danh.

Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi - 1
Chuyên gia Choi Ju Young hỗ trợ điều trị cho Quang Hải.

Nguồn lực hạn chế

- Y học thể thao bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam khi nào?

Y học thể thao du nhập vào Việt Nam từ những năm 1993, 1994. Khi ấy, chúng tôi có trung tâm 1 (là Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội bây giờ - PV), trung tâm 2 ở Hoài Đức.

Cả hai trung tâm đều có đội ngũ y tế. Thời điểm này, phòng y học thể thao hiện tại có tên là phòng kiểm tra y học thể thao. Gọi là phòng nhưng rất chung chung, có phòng hành chính, phòng tổ chức, phòng huấn luyện và phòng y học gộp chung.

Trước đây trung tâm chỉ có rất ít phòng, với 3 bác sĩ. Khi tôi vào trung tâm thì có thêm 3 bác sĩ quân đội chuyển sang. Từ xa xưa, viện y học chỉ có một vài người học về y học thể thao, người học ở Cuba, người từ Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn sang, người thì học về sinh lý thể thao ở Liên Xô về.

Ngày trước chỉ có 3, 4 bác sĩ và một số kỹ thuật viên (KTV), lúc ấy KTV ít hơn bác sĩ, giờ thì ngược lại. KTV chủ yếu làm công tác kiểm tra y học.

Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi - 2
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (trái) là chuyên gia y học thể thao hàng đầu.

Chức năng nhiệm vụ của phòng y học thể thao là kiểm tra y học, tức là đầu vào, đầu ra hay trong quá trình bình thường vẫn phải kiểm tra. Ví dụ HLV thấy VĐV có vấn đề, họ sẽ yêu cầu kiểm tra.

Thứ hai là vấn đề kiểm tra định kỳ. Thứ ba là kiểm tra trước khi thi đấu, lúc ban tổ chức yêu cầu có giấy chứng nhận sức khỏe. Bác sĩ nghi ngờ VĐV có vấn đề thì lập tức kiểm tra bệnh tật, chấn thương. Mà VĐV thì có thể mắc đủ thứ bệnh, trong đó có cả ung thư.

- So với y học thể thao ở các nước phát triển, y học thể thao Việt Nam hiện đứng ở đâu?

So với thế giới, nhất là với những nước phát triển, y học thể thao Việt Nam còn khoảng cách rất xa. Chúng ta đã có nền móng từ lâu nhưng nguồn nhân sự hạn chế, học ở nước ngoài về mà lại ít áp dụng được nên không thể bằng nước bạn.

Các nước có y học phát triển không sở hữu bệnh viện thể thao, chỉ có khoa thể thao trong các bệnh viện lớn. Ở Việt Nam, bệnh viện Trung Ương 108, bệnh viện Việt Đức có khoa thể thao là tốt nhất. Muốn phát triển, chúng ta cần có các bệnh viện lớn có khoa y học thể thao.

Nhiều cầu thủ như Trần Đình Trọng, Chương Thị Kiều phải sang Hàn Quốc, Singapore để mổ. Phẫu thuật xong rồi lại có độ chênh về chẩn đoán, đánh giá tình hình chấn thương (như trường hợp của Đình Trọng) dẫn đến nhiều vấn đề cho VĐV.

Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi - 3
Đình Trọng phục hồi dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Choi Ju Young.

- Hạn chế về nhân lực, vật lực là có phải khó khăn duy nhất cản trở y học thể thao Việt Nam đi lên?

Khó khăn của chúng ta hiện nay là phương tiện ít, đội ngũ không phải ai cũng lành nghề, được đào tạo bài bản. Một vấn đề đưa ra còn tranh cãi vì khác quan điểm. Để đặt bút ký xem VĐV được thi đấu hay không cũng khó khăn với các y bác sĩ. May mắn là vấn đề này đã được cải thiện tương đối.

Tuy nhiên, chúng ta đang không có hệ thống đào tạo y học thể thao. Không đào tạo tốt thì không có con người tốt. Những người học nước ngoài thì về nước không áp dụng được nhiều. Ngành học của họ chưa ứng dụng được ngay vào điều trị chấn thương hay xây dựng công thức dinh dưỡng.

Hàng năm, VFF có lớp đào tạo 2 tuần cho bác sĩ. Bệnh viện thể thao Việt Nam cũng có đào tạo 1, 2 khóa mỗi năm, nhưng như thế là chưa đủ.

Tôi đến các trung tâm 2, 3, 4 thì thấy ở đây không có bác sĩ. Họ nói có bác sĩ là nhận ngay. Ở trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia thì có bác sĩ, KTV, nhưng chỉ ký được hợp đồng chuyên môn, không có chỉ tiêu biên chế.

Tính chính danh của bác sĩ thể thao là không có, mà điều này phụ thuộc vào lãnh đạo bộ. Ở VFF, FIFA tài trợ cho các trang thiết bị đầy đủ, nhưng 3-5 năm không dùng được vì không có bác sĩ vận hành.

Y học thể thao Việt Nam còn cách xa so với thế giới quá. Tôi đi hội thảo, được biết ở Học viện bóng đá Aspire (Qatar) có trung tâm cột sống, trung tâm cơ khép, trung tâm cổ chân,... với đầy đủ quy trình.

Hiện tại, hầu hết quy trình hồi phục cho VĐV của mình là lấy ở bên Aspire để cung cấp cho CLB, chuyển thành bài tập dạng băng video, chứ chưa có đào tạo bác sĩ.

- Do chưa có hệ thống đào tạo bài bản, nên nhiều trung tâm y tế hiện nay đang không có nhân lực chất lượng để vận hành?

Trung tâm 2 từ năm 1992 đến giờ mới tuyển được 1 bác sĩ. Trung tâm 3, trung tâm 4 cũng không khả quan hơn. Họ không có bác sĩ, chỉ có y sinh ở các trường. Nếu có bác sĩ thì họ sẽ bổ nhiệm ngay, nhưng không có người vào.

Ở đây chúng tôi chỉ còn 12 bác sĩ, KTV, làm 17, 18 năm vẫn chưa được vào biên chế. Họ chỉ được ký hợp đồng kỹ thuật giản đơn. Họ không chính danh.

Nếu không có phương án, sau này sợ không còn nhân sự nữa, càng ngày càng mất dần đi. Hiện tại y học thể thao đang trong trạng thái "nguy hiểm".

Lãnh đạo cần hiểu sự cần thiết của bác sĩ thể thao, qua đó đào tạo và liên kết nhân sự. Năm ngoái, Tổng cục Thể dục Thể thao có chương trình cử người đi Mỹ, Cuba học thể thao, nhưng nghe nói là khó có người đi được. Lứa tôi nghỉ, chắc không có bác sĩ vào đây nữa.

Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi - 4
Bác sĩ Trần Anh Tuấn của ĐTQG Việt Nam.

Ở PVF, có 4 bạn đang được đào tạo y học, nhưng chỉ là KTV thôi, không thể là bác sĩ được. Quan trọng nhất là phải học chẩn đoán, hồi phục,... đó mới là cái quan trọng của điều trị chấn thương. Để có bác sĩ thể thao rất khó, các trung tâm không tuyển được ai nữa.

Ở trung tâm 1, chắc khoảng 3, 4 năm nữa là hết người. Sau ở đây chỉ có bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, bác sĩ Trần Anh Tuấn (đều từng theo đội tuyển - PV) ở khu A, khu B thôi, chứ sau là không còn ai.

Tìm chính danh để tháo gỡ vướng mắc

- Ông vừa nói đến việc bác sĩ thể thao chưa có chính danh. Việc trao cho các nhân sự làm y học thể thao một chức vụ "danh chính ngôn thuận" là giải pháp cho vấn đề này?

Trước tiên là đội ngũ y học thể thao phải có chính danh. Chỉ có đội tuyển bóng đá hiện tại là có chức vụ bác sĩ thôi, chứ các đội tuyển khác không có bác sĩ, mà chỉ có trợ lý huấn luyện.

Đến cấp sở là không có ngạch nào cho y học thể thao cả, cùng lắm chỉ có vật lý trị liệu, phục hồi chức năng thôi.

Chúng ta cũng không có chế độ cho bác sĩ, mà chỉ có chế độ cho VĐV, HLV, trợ lý huấn luyện. Tiếp theo là cần có chỉ tiêu biên chế. Sau đó là mở hợp tác đào tạo, đặt vấn đề đào tạo ở đâu, trước kia có liên kết với viện khoa học, viện 103, nhưng thực chất là đào tạo lại.

Cần có mảng đào tạo, cho nhân lực sang nước ngoài học, mà sang nước ngoài thì phải tổ chức thi cử, tìm kiếm nhân lực có trình độ ngoại ngữ. Chúng ta phải có người đầu ngành để xây dựng hệ thống.

Y học thể thao Việt Nam: Đau đáu nỗi niềm thiếu bác sĩ giỏi - 5
Đội ngũ bác sĩ tuyển Việt Nam phải đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ.

- Muốn có chính danh, y học thể thao phải tự thân thể hiện được vai trò thiết yếu của mình?

Y học thể thao rất cần thiết, nhưng từ người lãnh đạo đến người sử dụng là khác nhau. Khi tôi đi họp, đội thể thao nào không có bác sĩ là đề nghị ngay. Các CLB cũng mời bác sĩ đi theo đội bóng. Ai cũng biết là cần thiết, song số lượng bác sĩ không nhiều, không thể rải ra được.

Giờ chúng ta phải đưa ra được chính danh của bác sĩ thể thao là gì. Có những người làm 16, 17 năm chưa được thi biên chế. Những người làm công tác y tế trong liên đoàn chỉ là y sĩ thôi, chưa phải bác sĩ, chưa có chính danh.

Ngoài ra, đào tạo bác sĩ là phải có trường lớp, không thể gọi người này người kia đi dạy được. Đấy là người ta tự mách bảo, giúp đỡ nhau thôi. Trước kia, Việt Nam cũng vài khóa học được tổ chức nhưng không ổn.

Lãnh đạo rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng muốn tổ chức tốt thì chúng ta phải có đội ngũ tham vấn, phải có hệ thống đào tạo bài bản để có con người tốt. Phải có người đủ tư cách cùng với các bộ đưa ra hiệp thương, thông tư, qua đó mang lại cho y học thể thao chính danh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

HỒNG NAM

Giữ hình ảnh “sạch” cho thể thao Việt Nam Giữ hình ảnh “sạch” cho thể thao Việt Nam
Dồn dập các giải đấu thể thao đỉnh cao sau dịch Covid-19 Dồn dập các giải đấu thể thao đỉnh cao sau dịch Covid-19
Đoàn thể thao dự Army Games trên Đoàn thể thao dự Army Games trên "siêu máy bay" của Vietnam Airlines

/ vtc.vn