- Đức thiệt hại hơn 216 tỷ USD từ xung đột Ukraine
- Lầu Năm Góc: Ukraine không đủ năng lực bảo trì vũ khí Mỹ cung cấp
- New York Times: Gần 1.000 lính Ukraine "mất tích" khi Nga giành Avdiivka
Xung đột Ukraine bước sang năm thứ ba với nhiều thay đổi ở cả chiến trường lẫn chính trường, Kiev mất dần sự ủng hộ của phương Tây còn Moskva đạt được 1 số mục tiêu.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lực lượng Nga chỉ cần mất vài tuần để tiến vào thủ đô Kiev. Tuy nhiên xung đột đã bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết khi cả hai bên đều muốn đạt được mục tiêu của mình và không chịu thỏa hiệp.
Trong năm thứ hai, Nga biến những bất lợi ban đầu thành lợi thế của mình bằng một loạt thay đổi về cả chiến lược lẫn chiến thuật trên chiến trường. Bằng chứng là họ đã thắng những trận đánh quan trọng vào các cứ điểm tưởng chừng không thể phá vỡ của Ukraine ở vùng Donbass như Bakhmut và Avdiivka.
Phía bên kia, Ukraine đang dần mất động lực trong cuộc chiến với Nga sau chiến dịch phản công mùa hè thất bại, kéo theo đó là viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu bị gián đoạn. Ngoài ra sự thay đổi trong giới lãnh đạo quân sự ở Kiev cũng tác động không nhỏ đến tình hình chiến trường.
Bản đồ chiến sự Ukraine khi cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba. (Đồ họa: BBC)
Chiến tranh tiêu hao
Theo AP, khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, cả Nga và Ukraine đều thiệt hại nặng nề về nguồn lực kinh tế và quân sự, đồng thời gây ra những căng thẳng xã hội khác nhau. Nga vẫn là bên có lợi thế hơn bởi Moskva không bị ràng buộc bởi bất cứ viện trợ quân sự nào như Kiev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần bày tỏ mong muốn đàm phán để chấm dứt xung đột trong khi vẫn giữ nguyên lập trường về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine trong năm 2022. Phía Ukraine, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Volodymyr Zelensky tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Ở khía cạnh quân sự, Nga có quyền lạc quan về những mục tiêu của nước này trong chiến dịch quân sự đặc biệt sau một loạt thành công trên chiến trường, từ giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Bakhmut vào tháng 5/2023, ngăn chặn chiến dịch phản công mùa hè của Ukraine vào tháng 6/2023 cho đến chiến thắng ở thành phố Avdiivka vào ngày 17/2/2024.
Để có được những chiến thắng trên, quân đội Nga chịu thiệt hại không hề nhỏ. Riêng thương vong của lực lượng Nga ở Bakhmut, bao gồm cả lực lượng lính đánh thuê Wagner, lên hơn 30.000 binh sĩ. Con số do tình báo Mỹ thống kê thậm chí còn hơn 100.000 người.
Khác với trận chiến ở Bakhmut, chiến dịch Avdiivka của Nga kể từ tháng 10/2023 mất khoảng 17.000 binh sĩ, theo thống kê của Bộ Quốc phòng Ukraine. Ngoài ra còn có 30.000 binh sĩ bị thương.
Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, tính từ ngày 4/6/2023, hơn 90.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương, đồng thời mất 600 xe tăng và gần 1.900 xe bọc thép các loại trong chiến dịch phản công.
“Ukraine không đạt được thành công đáng kể nào về mặt chiến thuật trên chiến trường", Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu phát biểu tại diễn đàn an ninh vào năm ngoái.
Chiến dịch phản công thất bại của Ukraine cũng kéo theo việc Quốc hội Mỹ từ chối thông qua gói ngân sách viện trợ bổ sung cho Kiev, còn các đồng minh NATO khác đang phải vật lộn để lấp đầy thiếu hụt trang bị, khí tài của quân đội Ukraine sau các hoạt động quân sự không mấy thành công.
Tuy nhiên theo giới quan sát, tổn thất nặng nhất đối với Kiev trong năm thứ 2 xung đột không phải là việc mất lãnh thổ hay viện trợ bị cắt giảm mà sự kiện Tổng thống Zelensky sa thải cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Valerii Zaluzhnyi. Sự ra đi của tướng Zaluzhnyi không chỉ khiến dư luận Ukraine mà cả các đồng minh thân thiết nhất thấy thất vọng.
Sự kiện Tổng thống Zelensky sa thải cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Đại tướng Valerii Zaluzhnyi được đánh giá sẽ tác động lớn đến cuộc xung đột trong năm 2024. (Ảnh: Reuters)
Giữa những trận chiến ác liệt ở miền Đông Ukraine, Nga cũng tìm cách làm tê liệt ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine bằng hàng loạt cuộc tấn công liên tục. Họ sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa cũng như máy bay không người lái “cảm tử” tấn công và áp đảo lực lượng phòng không Ukraine đang gặp phải tình trạng thiếu đạn dược ngày càng tăng.
Nga huy động đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng của mình trong việc hỗ trợ các hoạt động quân sự ở Ukraine, tăng ca và mở rộng dây chuyền sản xuất tại các cơ sở hiện có cũng như đưa các nhà máy bị đình trệ trước đây hoạt động trở lại.
Theo cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Thượng tướng Yury Baluyevsky, các cuộc tấn công bằng UAV của Moskva dù đạt được nhiều thành công nhưng cũng mang đến những rủi ro. Lực lượng Kiev hoàn toàn có thể đáp trả lại Moskva bằng UAV hoặc hệ thống pháo binh tầm xa do phương Tây cung cấp.
Các quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng trong khi chiến tuyến dài 1.500 km phần lớn vẫn tĩnh lặng và không bên nào đạt được lợi tế đáng kể, lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công táo bạo bằng tên lửa và máy bay không người lái vào sâu phía sau đường chiến tuyến, làm tăng đáng kể thiệt hại cho phía Nga.
Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công táo bạo vào các cảng dầu và nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cũng như các cơ sở hải quân và không quân của nước này ở khu vực Biển Đen, nhằm giáng một đòn mạnh vào khả năng quân sự của Moskva.
Các quan chức phương Tây ca ngợi tính hiệu quả của các cuộc tấn công của Ukraine, lưu ý rằng Kiev đã sử dụng thông minh các nguồn lực hạn chế của mình để ngăn chặn lực lượng Nga và tiêu diệt khoảng 20% Hạm đội biển Đen, chấm dứt hiệu quả sự thống trị trên biển của hải quân Nga ở khu vực.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc xung đột đã kéo dài hơn dự kiến vì sự can thiệp của phương Tây. “Chiến dịch quân sự đặc biệt có thể kéo dài lâu hơn một chút, nhưng điều này không thể thay đổi tiến trình của mọi việc”, ông Peskov nhấn mạnh.
Bất chấp những thách thức, tiềm năng kinh tế và quân sự to lớn của Nga mang lại cho Tổng thống Nga Putin khả năng tiến hành một cuộc chiến kéo dài.
Kinh tế Nga đứng vững
Nền kinh tế thời chiến của Nga đang bùng nổ. Điều này tưởng chừng như vô lý nhưng tốc độ tăng trưởng GDP dương không phải là điều bất thường đối với bất cứ quốc gia nào đang có xung đột.
Trong khi có những nghi ngờ về tính chính xác và đầy đủ của dữ liệu kinh tế màu hồng mà Nga đã công bố trong hai năm qua, Moskva có vẻ sẵn sàng tiếp tục chứng minh mình có đủ nguồn lực cho chiến dịch quân sự đặc biệt trong năm thứ ba hay bất cứ cuộc chiến nào khác.
Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại Công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, nói với Business Insider: “Từ quan điểm kinh tế thuần túy, Nga có dư địa đáng kể để tiếp tục tiến hành cuộc xung đột”.
Suy cho cùng, Nga đã tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014, khi nước này phải hứng chịu một loạt hạn chế thương mại sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Trên hết, kinh tế Nga vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng.
Và dưới đây là một cách giúp Nga đã cố gắng giữ cho nền kinh tế của mình vững mạnh ngay cả sau hai năm tiến hành chiến tranh.
Thứ nhất, giữ chiến tranh bên ngoài biên giới nước Nga. Đây là phương thức quan trọng giúp nền kinh tế của Moskva duy trì phát triển khi chiến sự chủ yếu ở Ukraine.
“Chiến tranh diễn ra chủ yếu trên đất Ukraine và phá hủy phần lớn nhà cửa, cơ sở kinh doanh và nông trại của Ukraine, do đó tác động trực tiếp đến năng lực sản xuất và các hộ gia đình của Nga là tương đối hạn chế”, ông Malik cho biết
Để so sánh, hãy xem xét tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế của cả Nga và Ukraine.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2022, năm đầu tiên của cuộc chiến, nền kinh tế Nga suy giảm 1,2% . Reuters dẫn đánh giá của các chuyên gia kinh tế kỳ vọng GDP của Nga sẽ tăng 3,1% vào năm 2023. Nga vẫn chưa công bố mức tăng trưởng GDP cả năm cho năm 2023.
Trong khi đó, GDP của Ukraine đã giảm 29,1% vào năm 2022 và Ngân hàng trung ương nước này dự báo nước này sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2023. Ngân hàng này chưa công bố số liệu tăng trưởng chính thức.
Xung đột ở Ukraine một phần nào đó đã thúc đẩy kinh tế của Nga. (Ảnh: Sputnik)
Thứ hai, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ thời chiến. Quân đội Nga cần nguồn cung cấp vật chất - những thứ như vũ khí, đạn dược và băng cứu thương. Nhu cầu thúc đẩy các ngành sản xuất những hàng hóa đó, đặc biệt ở trong nước, vì nhập khẩu vào Nga bị hạn chế do lệnh trừng phạt.
Nhu cầu về hàng hóa quân sự cao đến mức ngay cả một công ty thực phẩm ở miền trung nước Nga cũng được huy động để hỗ trợ cho hoạt động của nước này ở Ukraine.
Nga cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với dân số giảm và tỷ lệ sinh giảm ngay cả trước cuộc chiến với Ukraine.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin huy động nam giới tham gia chiến tranh đã tạo ra tình trạng khủng hoảng lao động kéo dài kể từ năm 2022.
Năm ngoái, Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu 5 triệu công nhân khi lực lượng lao động tăng gần 5% so với một năm trước. Vào tháng 11, Nga có tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là 2,9%.
Nhờ thiếu nhân lực, tiền lương đã tăng lên, từ đó hỗ trợ tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tự chủ về vũ khí và sản xuất hàng hóa. Nga là một nền kinh tế lớn toàn cầu - lớn thứ tám thế giới vào năm 2022, một phần nhờ vào vị thế vững chắc của nước này là nhà sản xuất các mặt hàng như dầu, khí đốt tự nhiên, lúa mì và kim loại.
Tuy nhiên, không giống như nhiều quốc gia, Nga cũng có khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng quan trọng như dầu, khí đốt tự nhiên và lúa mì. Điều này giúp Nga vượt qua nhiều năm trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây chắc chắn đã có một số tác động đến nền kinh tế Nga, nhưng tác động này đặc biệt hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vốn phần lớn đang tự cung tự cấp”, Malik nói.
Malik cho biết, là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Nga cũng có thể tự cung cấp cho mình hầu hết các nhu cầu quốc phòng, ngay cả đối với các loại vũ khí phức tạp.
Điều này, cùng với các biện pháp mà Nga đã áp đặt để thúc đẩy nền kinh tế - bao gồm nhập khẩu song song, chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các chuỗi cung ứng mới - càng làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp quốc phòng và nền kinh tế thời chiến của Nga, ông nói thêm.
Thứ 4, nợ nước ngoài ở mức thấp và đẩy mạnh xuất khẩu. Nga bước vào cuộc chiến với ít nợ nước ngoài và hưởng lợi một phần nhờ tác động của chiến tranh lên giá cả hàng hóa. Những diễn biến như vậy đã bù đắp rất nhiều cho các động thái của phương Tây như đóng băng dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.
Nga đã cố gắng phân bổ gần 1/3 ngân sách năm 2024 của mình cho chi tiêu quốc phòng, bất chấp mọi lệnh trừng phạt mà nước này phải gánh chịu.
Malik không phải là người duy nhất nghĩ rằng Nga có cơ hội tiến hành cuộc chiến lâu hơn. Trong năm qua, các chuyên gia và một số nhà kinh tế đều cho rằng Nga có đủ tiền để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine trong vài năm.
Alex Iskov, chuyên gia kinh tế tại Bloomberg Economics cho biết trong một báo cáo ngày 17/1 rằng tài sản lưu động của quỹ tài sản quốc gia Nga sẽ tồn tại thêm một hoặc hai năm nữa nếu giá xuất khẩu dầu của nước này giảm xuống dưới 50 USD/thùng.
Giá trung bình của dầu thô Urals hàng đầu của Nga là khoảng 63 USD/thùng vào năm 2023.
Mặc dù Nga đã tránh được thảm họa kinh tế sau khi xâm chiếm Ukraine vào năm 2022 và hứng chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện đều ổn đối với Moskva.
Xét cho cùng, chỉ riêng số liệu GDP màu hồng không phải là thước đo tốt về hiệu quả kinh tế trong thời chiến.
Theo một báo cáo tháng 1 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, sự đóng góp của Nga từ cuộc chiến đang thúc đẩy nền kinh tế của nước này nhiều đến mức có nguy cơ trì trệ hoặc thậm chí là "khủng hoảng hoàn toàn" một khi xung đột kết thúc.
Các nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn Áo viết: “Chiến tranh càng kéo dài, nền kinh tế sẽ càng nghiện chi tiêu quân sự”.
Ukraine sẽ không dừng lại, đây là cuộc chiến sinh tồn và họ hiểu Nga sẽ làm gì nếu Kiev bỏ cuộc. (Ảnh: Getty Images)
Xung đột Ukraine trong năm 2024
Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận cuộc tấn công mùa xuân của quân đội nước này không thành công như mong đợi và Nga vẫn kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.
Diễn biến chiến trường cho thấy triển vọng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine vẫn còn mơ hồ. So với thời điểm này năm ngoái, phía Nga đang mạnh hơn cả về mặt chính trị hơn là quân sự.
Sự đoàn kết đầy ấn tượng của phương Tây trong ủng hộ Ukraine được thể hiện vào năm 2022 và kéo dài suốt năm 2023 đang bắt đầu dao động.
Sự do dự của phương Tây đã khuyến khích Nga. Sự tự tin của Moskva thể hiện qua những lần xuất hiện trước công chúng gần đây của Tổng thống Putin và những tuyên bố của ông chứng tỏ rằng theo quan điểm của điện Kremlin sẽ không thay đổi.
Ở Washington, việc đảo ngược hoàn toàn chính sách là khó có thể xảy ra kể cả khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử 2024. Dù ai lên nắm quyền, Mỹ vẫn sẽ giữ chính sách ủng hộ Ukraine tiếp tục xung đột với Nga bằng hình thức này hoặc hình thức khác.
Tuy nhiên những rạn nứt gần đây ở phương Tây vẫn báo hiệu năm 2024 đầy khó khăn đối với Ukraine và xung đột sẽ kéo dài đến hết năm nay. Nhưng nó không thể kéo dài mãi mãi.
Xung đột ở Ukraine cũng chứng kiến sự quay trở lại của một cuộc chiến tranh lớn tại châu Âu. Diễn biến của cuộc xung đột vào năm 2023 đánh dấu thực tế là chiến tranh thời đại công nghiệp đã quay trở lại.
Chiến tranh trong thời đại công nghiệp đã bẻ gãy các bộ phận quan trọng, hoặc trong một số trường hợp là toàn bộ nền kinh tế, hướng tới việc sản xuất vật liệu chiến tranh là vấn đề ưu tiên. Ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2021 và sẽ tiêu tốn 30% chi tiêu chính phủ vào năm tới.
Điều này sẽ khiến cuộc chiến ở Ukraine trở thành một cuộc chiến kéo dài và đau thương hơn bất cứ điều gì mà châu Âu từng trải qua kể từ giữa thế kỷ trước. Năm tới sẽ chứng minh liệu Nga và các quốc gia thân thiện với Moskva hay Ukraine và phương Tây có đủ khả năng và sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khốc liệt của chiến tranh thời đại công nghiệp hay không.
Sẽ là sai lầm khi nói rằng chiến tuyến ở Ukraine đang bế tắc, cả hai bên đều có khả năng kéo dài xung đột đến khi họ đạt được các mục tiêu của mình.
Lực lượng Nga có thể cố gắng tấn công trở lại toàn bộ mặt trận, ít nhất là bảo vệ toàn bộ khu vực Donbass. Ukraine có thể sẽ cố gắng khai thác thành công mà nước này đã đạt được trong việc tái lập quyền kiểm soát phía tây biển Đen và hành lang thương mại quan trọng tới eo biển Bosphorus.
Diễn biến quân sự của cuộc chiến này vào năm 2024 sẽ được xác định ở Moskva, Kiev, Washington, Brussels, Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng nhiều hơn ở Avdiivka, Tokmak, Kramatorsk hay bất kỳ chiến trường bị tàn phá nào dọc tiền tuyến.
Nga thiếu khả năng đột phá tạo nên sự thay đổi để mở rộng vùng kiểm soát ở Ukraine và sẽ làm những gì có thể để giữ vững những gì họ đang chiếm giữ, tranh thủ thời gian để tăng cường phòng thủ trong khi mong phương Tây mất đi động lực tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Nhưng Ukraine sẽ không dừng lại, đây là cuộc chiến sinh tồn và họ hiểu Nga sẽ làm gì nếu Kiev bỏ cuộc. Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu nói về sự cần thiết phải tăng cường viện trợ trước những lo ngại rằng Mỹ đang suy yếu quyết tâm của mình.