Xúc động lời hỏi thăm sức khoẻ anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy của cựu binh Mỹ

Biết tin anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy lâm bệnh nặng, nhiều cựu phi công Mỹ đã lo lắng gửi điện hỏi thăm, nhờ Trung tướng Phạm Phú Thái đăng lên Facebook.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái - nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, sau khi biết tin cụ Nguyễn Văn Bảy (84 tuổi, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ) đang lâm bệnh nặng, nhiều cựu phi công Mỹ đã lo lắng gửi lời hỏi thăm.

"Các cựu phi công Mỹ nghe tin anh Bảy của chúng ta lâm bệnh nặng đã gửi điện thăm hỏi và nhờ tôi đăng lên facebook", Trung tướng Phạm Phú Thái cho biết.

Sau đây là những lời nhắn thăm hỏi anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy từ Tây Bán cầu:

"Bảy, tôi rất lấy làm tiếc khi biết rằng ông đang không khỏe và phải nhập viện. Tôi hy vọng ông sẽ sớm cảm thấy tốt hơn và trở lại khỏe mạnh. Tôi nhớ rất rõ bữa ăn trưa tại trang trại (ngôi nhà nhỏ giữa đồng ruộng của cụ Bảy tại Đồng Tháp - PV) của ông và thông điệp ông nhờ tôi gửi cho Tướng Norman Gaddis đã nghỉ hưu.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (84 tuổi, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ) sống như một lão nông tại quê nghèo Đồng Tháp.

Khi trở về Hoa Kỳ, tôi đã đến thăm Tướng Gaddis tại nhà của ông ấy, cho ông ấy xem ảnh ông và truyền tải thông điệp của ông về sinh viên hàng không của ông. Ông ấy mỉm cười và nói rằng ông ấy rất vui vì bây giờ biết sự thật.

Tôi sẽ nhớ ông trong suy nghĩ và những lời cầu nguyện của tôi. Hãy chăm sóc bản thân và sớm khỏe lại. Trân trọng", David Vipperman - Hội cựu phi công Phantom Pilot.

"Lời nhắn này xin được gửi đến cho Nguyễn Văn Bảy: Bảy, tôi đã nghe thông tin rằng ông đang phải nhập viện. Tôi chỉ muốn cho ông biết rằng có một đội ngũ gồm các cựu phi công Hoa Kỳ đã gặp ông trong 4 năm qua tại các cuộc họp hòa giải. Chúng tôi tôn trọng ông, mong điều tốt nhất cho ông và gửi những lời chúc chân thành nhất của chúng tôi đến ông để phục hồi.

Kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, chắc chắn ông sẽ luôn đứng đầu trong các phi công của mọi thời đại. Nhưng những nỗ lực của ông trong hòa bình và hòa giải có thể còn quan trọng hơn nữa khi tình bạn giữa các nước chúng ta và giữa các đối thủ trước đây đã phát triển.

Biết ông, đối với bản thân tôi là một điều đặc biệt trong cuộc đời. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho ông những điều tốt lành", Rick Hartnack - cựu Thuyền trưởng USMC và người hỗ trợ F-4 với phi công Charlie Tutt.

"Gửi đến ông Nguyễn Văn Bảy, tôi rất tiếc được biết tin ông nhập viện. Mong ông nhanh chóng bình phục, mình còn lời hẹn lần tới tôi và ông sẽ so "râu" cơ mà? Tôi vẫn thường mặc chiếc áo thun in hình chụp chung của tôi với ông, mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ông. Trân trọng", Curt Dose. 

 Tin nhắn hỏi thăm sức khoẻ cụ Bảy từ các cựu phi công Mỹ.

"Xin chuyển đến bác Bảy lời hỏi thăm của tôi và con gái, mong bác phục hồi nhanh chóng, và chúng tôi luôn nghĩ đến bác", Kenneth Culverson.

"Gửi ông Nguyễn Văn Bảy: Bạn tôi còn quá trẻ mà, hãy cứ như lúc mình đang chiến đấu, chỉ cần thả mũi máy bay, thả hết mấy thứ nặng nề, tăng tốc lúc đang bẻ lái... vượt qua thật dễ dàng nhé bạn tôi. Tôi dành những lời cầu nguyện chân thành gửi đến ông và gia đình. Mong ông có thêm nhiều ngày trời trong xanh và an lành", H.L. Bodenhamer - Đại tá, USAF, Ret. 

Ngày 18/9, con trai anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cho biết, cụ Bảy đang cấp cứu tại Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM) do xuất huyết não.

"Cha tôi bị ngất xỉu khi đang làm vườn và được chuyển đến bệnh viện ngày 16/9. Hiện tại bác sỹ đang theo dõi, không cho người vào thăm. Bác sỹ chỉ nói bị xuất huyết não, đang trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm nên cần theo dõi đặc biệt", con trai cụ Bảy nói.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện quân y 175, cụ Bảy đang hôn mê, có hơn 200cc máu đọng trong não, chưa thể phẫu thuật và tiên lượng rất dè dặt.

Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi theo thứ tự nên dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển dần lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành lớp đào tạo, tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES. 

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. 

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009 gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nông.

 

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy nhập viện cấp cứu
Cần bao nhiêu tiền để học nghề phi công ở Việt Nam?
Phi công Mỹ phát hiện 40 người mắc kẹt
/ vtc.vn