Xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo mới dịp cuối năm

Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến mới trong thời gian gần đây.

Thông tin về bảo hiểm xã hội bị chỉnh sửa trên các trang tìm kiếm

Thông tin về bảo hiểm xã hội bị chỉnh sửa trên các trang tìm kiếm

1. Bẫy lừa “dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo”

Trên mạng xã hội Facebook gần đây liên tục xuất hiện các nhóm hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo. Tại đây, các thành viên trong nhóm công khai đăng quảng cáo cam kết và khẳng định sẽ hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo chuyển khoản cho những nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt.

Các đối tượng mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn... Sau khi thuyết phục và lấy lòng tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền dưới dạng phí hệ thống, phí pháp lý, hoặc bất kỳ chi phí phát sinh nào khác.

Ngoài việc chiếm đoạt tiền, các đối tượng lừa đảo cũng thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.

2. Mạo danh doanh nghiệp lớn lừa đảo, tuyển dụng việc làm thu lợi bất chính

Theo NCSC, những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một số đối tượng đang lợi dụng thương hiệu, danh tiếng của PetroVietnam để để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua website giả mạo có địa chỉ phucloidaukhi.com.

Petrovietnam khẳng định chỉ có duy nhất một website: www.pvn.vn. Website phucloidaukhi.com đang sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của Petrovietnam; có dấu hiệu lợi dụng thương hiệu, uy tín của Petrovietnam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, Petrovietnam sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để xử lý hành vi lừa đảo này. 

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen, Navigos Group Vietnam, Vinmec (thuộc tập đoàn Vingroup) vừa cảnh báo về việc bị đối tượng xấu mạo danh thương hiệu tuyển dụng nhân viên, nhằm thu lợi bất chính.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải nhận thức được tính nghiêm trọng của lừa đảo trực tuyến, cảnh giác với các đường link và email lạ; nên kiểm tra kỹ địa chỉ URL của đường link và cài đặt phần mềm bảo mật.

Đặc biệt, tuyệt đối không được cung cấp thông tin các nhân trên các trang web không biết nguồn gốc. Nếu phát hiện trang web phishing, hãy báo cáo cho nhà cung cấp dịch vụ hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết.

Đồng thời, cần tỉnh táo trước các thông tin tuyển dụng tràn lan trên mạng, đặc biệt là lời đề nghị hấp dẫn, "việc nhẹ lương cao"; Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền (tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk...). Không nên truy cập trực tiếp theo những đường link nhận được mà thay vào đó hãy tìm kiếm bằng cách gõ trực tiếp tên của tổ chức vào cửa sổ trình duyệt.

3. Lừa đảo combo du lịch giá rẻ tới người dân và du khách dịp cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch cho các kỳ nghỉ lễ, Tết tăng lên đáng kể, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu sử dụng chiêu trò mạo danh thương hiệu, bán combo vé du lịch với giá siêu rẻ cùng lời mời chào vô cùng hấp dẫn.

Mới đây, hàng loạt các thông báo đến từ các công ty du lịch như: Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, Công ty cổ phần Công nghệ du lịch BestPrice, Công ty Du lịch TST Tourist... về việc bị đối tượng xấu giả mạo tên thương hiệu, lừa đảo người khác gây thiệt hại đến khách hàng và uy tín của công ty.

Theo đó, các đối tượng xấu dùng nhiều hình thức quảng cáo trên mạng xã hội để chào bán tour chương trình du lịch giá siêu hời, giả mạo nhân viên doanh nghiệp du lịch, phòng vé máy bay để đưa ra cam kết hợp đồng bao gồm thông tin, logo công ty cùng dấu mộc của Tổng giám đốc; đề nghị nạn nhân chuyển tiền cọc hoặc tiền vé vào số tài khoản giả rồi chiếm đoạt tài sản.

4. Lừa đảo khi thanh toán online

Trong nửa đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã triệt phá hàng loạt đường dây cá độ bóng đá trái phép sử dụng công nghệ cao thông qua các trang web giả mạo kèm link độc.

Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, với nhiều phương thức, thủ đoạn để qua mắt cơ quan chức năng, như các thành viên trong nhóm hoạt động khép kín, một số tham gia qua sự giới thiệu của người khác nên không biết mặt nhau, thanh toán tiền thắng thua hằng tuần bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng qua ví điện tử, đặc biệt là MoMo. Nhận biết được vấn đề, MoMo rà soát và thực hiện định danh, xác thực tài khoản ví điện tử theo quy định.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia các hội nhóm hay tổ chức đánh bạc online trái phép trên không gian mạng. Các cơ quan ban ngành cần thường xuyên kiểm tra các hoạt động, giao dịch trên không gian mạng; phát hiện, truy vết, triệt phá kịp thời các đường dây cờ bạc.

Các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân hàng cần phải tuân thủ chặt chẽ về quy trình cung cấp dịch vụ tín dụng; sàng lọc và phân loại khách hàng, đồng thời đảm bảo phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi khách hàng có hành vi phạm pháp.

5. Chỉnh sửa thông tin tìm kiếm về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lừa đảo

Tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng người dân bị lừa gọi vào hotline từ website tư vấn không chíh danh và bị tính cước 8.000 đồng/phút.

Nhận biết được tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã rà soát và phát hiện trên ứng dụng Google Maps, phần thông tin tổng đài đã bị sửa thành số 1900.9966.xx. Thông tin của các BHXH tỉnh thành khác cũng bị sửa.

Chiêu trò này của các đối tượng nhằm lừa đảo người dân/đơn vị có nhu cầu liên hệ giải quyết công việc, tư vấn chính sách BHXH, BHYT, tiếp nhận hồ sơ… qua số hotline giả để thu tiền cước điện thoại với giá cao. Hành vi này có thể gây ảnh hưởng, làm mất uy tín của ngành BHXH và giảm sút niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.

Do đó, người dân cần cảnh giác với các loại hình lừa đảo mới này, cần xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện chuyển tiền hay làm theo hướng dẫn của các đối tượng.

https://www.anninhthudo.vn/xuat-hien-nhieu-chieu-tro-lua-dao-moi-dip-cuoi-nam-post558443.antd

Vân Hằng / ANTD