Xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm, không thể là phép cộng cơ học đơn giản

Phó GS.TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, cần phải tính đến các yếu tố đặc thù về lịch sử và văn hóa khi xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

img-3323-3061-8819
Cần phải tính đến các yếu tố đặc thù về lịch sử và văn hóa khi xem xét sáp nhập quận Hoàn Kiếm

Thông tin quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp lại giai đoạn 2023 - 2025 đang khiến dư luận cả nước, đặc biệt người dân sinh sống ở Thủ đô hết sức quan tâm.

Cụ thể, theo kết quả rà soát, quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,347km2 (quy định đối với quận là 35 km2), quy mô dân số là 212.921 người (quy định 150.000 người). Đối chiếu quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt tiêu chuẩn về dân số nhưng không đạt tiêu chuẩn về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Không đồng tình với việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một đơn vị hành chính mới nào đó, anh Nguyễn Anh Vũ (Dã Tượng, Hoàn Kiếm) cho hay, trong 2 tiêu chí về dân số và diện tích thì tiêu chí dân số của Hoàn Kiếm đạt 100%, chỉ có tiêu chí diện tích là không đạt. Với mật độ dân số các yếu tố đặc thù của quận Hoàn Kiếm, quản lý vốn đã phức tạp, sáp nhập vào đâu cũng gây khó khăn.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Minh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn, mặc dù không sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhưng tôi cho rằng việc sáp nhập sẽ gây nhiều phiền toái, hệ lụy.

Hơn nữa, nếu đặt vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm thì sáp nhập như thế nào? Với quận Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng? Những quận này cũng là những quận nội đô lịch sử, không thể xóa được.

Trong khi đó, quận Đống Đa từng tách một phần thành quận Thanh Xuân, Ba Đình tách một phần thành quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng tách một phần thành Hoàng Mai, nếu cứ đặt ra việc tách ra, nhập vào sẽ rất phiền toái cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, Phó GS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, đối với thành phố Hà Nội, nếu áp dụng các tiêu chí theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, thì khó đảm báo được tiêu chí về diện tích. Tuy nhiên, đối với Hà Nội phải tính đến yếu tố đặc thù.

Đặc biệt, đối với quận Hoàn Kiếm, việc sắp xếp phải tính đến quy hoạch của khu vực phố cổ vì nó có giá trị văn hóa - lịch sử rất lâu đời, khu vực phố cũ có từ thời Pháp cũng như vậy.

Nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính không thể nằm ngoài chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng cần phải tính đến yếu tố cụ thể và yếu tố đặc thù, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh cho rằng, sáp nhập quận Hoàn Kiếm không đơn giản như việc sáp nhập 2 trường học vào với nhau. Chỉ riêng việc sáp nhập 2 trường với nhau lấy tên gì đã là một sự bàn luận lớn.

"Nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận bên cạnh thì lấy tên quận nào cũng là cả một vấn đề đặt ra. Vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời lại là trung tâm của Thủ đô, nên càng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng" - PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh nêu quan điểm.

Thực tế, thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm mới chỉ ở việc báo cáo rà soát ban đầu của Hà Nội. Để đưa ra quyết định cuối cùng, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.

Theo ANTĐ