Xem “Ngày xưa có một chuyện tình” để thổn thức về tình bạn, tình yêu

“Đáng yêu, nhẹ nhàng, tinh tế về tình yêu, tình bạn và sự trưởng thành” - đó là nhận xét của đạo diễn Kathy Uyên sau khi xem bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ra mắt bạn đọc từ năm 2016, tác phẩm văn học “Ngày xưa có một chuyện tình” là một trong những tựa sách best-seller (bán chạy nhất) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua 19 lần tái bản với hơn 180.000 cuốn. Câu chuyện tình tay ba giữa Vinh - Phúc - Miền ở miền quê thanh bình đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nay đã lên màn bạc với tài chuyển thể của biên kịch Nhi Bùi và Đỗ Hoa Trà.

Bộ ba nhân vật Vinh (Avin Lu), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng)

Bộ ba nhân vật Vinh (Avin Lu), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng)

Chuyện tình tay ba và hành trình trưởng thành

“Ngày xưa có một chuyện tình” được dẫn giải với các tuyến tự sự khác nhau từ Vinh, Phúc, Miền và tuyến tự sự cuối cùng là bé Su. Đây là cậu bé được sinh ra từ tình yêu giữa Phúc và Miền, song lại lớn lên trong hoàn cảnh éo le và được Vinh yêu thương, chăm sóc như con ruột khi Vinh và Miền nên duyên chồng vợ.

Vinh và Phúc thân thiết với nhau từ bé cho đến khi đi học. Còn Miền là “cô bé nhà bên, học chung một lớp” rất xinh xắn, thơ ngây, được Vinh và Phúc chú ý theo suốt chiều dài trưởng thành. Vinh nảy sinh rung động đầu đời với Miền, khổ nỗi lại rụt rè, “nhát gái” như hầu hết cậu học trò khác. Trong khi đó Phúc cũng dần có tình cảm với Miền và chính anh chàng điển trai, tư chất thông minh này mới là người may mắn được Miền trao cho nụ hôn đầu lẫn điều thiêng liêng, quý giá của thời thiếu nữ. Định mệnh khiến Phúc buộc phải rời xa làng quê đột ngột theo người cha. Trong khi đó Miền lại mang thai và sinh ra bé Su, chịu bao đau đớn tâm lý, khó nhọc trong cuộc sống. Nhưng may mắn cho cô là Vinh vẫn yêu và tỏ tình với Miền. Đôi bạn ngày xưa tiến tới hôn nhân, chung sống hạnh phúc và cùng nhau nuôi dạy bé Su.

Thế rồi sau nhiều năm, Phúc trở về gặp Miền. Do vẫn yêu cô và lại còn biết bé Su là con ruột của mình, Phúc bày tỏ ý muốn cùng Miền và Su đi đến nơi khác để “làm lại cuộc đời mới”. Vinh đau đớn khôn xiết khi thấy bạn cũ trở về và lại còn muốn giành lại người phụ nữ anh yêu nhất. Miền sẽ quyết định ra sao giữa một bên là Phúc - mối tình đầu sâu đậm, day dứt, và một bên là Vinh - người rất mực yêu thương và là chồng đúng nghĩa của cô? Liệu cô sẽ theo con tim, hay chọn lý trí?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng các diễn viên giao lưu tại Hà Nội ngày 24-10

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng các diễn viên giao lưu tại Hà Nội ngày 24-10

Nét đẹp cổ tích từ hình ảnh đến nội dung

Những khung hình duy mỹ, bức tranh miền quê thanh bình, nên thơ, không gian trường lớp, đường làng, nhà cổ, cánh đồng xanh mướt, dòng suối trong veo, nắng hè ngập tràn muôn nơi… đó là những ưu điểm “xuýt xoa” mà khán giả được tận hưởng khi xem “Ngày xưa có một chuyện tình”. Nét đẹp cũng đọng lại rất sâu ở chân dung nữ chính do Ngọc Xuân thể hiện, rất hợp vai từ ngoại hình “trong veo như gương” đến tính cách nhạy cảm, nội tâm trầm lắng nhưng cảm xúc ngầm mãnh liệt của nhân vật Miền. Nói như nhận xét của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là Ngọc Xuân/Miền “đẹp trong mọi khung hình”.

Phim “Ngày xưa có một chuyện tình” nhìn chung bám sát được nội dung truyện, lột tả được những điểm tích cực mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn truyền tải. Sự khéo léo trong dẫn dắt, những tình tiết nối nhau một cách dễ chịu, các diễn viên diễn xuất tự nhiên, trong trẻo đã đưa người xem hòa mình vào thế giới nên thơ và hành trình trưởng thành đáng yêu của nhân vật.

Bộ ba nhân vật Vinh - Phúc - Miền khi yêu lẫn thất tình đều trong trẻo, thuần khiết. Bộ phim khiến khán giả thổn thức nhiều về tình bạn, tình yêu và rời khỏi rạp trong tâm thế dễ chịu, yêu đời khi thấu hiểu rằng, một khi sự cao thượng lên ngôi thì dẫu chúng ta có những va vấp, éo le, đau khổ, mất mát thì cuộc đời này vẫn vô cùng đáng sống. “Nhiều nước mắt, tiếng cười… Một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ” - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ cảm xúc của ông khi xem “Ngày xưa có một chuyện tình”.

Sau khi có thể đã cười, đã khóc, đã rung động với bộ phim được Trịnh Đình Lê Minh thực hiện rất dịu dàng và tinh tế này, người xem có thể một lần nữa nhận ra rằng, trên đời luôn có những câu chuyện cổ tích cũng như tình yêu vô điều kiện. Nó là sự đáp đền xứng đáng với bất cứ ai đã đặt tình yêu, tình người lên trên cả bản thân.

Ngọc Xuân (sinh năm 1999) hóa thân nhân vật Miền thành công nhờ nét đẹp trong sáng
Ngọc Xuân (sinh năm 1999) hóa thân nhân vật Miền thành công nhờ nét đẹp trong sáng

“Ngày xưa có một chuyện tình” vừa có bầu không khí hoài niệm, cổ điển, gần gũi, vừa có sự kết nối đẹp đẽ giữa thiên nhiên và lối sống giản dị, chân chất của một thời chưa xa. Sự yêu thương, thay đổi tâm lý, hành xử giữa những gia đình, những bậc cha mẹ, anh chị, láng giềng… xung quanh Vinh, Phúc và Miền cũng tạo thành một tuyến truyện phụ họa hồn hậu, gây nhiều cảm mến.

Bên cạnh bộ ba Vinh (Avin Lu đóng), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) thì dàn diễn viên phụ như ông giáo Dưỡng (Tấn Thi), Mai Thế Hiệp (ông Sáu Thôi - cha của Miền), Kiều Trinh (mẹ của Miền) Ngân Quỳnh (bà Vọng), Xuân Nghị (cậu Huân), Rima Thanh Vy (Lụa - chị gái của Miền), Lê Công Hoàng (bạn trai của Lụa), Thanh Tú - Bảo Tiên - Hạo Khang (đóng vai Vinh, Miền và Phúc thuở bé)… đều thể hiện tròn vai.

Trung Nghĩa / ANTĐ