“Xé rào” xuống giống, nông dân ven biển thiệt hại trong vụ lúa đông xuân

Trong khi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trúng đậm vụ đông xuân , thì tại một số địa phương ven biển bị xâm nhập mặn, nông dân vẫn “xé rào” xuống giống, dẫn đến những thiệt hại nặng nề.

Những ngày qua, nông dân tại thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) chỉ biết bất lực nhìn những trà lúa ngoài đồng đang bị chết dần, khô héo. Những cánh đồng lúa xanh đã chuyển dần qua màu vàng úa, cháy khô trên bề mặt ruộng nứt nẻ.

Ông Hồng Văn Phương (xã Phước Hưng, huyện Trà Cú) cho biết: Những ngày qua, ông và bà con trong vùng đã rất nỗ lực cứu lúa, từ việc bơm nước đến rải thuốc…, nhưng tất cả đều không có tác dụng. “Để cứu lúa phải có nước ngọt, mà lấy nước ngọt ở các sông lúc này là điều trần ai”, ông Phương than thở.

xe rao xuong giong nong dan ven bien thiet hai trong vu lua dong xuan
Những cánh đồng lúa héo khô vì hạn mặn

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, thời điểm này đã có ít nhất 39.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại. Nỗi lo lớn nhất là diện tích lúa đông xuân được gieo sạ muộn vào tháng 1 năm nay, bởi đây là thời điểm gay gắt nhất của đợt hạn mặn lịch sử. Trước đó, dù Cục Trồng trọt đã khuyến cáo bà con không nên xuống giống vào thời điểm trên, nhưng vẫn có khoảng 65.000ha được xuống giống. Trong đó, ở Trà Vinh là 19.000ha, Sóc Trăng 21.000ha và Bạc Liêu 25.000ha.

Ông Lê Văn Hùng (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết, vụ đông xuân này, gia đình ông xuống giống 5 công lúa. Từ nhiều tháng qua, do không có nước tưới, nên cả cánh đồng khô cằn, lúa cũng chết dần chết mòn. “Vụ này, mỗi công đất tốn chi phí 700.000đ, cộng thêm công sức quần quật ngoài ruộng, giờ coi như mất trắng”, ông Hùng cho biết.

Ông Dương Khen (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) nói: “Những ngày qua, tui và bà con phải bơm nước mặn 3-4 phần ngàn để cứu lúa, nhưng không cứu được. Cánh đồng khoảng 1ha còn gần 1 tháng sẽ thu hoạch, nhưng biết trước sẽ thiệt hại 70%”.

Theo thống kê, những vùng được khuyến cáo “né” thời điểm gieo sạ hoặc không xuống giống lúa đông xuân đều là những vùng thiếu nước ngọt, thường xuyên bị mặn xâm nhập gay gắt. Tuy nhiên, dù được khuyến cáo nhưng người dân vẫn xuống giống.

Ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh - cho biết: Có thời điểm, trên địa bàn tỉnh còn 20.000ha lúa đông xuân chưa xuống giống. Tỉnh khuyến cáo bà con không nên xuống giống vì thiệt hại khó lường, nhưng người dân không nghe. Hiện tại, hạn mặn ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, số diện tích lúa bị thiệt hại được dự báo sẽ tăng lên từng ngày.

 

TRẦN LƯU

xe rao xuong giong nong dan ven bien thiet hai trong vu lua dong xuan Hạn mặn ở ĐBSCL và cả nước khi nào sẽ kết thúc?

Dự báo từ tháng 5, tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL mới dần được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào các yếu ...

xe rao xuong giong nong dan ven bien thiet hai trong vu lua dong xuan ĐBSCL: Mặn xâm nhập nghiêm trọng, vượt mức báo động

Tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, mặn đã xâm nhập sâu với mức độ nghiêm trọng, xấp xỉ với con số đo ...

/ laodong.vn