Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng trước lùm xùm việc đưa xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo ở cầu thang máy bay, những người liên quan cần lên tiếng trước công luận và nếu sai phải xin lỗi.
Liên quan đến vụ việc xe biển xanh đón khách tại cầu thang máy bay được cho là đón người nhà một lãnh đạo Bộ đang gây xôn xao dư luận, chia sẻ với VTC News, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, vì vậy cán bộ cần soi lại trách nhiệm của mình, xem mình có nêu gương hay chưa.
Nếu đã nêu gương thì là điều tốt, còn nếu thấy chưa đúng, làm chưa được, gây phản cảm và bị dư luận phản ảnh thì những người liên quan cần phải lên tiếng với công luận, phải trả lời công luận. Đặc biệt, nếu cán bộ lãnh đạo có sai phạm thì phải xin lỗi, để công chúng có thể cảm thông.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp.
- Cuối tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Từ đó đến nay, quy định này đã tạo ra những tác động thế nào, thưa ông?
Quy định về vấn đề nêu gương của cán bộ quản lý, của người đứng đầu là điều hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Trước đây đã có quy định vấn đề này rồi, thời gian gian đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định mới về trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề quản lý, đánh giá đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp vĩ mô.
Những quy định này để cho những cán bộ lãnh đạo có thể thể hiện được tấm gương trong sáng, trung thực, lành mạnh, giản dị và gần gũi với nhân dân. Được quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên tin tưởng, tín nhiệm vào vị ví trí lãnh đạo để thực hiện việc làm tốt cho người dân.
Các đồng chí lãnh đạo quản lý, các đồng chí đứng đầu bộ, ngành, Trung ương nêu gương trên tất cả các lĩnh vực, về đạo đức lối sống, mối quan hệ, về thực hiện nhiệm vụ của mình, đối xử với cán bộ cấp dưới của mình, đối xử với nhân dân thể hiện một tấm lòng trong sạch, trung thực sẽ tạo úy tín cho người dân, tạo úy tín cho cán bộ.
- Vì sao trong điều kiện hiện này, vấn đề nêu gương lại được đặc biệt quan tâm với những quy định cụ thể ở cấp cao như vậy, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đề ra những quy định như vậy. Bởi vì thời gian vừa qua có những cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao của Đảng, Nhà nước ở một số ngành như công an, quân đội, các ngành trong khối tư pháp, những người trực tiếp tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí lại có những vi phạm pháp luật về tham nhũng, về tinh thần trách nhiệm, về sử dụng quyền hạn trách nhiệm của mình để mang lại lợi ích riêng tư hoặc là lợi ích nhóm.
Chưa kể còn gia đình, thân nhân của họ, vợ, con, anh em, cha mẹ lợi dụng chức vụ quyền hạn của người thân để làm ăn phi pháp, vi phạm pháp luật, tạo một sự phản cảm, tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Người dân không hài lòng, đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý của mình hiện nay có một số bộ phận không nhỏ có những hành vi vi phạm pháp luật, có những lợi ích nhóm, tham ô lãng phí.
Tôi nghĩ rằng, Trung ương ban hành quy định như vậy đối với các cán bộ lãnh đạo trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, để thể hiện một tấm gương quyết liệt, để cán bộ công chức, viên chức noi theo.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo quản lý mà kể cả những người thân, vợ con cũng phải nêu gương, có một cuộc sống lành mạnh, giản dị để người dân thấy, nhìn vào mình và noi theo.
- Trách nhiệm nêu gương không chỉ ở cán bộ lãnh đạo mà còn là trách nhiệm của vợ con, người nhà lãnh đạo?
Ban Chấp hành Trung ương quy định rất rõ về việc những người thân không được lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng vị trí của cán bộ lãnh đạo, để phô trương, sống một cuộc sống xa hoa, xa rời người dân, sống như giới thượng lưu, đi ra ngoài lại thể hiện sự sang trọng, xa rời đối với người dân.
Tôi cho rằng, ngoài trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo quản lý như trong quy định, những người thân của những vị trí này cũng phải nhìn lại mình để thể hiện một tấm gương thực sự trong sáng, lành mạnh và gần gũi với người dân, để cho người dân thấy rằng, phu quân, phu nhân của mình, cha anh của mình có một vị trí quan trọng trong xã hội nhưng vẫn có sự tiếp xúc gần gũi, thể hiện tấm lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ đồng bào.
Như vậy, sẽ tạo uy tín cho người lãnh đạo và người dân biết được rằng, những người lãnh đạo quản lý có người thân như vậy thì có thể tin tưởng trong thể chế, trong chế độ mình hiện nay.
- Trong quy định của Ban Chấp hành Trung ương nêu rất rõ về trách nhiệm của người nhà, người thân lãnh đạo, tuy nhiên, thực tế vẫn có người thân lợi dụng vị trí của các vị lãnh đạo để hưởng lợi, thưa ông?
Theo tôi, hiện nay thực trạng này có chứ không phải không có, quy định của Đảng rất rạch ròi, rõ ràng và Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng mỗi lần hội nghị cũng đã có tổng kết, sơ kết và chỉ đạo rất rõ ràng, rành mạch trong vấn đề này.
Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý đến nơi đến chốn để đảm bảo luật pháp, thượng tôn pháp luật của đất nước và sự nghiêm minh của Đảng, xử lý những hành vi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý.
- Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một người nhà, được cho là vợ của một lãnh đạo một Bộ được ưu tiên dùng xe biển xanh đến đón tận cửa sân bay, thưa ông?.
Tôi nghĩ rằng ở sự việc này, trước tiên trách nhiệm thuộc về ngành hàng không. Phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không thì sự việc mới diễn ra, cho nên cơ quan quản lý nhà nước cần có sự rút kinh nghiệm.
Đây là một bài học rất quan trọng, quý báu vì nó đã gây ảnh hưởng và bức xúc đối với nhân dân.
Thân nhân của người giữ chức vụ quyền hạn cao mà được ưu tiên như vậy thì quy định về pháp luật của chúng ta, kỷ cương phép nước của ta làm sao mà giữ được.
Chưa kể việc an toàn hàng không sân bay cũng không được đảm bảo. Cần phải xử lý nghiêm khắc và trước hết là do sai sót, lơi lỏng của ngành hàng không.
Và vấn đề quan trọng ở đây là trách nhiệm nêu gương của vị lãnh đạo Bộ đó khi để cho người thân của mình sử dụng xe biển số xanh đến tận cầu thang máy bay để đón. Tôi nghĩ rằng đó là hành vi vi phạm, không đúng, cần nghiêm khắc kiểm điểm xử lý và trách nhiệm rõ ràng.
Người thân của lãnh đạo thì không có tiêu chuân đưa đón ở cầu thang máy bay, cái đó rõ ràng là không đúng, cho nên cần phải có sự lên tiếng, xin lỗi dư luận. ĐBQH Phạm Văn Hòa
- Theo ông, sự việc nên được xử lý theo hướng nào vì đến thời điểm này, vụ việc vẫn chưa thực sự sáng tỏ?
Tôi nghĩ quy định của Ban Chấp hành Trung ương về nêu gương như vậy thì bây giờ soi lại trách nhiệm của mình, xem mình có nêu gương hay chưa.
Nếu đã nêu gương thì là điều tốt, còn nếu vấn đề này mà thấy chưa đúng, làm chưa được, gây phản cảm và bị phản ánh như vậy thì tôi nghĩ rằng cũng cần phải lên tiếng với công luận, phải trả lời công luận.
Đặc biệt, nếu có sai phạm phải xin lỗi, để công chúng có sự hài lòng, có sự vị tha và có thể cảm thông.
Người thân của lãnh đạo thì không có tiêu chuân đưa đón ở đó, cái đó rõ ràng là không đúng, cho nên cũng cần phải có sự lên tiếng, xin lỗi dư luận.
- Vụ việc được chính các vị ĐBQH phát hiện và lên tiếng nên dư luận mới được biết, nếu không có lẽ sự việc đã diễn ra một cách bình thường như lâu nay vẫn vậy, thưa ông?
Đúng vậy, việc này diễn ra bình thường và diễn ra nhiều. Tôi cũng bất ngờ khi báo chí đăng tải thông tin vụ việc được các ĐBQH phản ánh và thấy rằng đây là một sự phản ánh rất chân tình, đầy trách nhiệm của vị đại biểu được người dân cử lên. Tôi cho rằng đây là hành động rất đúng và cần phải có sự phát huy.
Quy định rất rõ ràng, ai được tiêu chuẩn đưa đón tại cầu thang máy bay thì người đó được hưởng, còn ngoài tiêu chuẩn đó thì không được hưởng, rất rõ ràng.
Cũng có thể vị lãnh đạo đó thấy sự việc bình thường, trước đó thân nhân các vị lãnh đạo khác cũng làm như vậy nên nghĩ rằng tới thân nhân mình cũng được.
Sự việc có thể đã là một cái tiền lệ kéo dài, trước đó, hiện tại và sau này vẫn sẽ như thế. Bởi vậy, tôi nói trách nhiệm của ngành hành không là trước tiên, sau đó là trách nhiệm của người nhà vị lãnh đạo và cuối cùng chính là trách nhiệm của chính vị lãnh đạo đó.
- Như ông vừa nói, có phải những việc như này đã trở thành thói quen, thậm chí thành “văn hóa”, ăn sâu vào nhận thức của nhiều lãnh đạo và người thân lãnh đạo nên khó thay đổi?
Đây là vấn đề văn hóa, nhân văn nhưng đâu có thể nào như thế được. Đừng nghĩ rằng phu quân, phu nhân, cha mẹ mình được một vị trí chức vụ như vậy thì mình có quyền hưởng đặc quyền đặc lợi như thế.
Tại sao những người khác không được hưởng người ta chấp hành các quy trình thủ tục rõ ràng cặn kẽ, đằng này mình lại được cái đặc quyền, đặc ân như thế thì không thể nào chấp nhận được. Nếu tôi phát hiện tôi cũng phản ánh ngay lập tức.
Sự việc xảy ra là điều đáng tiếc, lẽ ra nó không nên xảy ra và mong rằng sau này sẽ không có những trường hợp tái diễn như thế nữa.
- Như vậy, phải làm thế nào để những quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương đi vào thực tiễn, thưa ông?
Đã là quy định được ban hành rồi thì tất cả các đồng chí lãnh đạo phải chấp hành nghiêm túc, nghiêm minh, điều đó thể hiện sự thượng tôn pháp luật, quy định của Đảng đối với các cán bộ đảng viên.
Còn nếu ai vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý để làm gương và để thể hiện tính nghiêm minh quy định của Đảng.
Xe biển xanh đón khách tại cầu thang máy bay: Đại diện Bộ Công Thương vòng vo, né tránh báo chí
Bộ Công thương vẫn im lặng trước thông tin xe biển số xanh ưu tiên vào khu vực hạn chế chân cầu thang máy bay ... |
Thật - giả xe biển xanh
Dùng xe vào nhà hàng ăn nhậu, vô tư vi phạm luật giao thông nhưng không bị xử lý… Những chiếc xe biển xanh giả ... |
Đi ngược chiều, xe biển xanh bị ép lùi hàng trăm mét ở Hà Nội
(VTC News) - Xe ô tô biển xanh đi ngược chiều bị ô tô khác ép phải đi giật lùi hàng trăm mét trên đường ... |