Xây “đường băng” cho kinh tế cất cánh

Nếu nguồn vốn là “nhiên liệu”, thể chế là “đường băng”, thì tư duy chính là “động cơ” cho đổi mới sáng tạo cất cánh. Đặc biệt, quyết tâm chuyển đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, NHNN cùng toàn ngành Ngân hàng đang “sát cánh”, đồng hành với doanh nghiệp, người dân và đất nước trong giai đoạn nước rút hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.

Đổi mới sáng tạo bắt nguồn từ tư duy đột phá

Một ví dụ điển hình cho tinh thần đó là động thái mạnh mẽ của NHNN Việt Nam khi triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng ưu đãi cho các dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược. Đây là một bước đi tiên phong đưa tư tưởng lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào đời sống kinh tế thực tiễn và cuộc sống. Đồng thời, thể hiện rõ một tư duy quản trị: Nhà nước kiến tạo, đồng hành và tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo thực sự bứt phá.

Điểm đột phá của gói tín dụng không chỉ ở nguồn lực, mà ở tư duy thiết kế chính sách không dùng nguồn lực ngân sách hoặc chính sách hỗ trợ gián tiếp mà thay vào đó là 21 ngân hàng cùng doanh nghiệp “gánh vác” quá trình đổi mới. Điều này tạo ra sự gắn kết, trách nhiệm và thúc đẩy kiểm soát chất lượng đầu tư hiệu quả hơn. Các dự án trọng điểm, chiến lược trong lĩnh vực công nghệ, hạ tầng, số hóa sẽ được ưu tiên. Đặc biệt, những lĩnh vực mang tính nền tảng như sản xuất thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện lưới, logistics thông minh sẽ trở thành trục xoay đầu tư trong vòng quay phát triển mới của nền kinh tế số.

Phát biểu tại sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025 hồi cuối tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Tôi thực sự là xúc động khi thấy đồng chí làm được việc này trong một thời gian ngắn”. Ông phân tích để thực hiện Nghị quyết 57, cũng như xây dựng hạ tầng, 500.000 tỷ đồng chưa thấm vào đâu cả. Nhưng đó là tấm lòng của ngành Ngân hàng, thể hiện sự đóng góp của ngành Ngân hàng cho phát triển đất nước nhanh và bền vững. “Với các công trình hạ tầng cao tốc, có nguồn vốn với lãi suất ưu đãi này thì nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực, tâm huyết, động lực, an tâm đầu tư. Từ đó, chúng ta sẽ thu hút thêm nhiều nguồn vốn khác, tạo thêm việc làm cho người lao động không chỉ trong ngành giao thông, xây dựng mà còn cho cả các ngành khác”, ông phân tích và nhấn mạnh “Đạo đức kinh doanh, tình dân tộc nghĩa đồng bào giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hỗ trợ chính sách tiền tệ là ở chỗ này”.

Đặc biệt, ngày 27/6/2025 việc Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD với việc luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được xem là một bước đột phá pháp lý đúng lúc, giúp giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng. Luật sửa đổi không chỉ hợp thức hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm, mà còn mở đường cho cá nhân, tổ chức mua bán nợ minh bạch, với thủ tục rút gọn và quyền tiếp cận tài sản thế chấp được kế thừa đầy đủ. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, hoặc đang thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được hưởng lợi đáng kể, từ đó có dư địa giảm lãi suất, mở rộng tín dụng và nâng cao chất lượng tài sản mở đường cho dòng vốn vận hành thông suốt trong nền kinh tế, với chi phí hợp lý nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – nhóm doanh nghiệp chủ lực trong các hệ sinh thái đổi mới.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Để đổi mới trở thành quốc sách bền vững

Đó chỉ là một vài nét chấm phá trong tiến trình tổng thể về cải cách hành chính (CCHC), trong đó có cải cách thể chế mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Thống đốc NHNN. CCHC luôn được NHNN xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được dẫn dắt bằng tư duy quản lý điều hành mang tính hệ thống – chủ động, sáng tạo, vì mục tiêu phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, trong năm 2025, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện kế hoạch cải cách hành chính (Quyết định số

2889/QĐ-NHNN), ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã tập trung chỉ đạo NHNN tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả trên 6 lĩnh vực CCHC theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của NHNN theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Những cải cách này có thể thấy rõ từ việc phương thức chỉ đạo, điều hành của NHNN tiếp tục tập trung cải cách, đổi mới, hiện đại hóa dựa trên ứng dụng hiệu quả công nghệ số, dữ liệu số gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tích cực, lành mạnh, công bằng cho các TCTD và người dân tiếp tục được hoàn thiện thông qua công tác cải cách thể chế. Trong đó, NHNN chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì xây dựng, bảo đảm đúng tiến độ. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

6 tháng đầu năm 2025, NHNN tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD để luật hoá một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14; Tiến hành tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, tham vấn của các cơ quan, tổ chức và hoàn thiện hồ sơ chính sách xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi) theo quy định.

NHNN đã trình Chính phủ ban hành 05 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 19 Thông tư. Trong đó, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là văn bản quan trọng có tính cải cách mạnh mẽ, tạo khuôn khổ pháp lý mang tính đột phá, tạo cơ hội kinh doanh thông qua các mô hình ngân hàng số, tài chính xanh, công nghệ chuỗi khối… hoạt động trong khuôn khổ kiểm soát rủi ro.

Cũng trong 6 tháng đầu năm. NHNN đã kịp thời ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2025 của NHNN Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Đồng thời phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN năm 2025 và giao cho các đơn vị vụ, cục có liên quan thực thi. Phấn đấu mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của đơn vị; 100% TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện trực tuyến, đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

NHNN hướng dẫn các đơn vị giải quyết TTHC kiện toàn Bộ phận một cửa sau khi sắp xếp bộ máy, bảo đảm duy trì sự ổn định, liên tục, thông suốt, hiệu quả không bị gián đoạn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh việc tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Tiến trình CCHC của NHNN được kỳ vọng có những bước bứt phá mới trong thời gian tới với việc NHNN đang rà soát, cập nhật hoặc thay thế Kiến trúc Chính phủ điện tử của NHNN theo Khung Kiến trúc Chính phủ số do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Cùng với đó là việc toàn ngành đang tập trung hiện thực hóa Đề án chuyển đổi số của NHNN Việt Nam triển khai tiện ích cốt lõi phát triển ngành Ngân hàng (Quyế́t định số 67/QĐ-NHNN ngày 8/1/2025), bảo đảm kết nối với Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ (Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 05/03/2025). Trong đó cùng với việc gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với chuyển đổi số, triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai Đề án 06 là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thống đốc NHNN “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển” làm nền tảng thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường.

https://thoibaonganhang.vn/xay-duong-bang-cho-kinh-te-cat-canh-166984.html

Minh Ngọc / thoibaonganhang.vn