Yêu cầu minh bạch chi phí toàn dự án chính là cơ sở để xác định vị trí đặt BOT, là tiêu chí xây dựng phức phí, thời gian thu phí...
Không thể coi BOT là cái quỹ giữ tiền...
Về chỉ đạo yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính phải phối hợp khẩn trương nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm BOT, trong đó nghiên cứu, đánh giá sự hợp lý, cơ sở khoa học của quy định khoảng cách giữa 2 trạm BOT, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ông đã từng nhiều lần chỉ rõ những bất cập liên quan tới chủ trương này.
BOT bao phủ dày đặc các tuyến quốc lộ. Ảnh: VnExpress |
Trước hết, ông khẳng định rất đồng tình với nhận định cho rằng BOT là một trong những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực. Rất đáng tiếc, từ một chủ trương rất đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện, BOT đã bị biến tướng, trở thành cái quỹ của một nhóm lợi ích để họ chia nhau.
"Nhiều người đã nói, rút tiền ở BOT là dễ dàng nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, rút mà không ai biết gì. Tôi gọi đó là tham nhũng một cách tinh vi, khôn khéo và đã được hợp pháp hóa".
Vị chuyên gia khẳng định lại, chủ trương thu hút, tận dụng nguồn kinh phí từ tư nhân để xây dựng, phát triển hạ tầng, nhất là với những tuyến giao thông mới là chủ trương rất đúng đắn, cần phải phát huy. Tuy nhiên, ông lưu ý, nếu coi chủ trương trên như một phương án nhằm thương mại hóa các tuyến đường giao thông huyết mạch quốc gia là không được phép.
Cụ thể, ngay tại tuyến QL1 được coi là trục giao thông huyết mạch, được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhằm kết nối giao thông từ Bắc vào Nam. Trong nhiều năm qua, kinh phí nâng cấp, sửa chữa tuyến đường đều sử dụng từ nguồn thuế của dân. Thời gian gần đây đã có chủ trương cho tư nhân tham gia nâng cấp, cải tạo rồi thu phí, đây là điều bất hợp lý.
Ông Thủy nói thẳng, "không thể coi người dân là cái túi đựng tiền để doanh nghiệp muốn rút là được".
Do đó, vị chuyên gia cho rằng để xác định được tiêu chí đặt BOT cần phải dựa trên lợi ích hài hòa giữa các bên, không thể chỉ đứng trên lợi ích của doanh nghiệp mà có thể tùy tiện đặt BOT.
"Thứ nhất, về yêu cầu xác định quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ. Song song với tuyến đường BOT, phải có một tuyền quốc lộ khác để cho người dân có cơ hội lựa chọn. Quyết định đi BOT với tốc độ nhanh, đường tốt phí cao hay đi đường quốc lộ cũ, đường xấu nhưng phí thấp phải là do người dân quyết định chứ không phải chủ đầu tư đứng ra lựa chọn thay.
Việc bịt các tuyến đường tránh, ép dân đi vào BOT để thu phí cao là bất hợp lý, không được phép.
Thứ hai, là vị trí đặt trạm BOT. Việc xác định cơ sở, khoảng cách đặt các trạm BOT là rất quan trọng. Khoảng cách giữa các trạm BOT là 60km hay 70km phải dựa trên những tính toán chi phí tổng thể toàn dự án. Cụ thể là tổng mức chi phí đầu tư cho dự án chính xác là bao nhiêu, khả năng thu hồi vốn, thời gian thu hồi vốn như thế nào? Lợi nhuận của chủ đầu tư cũng như sự thuận lợi của người dân được tính toán ra sao...?
Thứ ba, phải minh bạch mọi chi phí làm cơ sở xác định thời gian thu phí và mức thu phí cho dự án.
Thứ tư, phải khẩn trương áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC). Áp dụng công nghệ này rất đơn giản, nhanh gọn để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Hiện nay, tôi thấy đang có biểu hiện cố ý kéo dài, chây ì không áp dụng hình thức thu phí ETC, việc này cần phải được xem xét".
Vì vậy, ông Thủy cho rằng yêu cầu minh bạch chi phí toàn dự án chính là cơ sở để xác định vị trí đặt BOT, là tiêu chí xây dựng phức phí, thời gian thu phí...
Không thể lặng lẽ rút lui
Trở lại chỉ đạo của Chính phủ, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, bên cạnh yêu cầu rà soát, nghiên cứu, xử lý những tồn tại bất cập tại các trạm BOT thì cũng cần phải đặt vấn đề về trách nhiệm tại những dự án trên.
Ông cho biết, Chính phủ có thể giao cho Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT nghiên cứu, đánh giá sự hợp lý, cơ sở khoa học của quy định khoảng cách giữa 2 trạm BOT, cũng như các cơ sở xác định mức phí, thời gian thu phí của từng trạm BOT. Bên cạnh đó, là về vị trí đặt BOT cũng phải được cân nhắc, tính toán, xem xét kỹ lưỡng.
"Có thể khuyến khích mỗi bộ đưa ra một đề án độc lập và Hội đồng đánh giá là đại diện của cả phía doanh nghiệp, nhà nước và người dân để đảm bảo tính khách quan", ông Thủy nói.
Nhưng vấn đề quan trọng theo vị chuyên gia là phải xử lý dứt điểm những sai phạm đã tồn tại. Ông Thủy nhấn mạnh, ai làm sai phải được xử lý nghiêm minh, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.
"Rất nhiều những dự án BOT có sai phạm phải được rà soát, chỉ đạo xử lý trách nhiệm thật nghiêm, không thể tạo tiền lệ "sai cũng không sao". Đối với những trạm BOT thu sai, thu không đúng, không đảm bảo khoảng cách, ép dân phải đi thì cần có thái độ kiến quyết xóa bỏ. Thậm chí còn phải bồi thường, xin lỗi người dân".
Cần phải đặt câu hỏi: Vì sao ở Nhật bản chỉ cần tăng giá bán một que kem lên 10 yên mà lãnh đạo Nhật Bản phải cúi gập đầu xin lỗi. Việt Nam cũng cần phải học hỏi văn hóa ứng xử văn minh của người Nhật, không thể để tiếp tục tình trạng khi làm thì tung hê, ầm ĩ nhưng khi mắc sai phạm lại lặng lẽ rút lui, không một lời giải thích, không một lời xin lỗi là không chấp nhận được", vị chuyên gia thẳng thắn.
Dùng tiền lẻ trả phí BOT Biên Hòa: Mời thêm tài xế để làm việc
Một số tài xế tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhận được thư mời lên làm việc của phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, ... |
BOT giao thông: Đi bao nhiêu, thu bấy nhiêu!
Nói về những lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của ... |
Xây dựng tiêu chí đặt BOT: "Họ cố ý làm sai"?
Chỉ khi nào chỉ ra được những lỗ hổng tiêu cực, tham nhũng trong BOT thì khi đó mới chống được tiêu cực, tham nhũng ... |
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-dung-tieu-chi-bot-ai-sai-phai-boi-thuong-xin-loi-3345354/)