Xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cấp cao: Cần lấy ý kiến rộng rãi

“Hiện nay ngân sách Nhà nước chưa phải dồi dào. Chúng ta còn phải phát hành trái phiếu, nợ công vẫn đang ở mức cao. Tình hình như vậy lại đi xây dựng nghĩa trang tiêu tốn khoản tiền 1.400 tỷ đồng thì nghe chừng chưa ổn, có thể người dân sẽ không bằng lòng”, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

xay dung nghia trang cho can bo cap cao can lay y kien rong rai
Phối cảnh nghĩa trang 1.400 tỷ đồng sẽ xây dựng tại huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội.

Không cần diện tích quá rộng

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, ở các nước cũng có nghĩa trang cấp quốc gia, có nước gọi là điện thờ, đền thờ như ở Pháp có điện Panthéon, ở Trung Quốc có Bát Bảo Sơn. “Tuy nhiên rất ít người được đưa vào đó, bởi vì nghĩa trang cấp quốc gia có mục đích để tôn vinh những người có công lao với quốc gia, không phải là chế độ, người nào đáng tôn vinh thì đưa vào dù là người dân thường hay cán bộ cấp cao”, TS Liêm cho biết.

“Nghĩa trang để tôn vinh thì không thể nhiều được, như trường hợp dự án nghĩa trang Yên Trung nghe nói mấy nghìn ngôi mộ thì dân biết người nào được tôn vinh. Đã là nghĩa trang để tôn vinh thì không cần phải làm rộng để tốn kém (tốn đất, tốn tiền, tốn công chăm sóc bảo vệ)”, TS Liêm bày tỏ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, nếu có làm thì không cần diện tích rộng. “Hiện nay ngân sách nhà nước cũng chưa phải dồi dào. Chúng ta còn phải phát hành trái phiếu, nợ công vẫn đang ở mức cao. Tình hình như vậy lại đi xây nghĩa trang cho những người có chức vụ cao tiêu tốn khoản tiền 1.400 tỷ đồng nghe chừng không ổn, có thể người dân sẽ không bằng lòng. Qua theo dõi tôi thấy dư luận xã hội chưa đồng tình nhiều với việc này. Tôi mong Quốc hội cũng nên có ý kiến”, TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Cần điều tra xã hội học, lấy ý kiến rộng rãi

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay: Việc xây dựng nghĩa trang cho những vị lãnh đạo cao cấp nhất, xin nói là cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, các anh hùng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp tới 1.400 tỷ đồng tiền ngân sách cần cân nhắc. “Người lãnh đạo khi về nghỉ hưu cũng là dân, lúc làm việc thay mặt cho nhân dân, khi quyết định vấn đề gì cũng phải được người dân ủng hộ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

TS Phạm Sỹ Liêm cũng đồng tình khi cho rằng: “Chế độ cho cán bộ cấp cao cái gì cần đưa vào lương thì tính cả vào, cán bộ khi về hưu thì hưởng chế độ hưu trí, khi qua đời gia đình chôn cất hoặc đi hỏa táng như mọi người”.

Theo TS Liêm, Chính phủ chỉ cần có quy định, những người nào thuộc diện được tổ chức tang lễ cấp Nhà nước, còn việc an táng ở đâu nên để gia đình lo. “Phong tục của người Việt Nam hầu như ai cũng muốn khi qua đời được chôn gần mộ của bố mẹ, gia đình, tổ tiên, như vậy vừa gần gũi, vừa ấm cúng”, ông Liêm nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, có những lãnh đạo cao cấp từng nói với ông khi qua đời họ không thích được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội vì sợ xa cách những người thân đã quá cố trong gia đình. “Nói như vậy để những người có trọng trách trong việc này cần phải xem xét, tham khảo các ý kiến trước khi quyết định triển khai”, đại biểu Nhưỡng nói.

TS Phạm Sỹ Liêm cũng có chung quan điểm với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi ông cho rằng việc này cần phải được điều tra xã hội học, lấy ý kiến rộng rãi.

xay dung nghia trang cho can bo cap cao can lay y kien rong rai

Xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng: Lãng phí, chưa cần thiết!

Nợ công cao, người dân còn nghèo, bệnh viện quá tải, cầu đường xuống cấp…, có cần thiết lấy 1.400 tỉ đồng ngân sách để ...

xay dung nghia trang cho can bo cap cao can lay y kien rong rai

Hà Nội xây nghĩa trang 14.000 tỷ dành cho cán bộ cấp cao

Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha là nơi an nghỉ, khu tưởng niệm lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, các anh hùng... của ...

http://danviet.vn/tin-tuc/xay-dung-nghia-trang-cho-can-bo-cap-cao-can-lay-y-kien-rong-rai-847097.html

/ Dân Việt