Xây bảo tàng nghìn tỉ mà không có tính giáo dục thì chẳng khác cái kho!

Theo PGS-TS Lưu Anh Hùng - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nếu thiếu tính giáo dục, thì bảo tàng dù có nhiều hiện vật, hiện đại đến mấy, cũng chỉ là cái kho.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được đánh giá là một trong số ít bảo tàng ở Việt Nam hiện nay đang phát huy tốt chức năng giáo dục, bảo tồn văn hóa và lưu giữ hiện vật. Ảnh: Bích Hà

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự án "siêu bảo tàng" hơn 11.000 tỉ đồng mà Bộ Xây dựng đang kêu cứu, giậm chân tại chỗ do không có tiền.

Dự án này được khởi động xây dựng từ năm 2014, tuy nhiên, do việc bố trí nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, nên phải nhiều lần giãn tiến độ. Từ đầu năm 2017, dự án tiếp tục được triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay đang bị dừng hoàn toàn do không được bố trí vốn.

Còn nhớ, năm 2012, khi dự án này được đề xuất, dư luận xã hội cũng có những tranh cãi, cho rằng không nên xây dựng. Những ngày qua, vấn đề này một lần nữa được “xới” lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết, nhưng không phải lúc này, để tránh lãng phí ngân sách trong khi đất nước còn khó khăn. Hơn nữa, Việt Nam đang có khá nhiều bảo tàng hoạt động không hiệu quả, thưa vắng khách tới thăm, nên tập trung vào đầu tư, phát huy giá trị, công năng của những bảo tàng đã có, thay vì xây mới.

Một luồng quan điểm khác lại cho rằng, chức năng của bảo tàng là lưu giữ hiện vật. Mà hiện vật chính là tài sản vô giá của dân tộc, nếu không có nơi lưu giữ và bảo quản tốt, điều đó mới là lãng phí.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, PGS-TS Lưu Anh Hùng - nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cho rằng, câu chuyện hệ thống bảo tàng đìu hiu, vắng khách, sử dụng chưa hiệu quả là có thật, không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước. Vấn đề này đã được nói rất nhiều, đến nỗi cứ có đơn vị nào đề xuất xây bảo tàng mới là bị dân phản ứng.

“Theo tôi, điều cần nhất hiện nay là nên tìm cách để cứu các bảo tàng hiện có khỏi cảnh đìu hiu. Nếu bảo tàng chỉ là nơi lưu giữ hiện vật thì chỉ là cái kho, không phát huy được công năng của bảo tàng.

Hơn nữa, nếu chỉ giữ hiện vật trong kho, không mang đi trưng bày và tìm cách để đón khách tới thăm, thì sẽ không phát huy được tính giáo dục của hiện vật. Mà theo Tổ chức Bảo tàng thế giới, chức năng chính của bảo tàng là tính giáo dục. Đây là chức năng tiên phong, quyết định việc bảo tàng đó hoạt động hiệu quả hay không” – PGS-TS Lưu Anh Hùng khẳng định.

Cũng theo PGS Hùng, nếu bảo tàng nào ít khách thăm quan, thì chứng tỏ chức năng giáo dục của nó không cao. Vì thế trước khi xây dựng một bảo tàng mới, chưa biết hiện đại thế nào, nhiều tiền ra sao, nhất thiết phải bàn tính kỹ nội dung trưng bày là gì, có giúp phát huy được tính giáo dục của các hiện vật hay không, chứ không nên xây lấy được, xây cho có.

(https://laodong.vn/xa-hoi/xay-bao-tang-nghin-ti-ma-khong-co-tinh-giao-duc-thi-chang-khac-cai-kho-563617.ldo)

/ Theo Đặng Chung/Báo Lao động