Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, hiện các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn mới đáp ứng được hơn 30% nhu xầu xăng dầu trong nước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, xăng dầu tiếp tục là một trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trị giá xăng dầu nhập khẩu tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2019 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2019 Việt Nam chi 1,51 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu, giảm 0,97 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, tính chung trong quý I/2019, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu chỉ đạt 2,08 triệu tấn, tương đương trị giá 1,23 tỷ USD, giảm 40,4% về lượng và giảm mạnh 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân khiến lượng xăng dầu nhập khẩu sụt giảm từ đầu năm đến nay, theo các chuyên gia kinh tế, là do các doanh nghiệp trong nước sử dụng xăng dầu sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà nhiều ý kiến băn khoăn, một số nhà máy lọc hóa dầu trong nước đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định giúp đảm bảo nguồn cung, giảm lượng xăng dầu nhập khẩu nhưng giá xăng bán ra cho người tiêu dùng thời gian qua vẫn tăng liên tiếp và được giải thích là tăng theo giá thế giới.
Về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, giá xăng Việt Nam hiện nay không cao bằng thế giới và đó là nhờ các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất.
"Hai nhà máy Nghi Sơn, Dung Quất đã đỡ được rất nhiều, hiện lượng xăng dầu hai nhà máy này cung cấp cho thị trường đã giải quyết được hơn 30% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu và việc này Petrolimex thực hiện", ông Ngãi cho biết.
Tuy nhiên, giá xăng dầu Việt Nam vẫn phải tuân theo giá thị trường thế giới, theo vị chuyên gia, là vì có liên quan đến cơ cấu nguồn nguyên liệu của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước.
Các nhà máy lọc dầu của Việt Nam phải nhập dầu thô về để chế biến
Theo đó, nhà máy Nghi Sơn phải nhập 100% dầu thô để chế biến, còn cơ cấu nhiên liệu của nhà máy Dung Quất cũng không phải như trước nữa.
Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động, nhà máy Dung Quất sử dụng 100% dầu ngọt từ mỏ Bạch Hổ là dầu chất lượng cao, nhưng sau đó dầu Bạch Hổ giảm nên Dung Quất phải nhập khẩu thêm dầu của các nước khác về để chế biến.
Hiện nay, nguồn cung trong nước cho nhà máy Dung Quất (từ mỏ dầu Bạch Hổ -PV) chỉ chiếm 30%, còn lại 70% Dung Quất phải nhập khẩu dầu chua từ các nước Trung Đông về để chế biến.
"Vì Việt Nam vẫn phải nhập dầu thô nhiều, cộng với chi phí vận chuyển và các loại thuế, phí khác nên giá xăng bán ra thị trường cho người tiêu dùng bắt buộc phải tuân theo giá thế giới", ông Trần Viết Ngãi giải thích.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khi tính giá xăng, cơ quan quản lý đã tính tỷ lệ xăng trong nước là bao nhiêu, còn phần nhập khẩu thì theo giá chung của thị trường. Do đó, giá xăng của Dung Quất rẻ hơn giá của Petrolimex.
Trước băn khoăn một trong những mục tiêu được đặt ra khi xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam là đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa, không phải nhập khẩu và làm cho giá xăng dầu trong nước không còn chịu tác động của giá thế giới, nhưng đến nay dường như mục tiêu này chưa thể thực hiện, ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh: "Ở đâu cũng phải theo thị trường, quan trọng là chúng ta chủ động được nguồn, tạo ra các sản phẩm hóa dầu mang lại giá trị gia tăng lớn như hạt polymer, các loại sợi, nhựa đường... Tuy nhiên, bước này các nhà máy lọc dầu của Việt Nam chưa làm được, đó là công nghệ mới, cần nhiều vốn đầu tư hơn nữa.
Hiện sản phẩm của nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn là sản phẩm của lọc dầu (xăng, dầu) cho giá trị không lớn.
Để làm ra các sản phẩm hóa dầu, riêng Dung Quất phải đầu tư 9-10 tỷ USD nữa. Nhà máy cũng đang hợp tác với nước ngoài nhưng đang trong giai đoạn triển khai, chưa ra sản phẩm được", Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thông tin.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bị lạm chi" Việc tiếp tục xả Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ khiến quỹ này bội chi, gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng ... |
Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật thông tin giá điện, xăng dầu Hơn 40 thông tin, tài liệu được đề xuất đưa vào diện mật, tối mật của ngành Công Thương. |