Xăng dầu lãi to, Petrolimex trả cổ tức lớn chưa từng có

Tỷ lệ trả cổ tức năm 2016 là lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Petrolimex bắt đầu chi trả cổ tức năm 2016 cho các cổ đông với tỷ lệ 32,24%/mệnh giá.

Cụ thể, cổ đông hiện hữu của Petrolimex đang nắm giữ cổ phiếu Petrolimex (mã chứng khoán PLX) sẽ được nhận cổ tức năm 2016 là 3.224 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, với hơn 1,158 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, Petrolimex sẽ chi 3.736 tỷ đồng tiền mặt để trả tiền cổ tức năm 2016.

Theo Petrolimex, tỷ lệ trả cổ tức năm 2016 là lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Kinh doanh xăng dầu vẫn là mảng đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Petrolimex. Ảnh: VnExpress

Với tỷ lệ chi trả này, cổ đông lớn nhất của Petrolimex là Bộ Công thương với khối lượng sở hữu lên tới 981,68 triệu cổ phiếu PLX (tương đương 84,71% vốn cổ phần) sẽ thu về gần 3.165 tỷ đồng.

Còn cổ đông ngoại lớn nhất của Petrolimex là JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) sở hữu 103,5 triệu cổ phiếu PLX sẽ thu về 333,684 tỷ đồng.

Cổ phiếu PLX của Petrolimex mới được niêm yết trên HoSE từ ngày 21/4 vừa qua với giá tham chiếu 43.200 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch cuối ngày 25/8 vừa qua, cổ phiếu PLX đóng cửa ở mức giá 67.500 đồng/cổ phiếu, tăng 56% so với giá tham chiếu, tương đương vốn hóa thị trường của Petrolimex đã gần chạm ngưỡng 80.000 tỷ đồng.

Petrolimex trả cổ tức lớn nhất từ trước tới nay xuất phát từ việc làm ăn khấm khá của tập đoàn này, đặc biệt là mảng kinh doanh xăng dầu đang đem lại lãi lớn cho Petrolimex.

Lợi nhuận cao nhất từ buôn bán xăng dầu

Theo báo cáo tài chính quý II/2017 vừa được Petrolimex công bố, tổng doanh thu cuả tập đoàn đạt 74.250 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Petrolimex cho biết doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 là 49,95 USD/thùng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2016 (trong khi 6 tháng đầu năm 2016 là 39,78 USD/thùng).

Như vậy, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 2.443 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch. Trong đó xăng dầu vẫn là mảng kinh doanh mang lại khoản lợi nhuận cao nhất với 1.180 tỉ đồng, chiếm 48,3%.

Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu mang lại tổng lợi nhuận là 1.263 tỷ đồng, chiếm 51,7%. Trong đó lĩnh vực hoá dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 440 tỷ đồng; kinh doanh gas đạt 98 tỷ đồng; vận tải đạt 129 tỷ đồng; nhiên liệu hàng không đạt 171 tỉ đồng; kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 112 tỷ đồng; các lĩnh vực khác đạt 216 tỷ đồng.

Nộp ngân sách trong 6 tháng đầu năm là 18.196 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của toàn tập đoàn là 2.015 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ là 15,6%.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Petrolimex sẽ thay đổi nữa nếu giá xăng bán lẻ tăng lên hơn 25.000 đồng/lít vì các loại thuế.

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) mới nhất, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế BVMT với mặt hàng xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít; xăng máy bay là 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên 4.000 đồng/lít.

Nếu áp dụng theo đề xuất này thì mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với hiện nay.

Không chỉ vậy, trong dự án Bộ Tài chính còn đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu từ mức 10% hiện nay lên 12%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu phân tích tăng thuế VAT chắc chắn giá xăng dầu sẽ phải tăng lên. Nếu tăng thuế VAT lên mức 12% thì giá xăng tăng thêm khoảng 300 đồng/lít, chưa tính các loại thuế và phí khác.

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện 1 lít xăng đang phải cõng rất nhiều loại thuế và phí. Cụ thể: Thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng khoảng 1.300 đồng, thuế BVMT 3.000 đồng, chi phí định mức 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, quỹ bình ổn giá 300 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt gần 1.400 đồng, thuế VAT hơn 1.500 đồng…

Như vậy, tổng các loại thuế và phí 1 lít xăng người dân mua phải gánh khoảng 8.800 đồng. Trong khi đó giá xăng RON 92 bán lẻ ngày 23/8 được Petrolimex niêm yết ở mức 17.480 đồng/lít, thuế phí chiếm hơn 50% giá xăng.

Nếu thuế BVMT tăng lên mức kịch khung đề xuất là 8.000 đồng/lít, tăng thuế VAT lên 12% thì giá xăng bán lẻ có thể sẽ bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít.

Khi đó số tiền thuế và phí mà người dân mua xăng phải đóng cho mỗi lít xăng lên đến hơn 14.000 đồng.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xang-dau-lai-to-petrolimex-tra-co-tuc-lon-chua-tung-co-3341916/)

Theo Minh Thái/Đất Việt