Xác định nguyên nhân ban đầu vụ hơn 300 người ngộ độc ở Khánh Hòa

Bước đầu cơ quan chức năng xác định vi khuẩn Salmonella là tác nhân gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn trong vụ nghi ngộ độc cơm gà ở quán cơm gà Trâm Anh (TP Nha Trang).

Chiều 15/3, kết quả tại Bệnh viện Vinmec Nha Trang cho thấy, cấy phân của hai bệnh nhi ngộ độc nghi do ăn cơm gà của quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP Nha Trang) cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella - tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột.

Tính đến 16h ngày 15/3, Sở Y tế Khánh Hòa ghi nhận các bệnh viện tiếp 345 ca ngộ độc sau khi ăn ở quán cơm gà Trâm Anh.

Hiện có 201 đang điều trị ở 13 bệnh viện và trung tâm y tế tại địa phương, có thêm 38 người xuất viện trong ngày. Hầu hết ở mức độ nhẹ, người dân lo lắng nên đã đến các cơ sở y tế thăm khám và được bác sĩ cho về nhà theo dõi ngoại trú.

Phần cơm gà của quán Trâm Anh nghi khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: H.A)

Phần cơm gà của quán Trâm Anh nghi khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: H.A)

Cũng trong chiều 15/3, đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết luận ban đầu về việc kiểm tra, giám sát việc điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Nha Trang.

Theo đó, sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra do bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp - Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn để làm việc với các bệnh viện.

Sở Y tế Khánh Hòa yêu cầu trong việc điều trị, bước đầu đề xuất định hướng điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella, với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện Đa khoa Vinmec để cân nhắc việc lựa chọn kháng sinh cho phù hợp. 

Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị ca bệnh có liên quan đến vụ việc nêu trên mới đến nếu có. Đồng thời, tiếp tục chăm sóc điều trị bệnh nhân, chủ động theo dõi sát các ca bệnh ngộ độc đang điều trị nội, ngoại trú tại đơn vị.

Khi có ca bệnh diễn biến bất thường, chuyển nặng sở đã yêu cầu các đơn vị y tế cần kịp thời hội chẩn chuyên môn với bệnh viện đa khoa tỉnh để đưa ra giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân, tránh chậm trễ để người bệnh chuyển biến nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn tiến bệnh và cập nhật kết quả xét nghiệm cụ thể của từng người bệnh bị ngộ độc để điều chỉnh các chỉ định lâm sàng hợp lý

Tiếp tục theo dõi diễn tiến bệnh và cập nhật kết quả xét nghiệm cụ thể của từng người bệnh bị ngộ độc để điều chỉnh các chỉ định lâm sàng hợp lý.

Như VTC News đã thông tin, ngày 13/3, các bệnh viện tại TP Nha Trang tiếp nhận 60 bệnh nhân với các biểu hiệu nôn, sốt, đau bụng.... Người bệnh cho biết, các triệu chứng trên xuất hiện sau khi ăn cơm tại quán cơm gà Trâm Anh. 

 Đến 15h chiều 14/3, các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh đã ghi nhận 222 trường hợp nghi bị ngộ độc do ăn cơm gà tại quán Trâm Anh.

 Trong số đó, 155 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có dấu hiệu sinh tồn ổn định, một số bệnh nhân còn triệu chứng buồn nôn, đi cầu phân lỏng nhiều lần, đau quặn bụng từng cơn. Các ca bệnh trong tầm kiểm soát về chuyên môn của các cơ sở y tế. Số bệnh nhân còn lại đã xuất viện, cho về theo dõi ngoại trú. 

Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, Salmonella thuộc họ vi khuẩn đường ruột. Salmonella gây bệnh ở người được xếp thành hai loại: Salmonella gây bệnh thương hàn (Salmonella typhi) và các Salmonella gây bệnh khác (Salmonella non-typhi). Vi khuẩn chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, trong đó có ăn thịt gà. Ngộ độc thường gặp ở người do Salmonella gây ra là thương hàn, bệnh nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, nhiễm khuẩn bệnh viện.

Các nguồn lây nhiễm Salmonella trong thực phẩm có nguyên nhân do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết mổ. Một số loại gia cầm khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể có ở vỏ trứng.

Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, nhiễm Salmonella có thể xảy ra do dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh, do nguồn nước bị ô nhiễm, do côn trùng, vật trung gian (ruồi, chuột). Các loại thịt xay, băm nhỏ… là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển nếu bị ô nhiễm, khi bảo quản không đúng.

Trong gia cầm bị bệnh, Salmonella có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm Salmonella. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.

Thịt có thể bị nhiễm Salmonella do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột... Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển.

Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonela.

Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

https://vtcnews.vn/buoc-dau-xac-dinh-tac-nhan-khien-hon-200-nguoi-ngo-doc-sau-khi-an-com-ga-tai-quan-o-khanh-hoa-ar859026.html

Minh Minh / VTC News