- Đã đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
- Giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao giá hàng hóa chưa nhúc nhích?
Giá xăng dầu giảm sâu sau kỳ điều chỉnh ngày 21/7 khiến người tiêu dùng rất phấn khởi, tuy vậy ai cũng mong giá mặt hàng này tiếp tục giảm nữa để ổn định cuộc sống.
Anh Trần Duy Quân, tài xế GrabBike cho biết, gần đây giá xăng dầu đã 3 lần giảm liên tiếp khiến anh bớt hẳn mối lo, tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
“Chiếc xe Honda Air Blade của tôi chứa được 4,4 lít xăng. Trước kia, khi giá xăng RON95 lên đỉnh 32.870 đồng/lít thì tôi muốn đổ đầy bình phải chi khoảng 145.000 đồng. Nhưng hiện mỗi lít xăng đã giảm 6.803 đồng sau 3 lần hạ giúp tôi tiết kiệm được gần 30.000 đồng. Nghe thì tưởng không nhiều nhưng với công việc của tôi, ngày nào cũng chạy xe trên đường và liên tục phải đổ xăng thì đây lại là khoản lớn. Tôi đã từng có lúc phải gián đoạn công việc vì giá xăng tăng quá mạnh”, anh Quân nói.
Tuy nhiên, theo anh Quân, giá xăng vẫn còn rất cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng RON92 đắt hơn 4.463 đồng/lít; xăng RON95 cao hơn 4.287 đồng/lít. Cụ thể, tại thời điểm tháng 7/2021, giá xăng E5 RON92 là 20.610 đồng/lít; xăng RON95 là 21.783 đồng/lít. “Tôi vẫn mong giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm để những người chạy dịch vụ như tôi nói riêng và toàn thể người dân, doanh nghiệp nói chung giảm bớt khó khăn trong thời buổi bão giá”, anh Quân nói thêm.
Giá xăng dầu giảm mạnh khiến nhiều người tiêu dùng vui mừng. (Ảnh minh họa)
Anh Nguyễn Đức Dương, một lái xe taxi tự do sinh sống tại quận Hà Đông (Hà Nội) cũng chia sẻ niềm vui và bất ngờ trước mức giảm "đã lâu không thấy" của giá xăng. Tuy nhiên, anh Dương vẫn canh cánh nỗi lo khi giá đang ở mức cao và nguy cơ tăng trở lại, khi giá thế giới quay đầu.
Chiếc ô tô Huyndai Elantra của anh Dương từ hôm qua đã tiết kiệm được 340.000 đồng khi đổ đầy bình, sau 3 lần giá xăng giảm. Điều này khiến anh Dương bớt phần nào sự chi li, tính toán mỗi khi quyết định chở khách. Anh Dương kể, khi giá xăng đắt đỏ, mỗi khi nhận cuốc xe nào, anh luôn phải nhẩm tính xem có lời lãi hay không, có tốn xăng dầu nhiều không.
Tuy nhiên, theo anh Dương, giá xăng dầu cần phải giảm mạnh nữa vì hiện vẫn rất đắt đỏ. "Vì lo giá có thể quay đầu tăng sau 10 ngày nữa nên tôi sẽ tranh thủ đổ xăng liên tục. Đã lâu lắm mới dám chơi sang, hô đổ đầy bình xăng", anh Dương nói vui.
Còn anh Cao Đăng Hoán, chủ một hãng xe vận tải đông lạnh với 10 đầu xe ở Hoàng Mai nhẩm tính, với những chiếc xe tải thùng đông lạnh Huyndai Mighty N250SL tải trọng 2 tấn, bình dầu chứa 100 lít thì mỗi xe đang tiết kiệm hơn 500.000 đồng. Nhưng sau rất nhiều lần giá xăng dầu tăng mạnh, hãng xe của anh vẫn "chưa thấy lãi đâu".
Anh Hoán kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm trong những kỳ điều chỉnh tới, khi mà Bộ Tài chính đang đề xuất giảm một nửa mức thuế suất nhập khẩu
“Không chỉ tôi mà những doanh nghiệp vận tải khác cũng đang rất khó khăn và chưa thể hồi phục sau COVID-19 vì chịu tác động của giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu rẻ nữa, chúng tôi mới dám tính đến việc giảm giá cước để thu hút khách, mở rộng thị phần để tiếp tục kinh doanh. Có thể nói, dịch vụ vận tải hiện có sống được hay không đang phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu”, anh Hoán nói.
Trong khi đó, theo phân tích của nhiều chuyên gia, ngay cả khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu thì ở trong nước cũng khó giảm theo tương xứng do luôn phải trích quỹ bình ổn giá. Đặc biệt, khi giá thế giới giảm sâu, mức trích quỹ phải tăng để bù khi giá tăng. Đến nay, đa số các doanh nghiệp xăng dầu lớn đều đang âm quỹ bình ổn giá.
Quỹ bình ổn giá vốn được xem là một trong những “van điều tiết” giá xăng dầu nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng cao, quỹ này đã không có tác dụng nữa. Tại dự thảo luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá và để xăng dầu được điều tiết theo giá thị trường. Theo Bộ Tài chính, sau khi bỏ quỹ này, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể sử dụng các công cụ khác như thuế để ổn định giá xăng dầu nếu cần thiết.
Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh phân tích, trong bối cảnh quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn thì cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT…
“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.
Từ 15h ngày 21/7, giá xăng RON95 giảm 3.605 đồng/lít, về mức 26.070 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 2.715 đồng/lít, về mức 25.073 đồng/lít.
Tương tự, dầu diesel giảm 1.735 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 24.858 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.099 đồng/lít, còn 25.246 đồng/lít. Dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.164 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý tiếp tục không chi quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Còn mức trích vào quỹ cụ thể như sau: với xăng E5 RON92 là 950 đồng/lít, xăng RON95: 950 đồng/lít, dầu diesel: 550 đồng/lít, dầu hỏa: 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazut: 950 đồng/kg.
Như vậy, sau 3 lần giảm liên tiếp, giá xăng E5 RON92 và RON95 đều đã rẻ hơn lần lượt 6.229 - 6.803 đồng/lít. Các loại dầu cũng rẻ hơn khá nhiều.
https://vtc.vn/vui-mung-khi-gia-xang-dau-giam-sau-nguoi-tieu-dung-van-mong-re-nua-ar689456.html