Vụ rắn cắn ở Tây Ninh: Bệnh nhân cai máy thở, ngưng lọc máu

Người đàn ông 38 tuổi ở Tây Ninh bị rắn cắn đã tỉnh táo, cai thở máy và ngưng lọc máu sau 10 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) thông tin, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân bị rắn cắn đã cải thiện hơn.

"Bệnh nhân đã tỉnh, được rút nội khí quản, chuyển từ thở máy sang thở oxy qua mũi và không cần lọc máu. Bệnh nhân đã được thay huyết tương hai lần, truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn" - bác sĩ Sang nói.

Nói về vết thương rắn cắn ở đùi phải, bác sĩ Sang thông tin, các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc hoại tử vùng da này. Hiện tại, không tổn thương sâu nhiều ở lớp cơ. Trường hợp còn hoại tử thêm mô, cơ thì sẽ cắt lọc tiếp.

Trước đó hôm 25.8, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) dự tính, đến khi tình trạng cải thiện, các bác sĩ sẽ đánh giá lại và thực hiện ghép da vào vết rắn cắn hoại tử. Quá trình cắt lọc da sẽ kéo dài và tiến hành nhiều lần vì vùng hoại tử nhiều. Nguy cơ nhiễm trùng vết thương cao.

Như Lao Động đã đưa tin, vào sáng 19.8, người đàn ông phát hiện con rắn hổ mang chúa ở khu vực gần núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Người này dùng tay bắt nên bị rắn cắn vào đùi phải.

Ngay lập tức, bệnh nhân được người dân gần đó buộc garô chặt quanh đùi và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Lúc này, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, vẫn giữ chặt con rắn trên tay.

Tuy vậy, tình trạng bệnh nhân mỗi lúc nặng thêm, bắt đầu tím tái, khó thở... nên được chuyển viện xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Tại đây, bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, thở máy. Các bác sĩ cho bệnh nhân dùng máy thở hỗ trợ hô hấp, thuốc an thần, đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Theo các bác sĩ, rắn hổ chúa là loài rắn to lớn, có độc tính cao. Nọc rắn phát tán nhanh chóng làm cho nạn nhân liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp, suy đa phủ tạng nhanh.

Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn sau đó dù giải quyết được tình trạng liệt cơ và hô hấp nhưng có thể đối diện nhiều biến chứng từ 24 đến 48 tiếng sau do nọc rắn tấn công vào cơ tim làm hủy cơ tim, suy tim cấp.

Lượng nọc tiêm vào vết cắn nhiều có thể làm viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử cơ. Các cơ bị hủy vô tình phóng thích men ồ ạt có thể làm cho bệnh nhân bị suy thận cấp.

Khi lỡ bị rắn cắn, tốt nhất cần ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, nên hạn chế cử động vùng bị cắn, tránh làm khuyếch tán nọc độc và đến cơ sở y tế gần nhất.

Anh Nhàn

Người đàn ông ôm rắn vào bệnh viện cấp cứu: Liều mạng kiếm tiền nộp học cho con Người đàn ông ôm rắn vào bệnh viện cấp cứu: Liều mạng kiếm tiền nộp học cho con
Chuyển người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu Chuyển người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu

/ laodong.vn