Như Lao Động thông tin, đầu năm 2017, một nhóm lao động sang Brunei làm việc qua Cty IDC. Sau 8 tháng ở Brunei, lao động đã vỡ mộng và phải về nước “ôm” đống nợ, gửi đơn kêu cứu đến Báo Lao Động. Ngày 4.1, PV chúng tôi có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc IDC Nguyễn Phi Hùng xung quanh việc này.
Phóng viên: Việc đưa người lao động sang thị trường Brunei, Cty IDC đã được cấp phép chưa?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Chúng tôi đã làm từ 10 năm nay rồi.
Phóng viên: Bộ LĐTB&XH đã cấp phép cho Cty IDC khai thác thị trường Brunei?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Không phải Bộ cho phép mà chúng tôi có hợp đồng, chúng tôi trình với Cục Quản lý lao động Ngoài nước, và chúng tôi làm thôi.
Phóng viên: Anh có thể cho biết tình hình cụ thể của nhóm lao động Việt Nam bị vỡ mộng ở Brunei vừa về nước?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Ba người lao động Kỳ Anh sang Brunei vào mùa mưa, công việc không đều. Tháng đầu tiên mất từ 10 đến 15 ngày chờ xin cấp thẻ lao động. Công việc của các tháng sau phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đặc thù xây dựng. Một thời gian sau họ không chịu được nên bỏ về.
Phóng viên: Không chịu đựng được điều gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Cơ bản là do công việc thất thường.
Phóng viên: Vậy nguyên nhân người lao động về nước được xác định là gì?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Họ không thích làm thì họ về thôi, họ đơn phương pháp vỡ hợp đồng.
Phóng viên: Lao động có liên hệ cho IDC đề nghị Cty cho họ về nước, nguyên nhân mà họ trình bày là gì?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Họ chỉ kêu ca mỗi phần lương, do thu nhập không đều, tháng cao, tháng thấp, có tháng chỉ được vài triệu.
Phóng viên: Việc người lao động kêu ca vậy có đúng không?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Thực tế là đúng như vậy.
Phóng viên: Vậy có nghĩa là mức lương trên thực tế không đúng với hợp đồng đã ký?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Không hoàn toàn chính xác, hợp đồng ký 23 đô/ngày thì chủ trả chính xác 23 đô/ngày. Chỉ là do thời tiết thay đổi, công việc không đều, những ngày nghỉ thì không được trả lương.
Phóng viên: Nhưng tổng lương tháng vẫn trả đầy đủ cho người lao động chứ?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Làm đủ công thì chắc chắn đủ lương.
Phóng viên: Và thực tế các anh không bao giờ có đủ công cho người lao động?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Đây là do thời tiết chứ không phải do chủ sử dụng lao động.
Phóng viên: Vậy người lao động về nước là do lỗi của thời tiết?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Thì đúng rồi, trong hợp đồng ghi rất rõ mà, lương theo ngày công làm việc thực tế.
Phóng viên: Vậy bây giờ Cty định giải quyết thế nào với người lao động, căn cứ vào điều gì để xử lý?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Công ty sẽ căn cứ vào thông báo của chủ sử dụng lao động bên kia và hợp đồng đã ký giữa công ty với người lao động để xử lý.
Về tiền dịch vụ, Cty đã thu khoản tiền là 24 tháng, người lao động đã sang 8 tháng, Cty được phép sử dụng 8 tháng đó, còn 16 tháng sẽ hoàn trả lại.
Phóng viên: Vậy là khoản trả lại cho lao động ước tính khoảng bao nhiêu?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Khoảng 10 triệu đồng.
Phóng viên: Trước khi đi, người lao động đóng cho các anh tổng chi phí là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Tổng chi phí là 41 triệu đồng. Chúng tôi đã hỗ trợ cho người lao động đến gần 1/2 số tiền mà họ nộp. Khi về nước còn hỗ trợ thêm 10 triệu. Tổng lại là gần bằng 3/4 số tiền công ty đã thu.
Phóng viên: Nói vậy, các anh hỗ trợ người lao động tính trên số tiền của người lao động đã nộp, Cty chưa bỏ ra đồng nào. Nếu ngược lại chi phí cơ hội, chi phí thời gian, tiền bạc và các vấn đề phải xa quê đi làm ăn, người lao động cũng tính như vậy, thì Cty giải quyết thế nào?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Trong trường hợp này chúng ta không tranh cãi và không lập luận. Chúng tôi cố gắng giải quyết cả phần lý phần tình. Công ty chúng tôi sẵn sàng ngồi đối diện với cơ quan chức năng, nếu Cty chúng tôi sai thì đã có Bộ Lao động.
Phóng viên: Nếu xét về thiên tai, điều này được hiểu như là động đất, sóng thần, mưa bão vượt mức bình thường, còn việc mưa nắng như anh trao đổi là chuyện bình thường ở Brunei, bắt người lao động hứng chịu, có hợp lý?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Đúng rồi, đây là chuyện bình thường, nhưng để trả lời câu hỏi đấy thì người lao động trả lời là chính xác nhất. Bởi họ không chấp thuận được thì họ mới về.
Phóng viên: Anh có thể cho chúng tôi xem văn bản xác nhận bên chủ sử dụng Brunei lý do người lao động về nước?
Ông Nguyễn Phi Hùng: Để tôi xác nhận lại vì việc này do phòng nghiệp vụ quản lý.
Bản hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa Cty IDC và người lao động có gì bất thường? Bộ LĐTB&XH nói gì về việc cấp phép vào thị trường Brunei? Phương án cuối cùng mà Cty IDC sẽ giải quyết cho người lao động thế nào?
Báo Lao Động tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Xuất ngoại qua IDC, lao động Việt Nam vỡ mộng ở Brunei
Một nhóm lao động ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tìm đến Cty Cổ phần phát triển Quốc tế IDC có trụ sở tại Hà Nội, ... |
Hàng loạt nạn nhân “kêu cứu” vì bị lừa đi xuất khẩu lao động
Đã có 20 người lao động (NLĐ) tại địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ký đơn tập thể “kêu cứu” gửi đến Báo Lao ... |