Vụ khai tử bố mẹ chồng:Bán linh hồn cho tài sản thừa kế

Sự việc con dâu “khai tử” bố mẹ chồng còn sống khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về “quy trình” của nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Cứ tưởng rằng trong tháng Bảy âm lịch – tháng Vu Lan báo hiếu, chúng ta sẽ không phải nghe những tin tức đau lòng liên quan đến 2 chữ “bất hiếu”. Ấy vậy mà ngay tại quận Tây Hồ, Hà Nội, một người con dâu đã nhẫn tâm “khai tử” bố mẹ chồng để chiếm đoạt tài sản thừa kế.

Cụ thể, ngay sau khi chồng mất, người vợ là chị Vũ Thị Viễn đã lập âm mưu chiếm đoạt toàn bộ tài sản nhà đất mà bố mẹ chồng đã chia cho con trai bằng cách khai rằng ông bà đã mất và người thừa kế tài sản của ông bà chỉ có chị và 2 cháu là con chung của 2 vợ chồng.

vu khai tu bo me chongban linh hon cho tai san thua ke

Ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An hiện vẫn còn sống nhưng trên giấy tờ, ông bà đã bị "khai tử" bởi người con dâu bất hiếu. (Ảnh: Lao Động)

Ngay sau khi giấy tờ hoàn tất, 2 người con chung của vợ chồng đã nhượng quyền thừa kế lại cho chị Viễn để chị toàn quyền sử dụng. Lập tức, chị đã bán khối tài sản và rời khỏi nơi cư trú.

Hãy khoan tỏ thái độ bức xúc, tức giận tột độ với người con dâu nói trên. Bởi chị không phải người đầu tiên nghĩ ra kế sách “khai tử người sống” để chiếm đoạt tài sản thừa kế.

Trước đó, vào năm 2015 tại An Giang, 1 vụ án tương tự cũng đã xảy ra khi một người con dâu đã cả gan “khai tử” cả gia đình bên chồng (gồm cả bố mẹ và chồng) chỉ vì mảnh đất. Hay những câu chuyện chẳng “khác máu” mà vẫn “tanh lòng” xảy ra ở TP. HCM: 5 người con gái “đồng lòng” “khai tử” bố đẻ của mình để chia chác căn nhà vào năm 2009;con trai “khai tử” mẹ đẻ, chối luôn hai người em ruột của mình để nhận di sản thừa kế từ ông bà ngoại vào năm 2011...

Người ta thường bảo “tình yêu có sức mạnh to lớn” nhưng sau những sự việc đau lòng như trên, tôi nhận thấy lòng tham mới là thứ có sức mạnh đáng kể.

Lòng tham có thể đổi trắng thay đen, biến người còn sống thành người “đã chết”, đẩy sự bất nhân, bất hiếu chạm đến mức giới hạn. Chẳng những thế, nó còn khiến tình yêu thương giữa con người với con người hay luân thường đạo lý ở đời trở thành mớ lý thuyết suông, dễ dàng bị vò nát, thay thế bởi những sổ hồng, sổ đỏ...

Nhưng suy đi cũng phải nghĩ lại, một người không thể được công nhận là “đã chết” nếu chỉ dựa trên lời nói suông của những người con bất hiếu. Mà nó còn phải phụ thuộc vào sự công nhận của những cơ quan có thẩm quyền.

Sự việc “khai tử người còn sống” xảy ra tại quận Tây Hồ vừa qua không chỉ dấy lên những nghi ngại về lòng tham vô đáy của người con dâu mà nó còn khiến không ít người phải đặt câu hỏi rằng có hay không việc tiếp tay của một số cơ quan chức năng cho việc làm vô đạo đức của những người con đã “bán linh hồn” cho tài sản thừa kế?

Chẳng lẽ công chứng viên có thể “nhắm mắt” khẳng định 2 ông bà đã chết mà không cần kiểm chứng với địa phương, cũng chẳng cần giấy chứng tử?

Đặt 2 sự việc lên bàn cân: 1 là cán bộ UBND phường Văn Miếu cứng nhắc trong việc cấp giấy chứng tử cho người dân với sự dễ dãi trong việc “khai tử người còn sống” của công chứng viên phòng Công chứng số 3 Hà Nội. Tôi bỗng nhận ra cái gọi là “quy trình” của cán bộ phường Văn Miếu không hề đáng trách như chúng ta đã lên án.

Đã là “thủ tục” thì phải “cứng nhắc” một chút chứ cứ “linh hoạt” quá, nhiều kẻ lại lợi dụng những kẽ hở đó để làm những điều xằng bậy thì còn… nguy hại gấp nhiều lần!

Thôi thì trong khi đợi chờ sự việc được làm rõ, chúng ta hãy cứ tin rằng “luật nhân – quả” luôn hiện hữu, hãy cứ tin rằng “sóng trước đổ đâu, sóng sau sẽ đổ đấy” để làm dịu cơn bức xúc đang sục sôi vì người con dâu "báo hiếu" bố mẹ chồng bằng cách "khai tử sống" đấng sinh thành trong tháng Vu Lan – tháng mà chữ “hiếu” được đặt lên hàng đầu.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

http://www.nguoiduatin.vn/-ban-linh-hon-cho-tai-san-thua-ke-a336920.html

Theo Bảo Trang/nguoiduatin