Vụ cựu Chủ tịch Bình Thuận: Doanh nghiệp thu về gần 500 tỉ đồng sau khi mua đất giá rẻ

Khu đất 92.000m2 tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) được phân thành 500 lô đất để bán và chủ đầu tư là Công ty Tân Việt Phát đã thu trước 50% giá trị với tổng số tiền gần 500 tỉ đồng.

Xin nộp bổ sung 45 tỉ đồng nếu là thiệt hại

Ngày 11-5, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 bị cáo trong vụ án giao đất trái pháp luật gây thiệt hại hơn 45 tỉ đồng xảy ra tại tỉnh Bình Thuận tiếp tục với phần xét hỏi.

Trả lời HĐXX, đại diện Công ty Tân Việt Phát khai việc đấu giá đất công khai nhiều lần nên doanh nghiệp biết. Nhưng do khu đất nhiều mồ mả nên Công ty chỉ đề nghị tỉnh giao đất không qua đất giá, không đề nghị gì về giá đất.

Công ty không có tiếp xúc với các lãnh đạo của tỉnh, sở, ngành, ''chắc chắn các bị cáo không hưởng lợi ích gì từ công ty''. Tại tòa, đại diện Công ty Tân Việt Phát cũng đề nghị được nộp bổ sung 45 tỉ đồng nếu Tòa xác định số tiền này là thiệt hại trong vụ án.

Vụ cựu Chủ tịch Bình Thuận: Doanh nghiệp thu về gần 500 tỉ đồng sau khi mua đất giá rẻ  ảnh 1

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Theo cáo buộc, sau khi được giao đất, năm 2017, Công ty Tân Việt Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 lô đất với tổng diện tích hơn 92.000m2 tại TP Phan Thiết. Doanh nghiệp này đã làm các thủ tục xin thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 trên khu đất và triển khai đầu tư hạ tầng, phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100m2 - 2.009 m2.

UBND tỉnh Bình Thuận sau đó thu hồi 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp mới 500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Việt Phát. Doanh nghiệp này đã phối hợp với Công ty Danh Khôi (tại TP. Hồ Chí Minh) ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn mục đích chuyển nhượng đối với 475 lô đất trên.

Công ty Tân Việt Phát đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với giá từ 6 triệu đồng/m2 đến 7,3 triệu đồng/m2, với tổng số tiền huy động được hơn 499 tỉ đồng.

Công ty Tân Việt Phát đã triển khai các thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định. Còn lại 2 lô đất có tổng diện tích 4.015,5 m2 (2006,5 m2 và 2.009 m2), chủ đầu tư để lại phát triển thương mại.

Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát xác định, Công ty Tân Việt Phát được lợi nên có nghĩa vụ hoàn trả số tiền hơn 45 tỉ đồng do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.

Trước đó, ngày 23-7-2022, Công ty Tân Việt Phát có công văn xin nộp bổ sung tiền đất chênh lệch là 45 tỉ đồng. CQĐT có văn bản đồng ý và hướng dẫn nhưng quá trình điều tra, doanh nghiệp đươc giao đất trái pháp luật chưa thực hiện.

Để thu hồi tài sản cho nhà nước, năm 2021, Bộ Công an đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc phối hợp rà soát, cung cấp thông tin, hồ sơ pháp lý và tạm dừng giao dịch đối với các tài sản tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Khi cần giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất tại Dự án thì phải có văn bản lấy ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Bán đất giá rẻ vì áp lực thu ngân sách?

Theo cáo buộc, 12 bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận đã có sai phạm khi giao diện tích hơn 92.000 m2 cho Công ty Tân Việt Phát. Các bị cáo đã áp giá đất năm 2013 để tính tiền thu đất năm 2017, khiến nhà nước thiệt hại hơn 45 tỉ đồng.

Vụ cựu Chủ tịch Bình Thuận: Doanh nghiệp thu về gần 500 tỉ đồng sau khi mua đất giá rẻ  ảnh 2

Khu đất được cựu Chủ tịch Bình Thuận và đồng phạm bán giá rẻ cho doanh nghiệp.

Tại phiên tòa, về cơ bản, các bị cáo đều thừa nhận diễn biến việc giao đất năm 2017 nhưng lại áp dụng giá đất năm 2013 cho Công ty Tân Việt Phát như cáo trạng xác định. Tuy nhiên, mỗi bị cáo với vai trò, nhiệm vụ, vị trí tham gia một phần trong toàn bộ diễn biến giao đất và đề nghị được xem xét lại mức độ hành vi phạm tội.

Tại tòa, bị cáo Lê Anh Huy (cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục quản lý đất đai, Sở TN&MT Bình Thuận) cho rằng, bị cáo này chỉ đề xuất phiếu trình, còn lại những công đoạn khác, bị cáo không tham gia. Trên phiếu trình, ý kiến của bị cáo là thống nhất.

Bị cáo Huy thừa nhận việc UBND tỉnh giao đất cho Công Tân Việt Phát là có gây thiệt hại. Việc xác định thiệt hại là 45 tỉ đồng thì bị cáo không có ý kiến. Còn mục đích tham mưu đề xuất là để thu ngân sách cho tỉnh, bị cáo không được hưởng lợi ích vật chất nào.

Tương tự, bị cáo Phạm Duy Cường (cựu Phó phòng phụ trách Phòng kinh tế đất đai - Sở TN&MT Bình Thuận) cũng khai, bản thân chỉ ký phiếu trình duyệt, sau đó có soạn văn bản tổng hợp gửi Sở Tài chính theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo này cho rằng việc truy tố ở khung hình phạt như cáo trạng nêu là quá nặng.

Các bị cáo khác cũng cho biết, sau này mới biết việc UBND tỉnh giao đất cho Công Tân Việt Phát là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước.

Tại tòa, đại diện UBND Bình Thuận trong vai trò nguyên đơn dân sự đề nghị tòa tuyên Công ty Tân Việt Phát phải nộp thêm vào ngân sách 45 tỉ, khắc phục hậu quả vụ án.

Đồng thời, UBND tỉnh xin giảm nhẹ hình phạt cho các cựu lãnh đạo, cán bộ của mình với lý do họ "nhận thức pháp luật chưa đầy đủ" và "đã công tác nhiều năm, trải từ cơ sở đến cấp tỉnh, có nhiều cống hiến".

Đại diện UBND tỉnh cho biết, khu đất trong vụ án vốn là nghĩa địa, nhiều mồ mả; hố sâu khi di dời hài cốt nên không mỹ quan, các nhà đầu tư không quan tâm; dính tới yếu tố tâm linh nên khó đấu giá. Trong khi đó, áp lực thu ngân sách của tỉnh lớn nên các bị cáo trong vụ bán cho Công ty Tân Việt Phát vì mục đích chung, vì tỉnh, chứ không vụ lợi.

https://www.anninhthudo.vn/vu-cuu-chu-tich-binh-thuan-doanh-nghiep-thu-ve-gan-500-ti-dong-sau-khi-mua-dat-gia-re-post539484.antd

Lâm Vinh / ANTD