Vụ “chuyến bay giải cứu”: Gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục hậu quả 35 tỷ đồng

Sáng nay (18-7), phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục phần bào chữa, tự bào chữa của các luật như và bị cáo. Đáng chú ý, luật sư của cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị thay đổi tội danh đối với Phạm Trung Kiên.

Luật sư đề nghị thay đổi tội danh truy tố thân chủ của mình

Theo truy tố, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42 tỉ đồng trong quá trình cấp phép ''chuyến bay giải cứu''. Trong phần luận tội, Viện kiểm sát (VKS) đánh giá hành vi của bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, thủ đoạn trắng trợn nhất và đề nghị mức án tử hình.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư Hà Mạnh Huy cho biết, sáng nay (18/7), vợ bị cáo Kiên tiếp tục đi nộp thêm 8 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả, nâng tổng số tiền bị cáo kiên tự nguyện khắc phục và hoàn trả lại những người đưa hối lộ lên 35 tỉ đồng.

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục hậu quả 35 tỷ đồng ảnh 1

Cựu  Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên.

Ngoài ra, hai vợ chồng bị cáo Kiên có ngôi nhà đã bị kê biên trong vụ án. Vợ bị cáo đề nghị được dùng phần quyền lợi tài sản trong ngôi nhà này để tiếp tục khắc phục cho chồng. Trong vụ án này, luật sư đề nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo Phạm Trung Kiên.

Theo luật sư Huy, cần làm rõ hành vi của bị cáo Kiên chỉ xảy ra trong giai đoạn cấp phép chuyến bay có trả phí, chuyến bay khách lẻ, tức là chuyến bay có tính chất lợi nhuận, không phải là các chuyến bay mà Chính phủ giải cứu công dân.

Về tội danh, bị cáo Kiên không phải là người có chức vụ, thẩm quyền tham mưu, đề xuất, thẩm định, trình, duyệt cấp phép chuyến bay. Bị cáo Kiên chỉ là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế. Bị cáo không có văn bản phân công, bổ nhiệm, không có phân công công việc cụ thể, trong tổ chức của Bộ Y tế cũng không có chức danh Thư ký Thứ trưởng.

Khi Thứ trưởng Bộ Y tế được phân công tham gia Tổ 5 bộ cũng không có văn bản phân công cho bị cáo Kiên làm gì trong khi giúp việc cho Thứ trưởng. Khi chấm dứt công việc giúp việc, bị cáo cũng không có văn bản, quyết định và chỉ nhận được thông báo miệng ''không làm nữa''. Suốt quá trình này, bị cáo Kiên vẫn hưởng lương chuyên viên.

Ở Bộ Y tế, việc xử lý các văn bản đến qua nhiều khâu, bị cáo Kiên chỉ nhận văn bản và chuyến đến Thứ trưởng. Dự thảo văn bản trả lời, bị cáo Kiên không tham gia. Trên thực tế, các văn bản đề nghị cấp phép mà Bộ Ngoại giao chuyển sang 100% Bộ Y tế đều đồng ý, không có văn bản nào từ chối và trả lời trong thời hạn 3-4 ngày. Như vậy, bị cáo Kiên không phải là người quyết định việc trả lời văn bản vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu.

Trên lập luận này, luật sư Huy cho rằng hành vi của bị cáo Kiên không cấu thành tội “Nhận hối lộ” mà chỉ là phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Điều 366 - BLHS.

Nhân chứng bất ngờ thừa nhận việc khai báo gian dối

Bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư Hà Mạnh Huy cho rằng quy trình cấp phép chuyến bay có nhiều bất cập, có sự chồng chéo, không rõ ràng, không phân công cụ thể từng bộ, không có quy trình. Tại mỗi bộ, có bộ có quy trình, có bộ không.

 
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục hậu quả 35 tỷ đồng ảnh 2

Các luật sư bào chữa cho 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu".

Tại Bộ Y tế không có quy trình xét duyệt cấp phép chuyến bay. Do không có quy trình, không có bộ tiêu chí xét duyệt, đánh giá chi phí dẫn đến doanh nghiệp có thể mượn, liên kết pháp nhân, chuyển nhượng giấy phép. Đây là một phần nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Kiên và các bị cáo khác.

Vì thế, luật sư Huy đề nghị trong trường hợp vẫn xác định bị cáo Kiên phạm tội nhận hối lộ thì mong HĐXX xem xét đánh giá những bất cập, thiếu sót trong quy trình cấp phép chuyến bay để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Ngoài ra, luật sư đề nghị áp dụng cho bị cáo Kiên các tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có nhiều bằng khen, thành tích trong công tác...

Một trong những tình tiết rất đáng chú ý nữa là tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Ngô Quang Tuấn (cựu cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giao thông vận tải) đã bất ngờ thay đổi lời khai từ chối bỏ một phần hành vi bị truy tố sang thành khẩn khai nhận toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Theo đó, quá trình thẩm vấn trong những ngày trước, bị cáo Tuấn phủ nhận việc đã nhận 1,4 tỉ đồng từ 2 cán nhân đưa hối lộ. Do có lời khai nhân chứng là chị gái bị cáo này, bà Ngô Thị Lan Phương theo hướng che giấu tội phạm. Tuy nhiên, sau khi được luật sư bào chữa, bị cáo Tuấn đã thừa nhận là có sự “tiếp tay” khai báo gian dối của chị gái.

Tại tòa, trả lời Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy, nhân chứng Ngô Thị Lan Phương cũng bất ngờ thay đổi lời khai và thừa nhận việc đã khai báo gian dối trong những ngày trước với mục đích làm nhẹ tội cho em trai. Nhân chứng cũng khẳng định, bản thân biết mình phải chịu trách nhiệm về việc khai báo gian dối.

Trước đó, quá trình luận tội các bị cáo, VKS cũng kiến nghị do có dấu hiệu của tội “Che giấu tội phạm” nên đã đề cập đến vấn đề điều tra, xử lý đối với những cá nhân liên quan đến hành vi phạm tội của cựu cán bộ Bộ Giao thông vận tải.

https://www.anninhthudo.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-gia-dinh-cuu-thu-ky-thu-truong-bo-y-te-da-khac-phuc-hau-qua-35-ty-dong-post546184.antd

Lâm Vinh / ANTD