Sau hơn 2 tháng khiến dư luận xã hội rớt nước mắt trước những vết sẹo nghiêm trọng trên mặt, trên người nghi vấn do cha ruột và mẹ kế gây ra, giờ cháu NHNT (sinh ngày 26.3.2010) - học sinh lớp 2, trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hiệp 1 (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) đang sống ra sao? Chúng tôi trở lại và choáng váng hơn vì những gì đã thấy trước đó...
Bé T thực sự đang ở đâu?
Sự việc tóm tắt như sau: Sáng 23.11.2017, thấy bé T - học sinh lớp 2/5 - bị gục xuống bàn trong giờ học, thầy cô Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hiệp 1 (điểm 1) chăm sóc thì phát hiện nhiều vết thương, bỏng trên người. Hiệu trưởng trình báo với chính quyền địa phương. Sau đó, nhiều cơ quan truyền thông đồng loạt lên tiếng, trong đó có Lao Động (“Cháu bé nghi bị cha và mẹ kế bạo hành: Cách ly, đưa cháu Thảo về sống với bà nội”, ngày 28.11.2017) đã buộc chính quyền vào cuộc...
Làm việc với công an xã, T. cho biết, vết bỏng là do cha ruột (Nguyễn Văn Hòa - SN 1987, trú xã Vĩnh Hòa Phú và Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành) dùng thanh sắt nung đỏ dí vào... Tuy nhiên, trước cơ quan chức năng, anh Hòa và chị Trần Thị Kiều T. - mẹ kế cháu T. một mực khẳng định thương yêu cháu T và các vết thương trên người cháu là do ngã vào bếp điện...
Thấy vụ việc phức tạp, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vào cuộc, đưa bé T đi giám định y khoa. Kết quả cho thấy, thương tật của bé T là 12% nên tiến hành khởi tố vụ án, cách ly bé T với cha ruột và mẹ kế, giao cháu T cho bà nội chăm sóc.
Tuy nhiên ngày 12.1.2018, tìm đến trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hiệp 1 vào giờ học sáng, thầy cô nơi đây cho biết, em T đã nghỉ học từ ngày 27.11.2017 đến nay và bỏ luôn cả thi học kỳ 1 mà không hề có đơn, hay lời xin phép nào. Khi chúng tôi đề nghị hướng dẫn đi tìm bé T, thầy cô ở đây chỉ lắc đầu với lý do không ai biết bé T đang ở đâu. Không phải thầy cô thiếu nhiệt tình, mà đó là sự thật. Bởi ngay sau đó, chúng tôi cũng gặp đoàn công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang do đích thân Đại tá Đặng Văn Thống - Chính ủy BĐBP Kiên Giang - dẫn đầu, cũng đến tìm cháu T.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Thống cho biết, ngay sau khi biết vụ việc, Bộ chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã thống nhất giao cho Đồn Biên phòng Tây Yên nhận đỡ đầu bé T theo Chương trình “Nâng bước em đến trường” theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, nhưng mãi đến nay vẫn chưa thực hiện được vì không tìm thấy bé T. Đại úy Nhâm Đức Hà - Đội Vận động quần chúng (Đồn BP Tây Yên), người trực tiếp tìm kiếm bé T - cho biết thêm: “Theo quyết định cách ly, cháu T sống với bà nội ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, tuy nhiên, nhiều ngày tìm đến, chỉ thấy cửa nhà im ỉm khóa. Hỏi chòm xóm cũng không ai hé răng cháu T đang ở đâu”.
Bé T đang ở đâu? Mãi đến khi tháp tùng đoàn công tác BĐBP Kiên Giang làm việc trực tiếp với ông Cao Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) - cơ quan ký quyết định cách ly bé T ra khỏi gia đình cha ruột và mẹ kế - chúng tôi mới giật mình khi chính vị này khẳng định: Cháu T vừa sống với nội vừa sống với... cha ruột và mẹ kế.
Bỏ dùi do... “vô cảm”?
Ông Cao Hùng Cường còn khiến cả đoàn công tác tiếp tục rơi vào bất ngờ khác khi khẳng định việc cháu T sống với cha ruột, mẹ kế là hợp pháp vì thời hiệu cách ly theo quyết định của xã trước đó đã hết.
Khi chúng tôi hỏi: Sao không gia hạn hoặc ra quyết định cách ly mới, ông Cường cho rằng, do thẩm quyền của xã có giới hạn nên đã xin và chờ UBND huyện Châu Thành cho ý kiến để thực hiện tiếp. Chờ và chờ đến bao giờ, trong khi lời khai ban đầu của chính bé T. cho thấy, chính cha ruột là người có nhiều khả nghi đe dọa đến an toàn của em nhất?
Nhưng đáng lo hơn là sự mù mờ này gợi ra cho chúng tôi nhiều băn khoăn về trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc gìn giữ, đảm bảo kỷ cương phép nước và an toàn của trẻ em sau bạo hành.... Điều này không phải là sự suy diễn, bởi trước đó, UBND xã Vĩnh Hòa Phú từng tỏ ra “yếu thế” đến khó hiểu.
Được biết, trước khi ra quyết định cách ly cháu T khỏi cha ruột và mẹ kế, về sống với bà nội, UBND xã Vĩnh Hòa Phú đã ra quyết định cách ly, giao cho cán bộ Hội Phụ nữ và cán bộ phụ trách Lao động, thương binh xã hội của xã chăm sóc. Tuy nhiên, sau đó, khi thấy cha ruột cháu T phản ứng quyết liệt và cho biết, chỉ chấp nhận khi giao cho bà nội chăm sóc, lập tức UBND xã Vĩnh Hòa Phú đã hủy quyết định này và ra quyết định mới.
Khi chúng tôi hỏi: “Với tư cách là chủ tịch UBND xã, ông nhận xét gì khi dư luận cho rằng, mẹ kế của cháu T rất dữ... nên nhiều người dân không dám lên tiếng...”, ngay lập tức, ông Cường thẳng thừng từ chối: “Tôi biết, nhưng không nói đâu”. Vì sao người đứng đầu cơ quan Nhà nước địa phương “không nói” về 1 người dân sinh sống tại địa phương mình quản lý, nhất là người này đang có nhiều nghi vấn liên quan đến câu chuyện bạo hành trẻ em? Do “yếu thế”, do vô cảm hay vì lý do nào khác? Tới đây, chỉ xin kể lại câu chuyện để bạn đọc và người có thẩm quyền của cơ quan chức năng phán xét, nhận định.
Đoàn công tác mượn phòng làm việc của Công an xã Vĩnh Hòa Hiệp trao đổi với chị Huỳnh Thị Bích Vân - mẹ ruột của bé T. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu thêm vụ việc, thoạt đầu chị Vân tỏ ý né tránh một cách rất khó hiểu. Gặng hỏi mãi, chị mới cho biết, sau thời gian báo chí vào cuộc, chị đã nhận nhận được tin nhắn đe dọa, thách thức từ người có tên là Nguyễn Tiên trên trang mạng xã hội với những lời lẽ vô văn hóa với mục đích không muốn cho chị Vân tiếp tục phanh phui sự việc.
Dù chỉ mới xem qua 1 tin nhắn và dù chúng tôi đã lược bớt đi rất nhiều câu chữ mang tính côn đồ, thô tục để không làm phiền đến người đọc, nhưng xem ra, nội dung tin nhắn vẫn đầy “sát khí” và đủ để bất cứ người lương thiện nào cũng chết khiếp: “Mầy nhờ cộng đồng hả, làm gì được tao? Mày cũng biết mẹ tao nổi tiếng ở Tà Niên (Tà Niên là địa danh cũ của xã Vĩnh Hòa Hiệp, Vĩnh Hòa Phú ngày nay-PV) mà, bỏ cuộc đi con. Mẹ tao mà hét một tiếng, cả nhà mầy chết không biết lý do”. Thảo nào mà chị Vân - người phụ nữ đơn thân chưa đầy 30 tuổi này sợ đến vậy.
Mãi đến khi được chúng tôi động viên và lãnh đạo BĐBP Kiên Giang bày tỏ quyết tâm bảo vệ cháu T trước nạn bạo hành, chị Vân mới lấy lại bình tĩnh và đồng ý hợp tác. Theo lời chị Vân, từ khi vụ việc xảy ra đến nay, chị không một lần nhìn thấy cháu T. Tấm lòng người mẹ càng cứa cắt hơn khi sau sự vụ này, chị được nhiều người gần nhà nơi Hòa đang sinh sống, khẳng định thỉnh thoảng nghe cháu T khóc và nhiều nghi vấn cháu T bị trấn nước.
Chị cũng đã nhiều lần gởi đơn đến cơ quan chức năng xin được nuôi cháu T với lý do rất cảm động: “Năm 2013, nhằm để ông Hòa đồng ý ký đơn ly hôn cho tôi thoát khỏi cảnh bị đánh đập, chưởi bới, tôi đành chấp nhận điều kiện của ông Hòa đưa ra là giao cháu T cho ông Hòa nuôi dưỡng. Và theo phán quyết của tòa án, tôi có quyền tới lui thăm con... Nhưng từ lúc đó đến nay, ông Hòa luôn tìm cách ngăn cản. Đặc biệt là khi cưới vợ khác thì xảy ra tình trạng đánh đập con...”. Tuy nhiên, mãi đến nay, nguyện vọng chính đáng này vẫn chưa được giải quyết.
Quá bức xúc, chúng tôi đề xuất Công an xã vào cuộc, nhưng theo thú nhận của 1 cán bộ Công an xã Vĩnh Hòa Hiệp, điều này rất khó vì trước đó, ngay cả việc triển khai giấy mời anh Hòa của Công an huyện cũng đã gặp khó. “Khi nhà khóa cửa, lúc vắng mặt, khi có ở nhà thì lại cho là... bận việc” - vị cán bộ này cho biết.
Lẽ nào cả hệ thống chính trị địa phương có đầy đủ quyền và lực lại bất lực và chấp nhận “bó tay” trước sự xem thường kỷ cương phép nước?
Đại tá Đặng Văn Thống cho biết: Sẽ chỉ đạo bộ phận chức năng phối hợp cùng cơ quan ban, ngành quyết tâm làm sáng tỏ. Trước mắt là để giúp cháu T sớm trở lại trường học.
Chúng tôi tin rằng với quyết tâm này, vụ việc sẽ sớm đưa ra ánh sáng công lý.
Bảo mẫu bạo hành trẻ em ở Đắc Nông vì bé đi cầu nhiều lần
Bực tức vì cháu bé đi cầu nhiều lần, làm vấy bẩn bên ngoài nên bảo mẫu đã có hành vi bạo hành... |
Công an điều tra vụ bé trai bị người giữ trẻ bạo hành
Điểm giữ trẻ nơi bé trai bị bạo hành hoạt động không phép hơn một năm nay. Cơ quan điều tra đã mời người phụ ... |