Vingroup, Sungroup, BRG đề xuất cải cách visa, thị thực để hút du khách ngoại

Nhấn mạnh vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp kiến nghị chính sách visa, thị thực cần thông thoáng hơn nữa.

Tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nhận định, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững thì phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

"Ví dụ năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượ khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau", ông Trường nói.

Theo ông Trường, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

111
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phát về chính sách visa. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Vì thế, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group đề xuất các bộ, ngành cần sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh: "Chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể  các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần".

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

"Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa", ông Trường nêu quan điểm.

Đồng tình với những đề xuất trên, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang cho biết, sau một năm mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đang hồi sinh khi đông đảo du khách đã quay trở lại.

"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những đề xuất về giải pháp ví dụ như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế, visa…để thu hút khách du lịch và tại điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển", ông Quang nói.

Đại diện VinGroup cho biết thêm, bên cạnh chiến lược đầu tư bài bản sản phẩm phục vụ, thời gian qua Vinpearl còn chủ động phát triển các thị trường khách quốc tế tiềm năng, tạo động lực mới cho du lịch Việt Nam. Ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc, Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và đã đạt được những thành tựu khả quan.

112
Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang. (Ảnh: VGP)

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho rằng năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số cần sự tập trung của nhiều giải pháp.

"Đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất", bà Nga thông tin.

113
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG. (Ảnh: VGP)

Đề xuất một số giải pháp để thu hút khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, bà Nga cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh một số mức thuế phù hợp hơn. Theo bà Nga, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu thì nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Cuối cùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Về lĩnh vực hàng không, tại hội nghị, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhấn mạnh hàng không và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hàng không tạo kết nối giao thông giữa các quốc gia, chắc chắn cần khách du lịch trên các chuyến bay.

Với hàng không Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm vừa qua vận tài hàng không nội địa tăng 12,5% so với năm 2020, đây là chỉ số tốt, tiếp đà tăng trưởng năm 2022 vừa qua. Mặc dù tốc độ có giảm, tốc độ tăng trước đây là khoảng 40%. Đây là kết quả tốt, tiếp tục phải quan tâm hạ tầng, cảng hàng không sân bay đảm bảo không quá tải đối với các ga hàng hóa nội địa.

Đối với cảng vận tải hàng không quốc tế, 2 tháng đầu năm 2023 tốt hơn nhiều so với năm 2022, đã quay về 64% so với trước dịch.

"Vì hàng không cần liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ với ngành du lịch, cần chương trình thống nhất, đảm bảo bài bản, dài hạn. Để làm được việc này rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ để thống nhất chương trình hành động", ông Hà nói.

114
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. (Ảnh: VGP)

Do đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề xuất bốn phương án để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Đầu tiên cần chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng.

Tiếp đó cần có Chương trình quốc gia về du lịch. Kiến nghị có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển.

Đồng thời, tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành.

Cuối cùng, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch để tăng chất lượng dịch vụ.

Sáng nay, 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.

Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Thành Lâm / VTC News