Chuyên gia nhận định, khi xuất khẩu gạo không còn là miếng bánh ngon thì việc Vinafood 2 muốn kinh doanh BĐS, xăng dầu cũng là dễ hiểu.
Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7/2019, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) bổ sung bốn ngành nghề kinh doanh mới gồm: bất động sản, đại lý xăng dầu, bán lẻ nhiên liệu động cơ và quản lý bãi đỗ phương tiện đường bộ.
Như vậy, ngoài hoạt động truyền thống là bán buôn gạo, Vinafood 2 đang lên kế hoạch đầu tư cho các ngành nghề mới.
Nhìn nhận về kế hoạch này của Vinafood 2, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, việc Vinafood 2 muốn bổ sung thêm một số ngành nghề hoạt động mới, trong đó có bất động sản, xăng dầu là điều có thể hiểu được khi xuất khẩu gạo không còn là miếng bánh ngon nữa.
Theo vị chuyên gia, hoạt động truyền thống của Vinafood 2 là mua bán và xuất khẩu gạo nhưng trước đây Vinafood 2 là DNNN, được Nhà nước giao cho quota xuất khẩu gạo, Vinafood 2 bán quota rồi hưởng chênh lệch.
"Thời xuất khẩu gạo còn quản lý bằng quota, Vinafood 2 rất sung sướng. Cùng với Vinafood 1, Vinafood 2 làm đầu mối xuất khẩu gạo, mọi doanh nghiệp khác, từ doanh nghiệp địa phương cho đến công ty tư nhân đều phải qua hai tổng công ty này.
Vinafood 1, Vinafood 2 nắm lượng gạo xuất khẩu rất lớn, các hợp đồng tập trung đều do họ ký cả, mỗi năm được mấy triệu tấn. Doanh nghiệp nào cũng phải lấy lòng hai tổng công ty để lúc cần họ phân cho một ít quota để mà xuất khẩu", PGS.TS Nguyễn Văn Nam kể.
Xuất khẩu gạo không còn là miếng bánh béo bở. Ảnh: NLĐ |
Giờ đây, khi chế độ quota bị bãi bỏ, kinh doanh gạo theo thị trường tự do, Vinafood 2 phải tự làm tự ăn. Họ không thể bươn chải thực tế như các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là có nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt khi nắm bắt được thị trường, xây dựng được thương hiệu.
Một thực tế khác được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ ra, đó là xuất khẩu gạo không còn là miếng mồi béo bở nữa mà chứa nhiều thách thức do gạo Việt Nam chất lượng không cao, thương hiệu chưa có, sức cạnh tranh thấp kém, giá bán thấp.
Dù, gạo vẫn là nhu cầu thiết yếu của các nước nhưng Vinafood 2 không có thông tin, không nắm sát thị trường thì vị chuyên gia tin rằng họ cũng không làm gì được nhiều.
Trong hoàn cảnh ấy, Vinafood 2 muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh sang lĩnh vực khác, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, là đúng.
"Vinafood 2 không còn là người mạnh nhất trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, họ cũng không phải là người bám sát thị trường, kể cả thị trường đầu vào lẫn đầu ra. Dù sao Vinafood 2 cũng có vốn liếng, họ có thể bổ sung, học hỏi thêm.
Chọn lĩnh vực nào là vấn đề vô cùng quan trọng bởi đúng thì thành công mà sai thì thất bại. Đúng hay sai thì người ngoài không biết được, vì không biết điều kiện cụ thể của Vinafood 2 thế nào.
Chẳng hạn, Vinafood 2 muốn kinh doanh thêm ngành nghề mới là bất động sản vì họ có sẵn đất đai, đó là các cửa hàng lương thực, kho lương thực... của Vinafood 2 rải khắp các địa phương, thậm chí họ có thể có những khu trồng lúa tập trung mà được các tỉnh giao cho quản lý.
Nếu Vinafood 2 đã có một số cơ sở nhất định thì họ làm bất động sản cũng là điều dễ hiểu", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định.
Dù vậy, theo quan điểm cá nhân, vị chuyên gia cho rằng, Vinafood 2 là công ty kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu họ có thể đi vào mảng kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là lương thực, thực phẩm chế biến.
Từ gạo có thể chế biến được nhiều sản phẩm đa dạng. Nếu Vinafood 2 đầu tư mạnh vào chế biến gạo, họ có thể nâng cao được giá trị của hạt gạo Việt Nam vì chế biến càng sâu thì giá trị càng cao, PGS.TS Nguyễn Văn Nam gợi ý.
Vinafood 2 có thể mở một số cửa hàng gạo ở các thị trấn, khu đô thị với điều kiện đảm bảo gạo nào ra gạo ấy, chất lượng tốt thì khách hàng sẽ tin cậy và mua nhiều hơn. Vinafood 2 cũng có thể thay đổi cách bán hàng khi thực hiện giao hàng tại nhà.
"Cách làm này, về mặt lý thuyết, có vẻ phù hợp với ngành nghề truyền thống của Vinafood 2. Ngay với mảng xuất khẩu gạo, nếu Vinafood 2 làm với tư cách là một nhà kinh doanh thị trường thực thụ, cạnh tranh thì họ vẫn có thế mạnh để làm.
Vinafood 2 đã có tên tuổi trên thị trường xuất khẩu gạo nhưng giờ đây doanh nghiệp phải chuyển mình theo yêu cầu mới, theo thị trường mới. Họ phải sát sao với người bán, người mua, thị trường đầu vào, đầu ra..., phải xây dựng thương hiệu gạo, chất lượng đảm bảo rồi xuất khẩu thì tự nhiên sẽ tạo được uy tín", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói.
Dấu hiệu trục lợi đất vàng công sản do Vinafood 2 'hô biến' Nhiều công đoạn khó hiểu và sự chuyển giao lòng vòng của lô "đất vàng" công sản ngay tại trung tâm Sài Gòn cho thấy ... |
Vinafood 2 thua lỗ nghìn tỷ đồng: Mở rộng điều tra Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh ... |