Học giả Hàn Quốc nhận định Việt Nam là cầu nối với ASEAN, giữ vai trò trọng tâm trong chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Moon.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Ảnh: Reuters.
Việt Nam sẽ là nước thành viên Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thứ hai Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm cấp nhà nước, sau Indonesia. Ông Moon dự kiến thăm cấp nhà nước Việt Nam ba ngày từ ngày 22/3 tới. Tổng thống Hàn Quốc còn hứa thăm tất cả 10 nước ASEAN cho tới khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2022.
"Trong lịch sử các đời tổng thống Hàn Quốc, chưa ai thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến hợp tác với ASEAN và cam kết sẽ thăm chính thức 10 quốc gia ASEAN như ông Moon", Tiến sĩ Lee Jaehyon, Viện Nghiên cứu chính sách ASAN, viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc về Đông Á, hôm nay cho biết tại hội thảo quốc tế "Hợp tác Đông Á và vai trò của Việt Nam và Hàn Quốc" ở Hà Nội. Ông Lee đánh giá điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền với quan hệ Hàn Quốc - ASEAN, và dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn ra thế nào, chính sách mới này vẫn được thực hiện.
Năm 2017, ông Moon công bố chính sách Phương nam Mới, trong đó tăng cường hợp tác với ASEAN, nâng tầm quan hệ lên tương đương 4 đối tác lớn trước đây là Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Đây là chính sách mới, bên cạnh chính sách Phương bắc Mới trước đó của Hàn Quốc tập trung vào Nga, Mông Cổ, khu vực Á - Âu. Ông Moon cũng đưa ra thuật ngữ "Cộng đồng 3P", ghép từ ba chữ cái tiếng Anh đầu của từ "con người", "hòa bình" và "thịnh vượng", như một khẩu hiệu cho hợp tác kinh tế Hàn Quốc - ASEAN.
Chung nhận định với Tiến sĩ Lee, giáo sư Kim Hyungjong, Khoa quan hệ quốc tế, Đại học Yonsei, đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất, là cầu nối giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á. Việt Nam không chỉ đóng vai trò tăng cường quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, mà còn có thể hối thúc các nước ASEAN thuyết phục Triều Tiên, giúp tăng cường liên lạc với nước này và giảm căng thẳng trên bán đảo. Theo ông Kim, chính sách Phương nam Mới bắt nguồn từ tình hình trên bán đảo Triều Tiên và có tác động tương hỗ với nhau.
"10 năm trước, Hàn Quốc không đề nghị các nước ASEAN giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà chỉ kêu gọi cùng Seoul gây áp lực, đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Nhưng hiện thời thế thay đổi, chính quyền mới muốn ASEAN đóng vai trò chủ động và mang tính xây dựng hơn. Đây là khía cạnh mới của chính quyền ông Moon", ông Kim nói với VnExpress.
Các học giả Hàn Quốc cho biết rất mong chờ vai trò gián tiếp của Việt Nam, nước có kinh nghiệm liên lạc với Triều Tiên, nhằm thống nhất bán đảo.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tuần tới của Tổng thống Moon diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 4 tại làng biên giới liên Triều Bàn Môn Điếm. Hai lãnh đạo dự kiến thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo và bình thường hóa quan hệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự kiến gặp thượng đỉnh với ông Kim tại một địa điểm chưa xác định vào tháng 5.
Việt Nam và Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược năm 2009. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc ở ASEAN. Hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD đến năm 2020. Số khách du lịch Hàn Quốc thăm Việt Nam năm ngoái đạt 2,4 triệu người. Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á người Hàn Quốc chọn thăm nhiều nhất. Năm 2017, Hàn Quốc là nước rót nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thứ hai tại Việt Nam sau Nhật. Tổng vốn đăng ký của Hàn Quốc là 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Vì quá xinh đẹp, 4 nữ sinh Việt nổi tiếng trên báo mạng quốc tế
Nhan sắc của con gái Việt Nam đâu kém cạnh gì các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... nhiều cô gái xinh đẹp ... |
Vụ sao nam Hàn Quốc bị bắt 19 năm trước: Che đậy băng sex của bạn gái?
MC hàng đầu Hàn Quốc Shin Dong Yup bị bắt vào năm 1999 vì sử dụng cần sa. Nguồn tin mới đây cho hay Shin ... |
Người Hàn Quốc kiến nghị cấm nhóm nhạc có 3 diễn viên khiêu dâm Nhật
Hàng chục nghìn người kí vào lá đơn kiến nghị gửi tới Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), yêu cầu cấm nhóm nhạc toàn ... |